Những anh nông dân Thái Bình nuôi ốc, nuôi bò, trồng lúa 'cứu' ruộng hoang mà thành tỷ phú

Bình luận · 147 Lượt xem

Trở về quê hương phát triển kinh tế nông nghiệp đang trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Nhờ nhạy bén trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, những nông dân trẻ của tỉnh Thái B

Giống như bao bạn trẻ khác, anh Phạm Tiến Quân, xã Thụy Ninh (Thái Thụy, Thái Bình) từng cố gắng trụ ở Hà Nội với nhiều công việc khác nhau hy vọng làm giàu. Sau thời điểm khó khăn do dịch bệnh, năm 2019, anh Quân quyết định về quê tìm hướng đi mới. 

 

Nhận thấy nhiều người dân lựa chọn vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp không mặn mà với đồng ruộng, anh quyết định thuê, mượn lại đất của bà con để trồng lúa. Hành trình “cứu” ruộng hoang của chàng trai trẻ bắt đầu từ đó. 

 

 

Với 5 mẫu ruộng tích tụ được, anh Quân thuê máy móc, nhân công để tập trung sản xuất. Thời gian đầu, do ruộng nằm rải rác nhiều nơi trên cánh đồng nên việc canh tác của anh gặp rất nhiều khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao. Khó khăn là vậy nhưng anh Quân vẫn quyết tâm gắn bó với đồng ruộng.

 

Sau 2 năm miệt mài, những giọt mồ hôi, công sức của anh nông dân trẻ xã Thụy Ninh đã được đền đáp xứng đáng khi thu về lợi nhuận cao từ việc cấy lúa. Với hy vọng làm ăn lớn, anh Quân lại tiếp tục đến từng hộ động viên người dân đổi ruộng, cho thuê lại ruộng để quy vùng sản xuất tập trung, mở rộng diện tích lên 60ha. Để thuận tiện cho việc sản xuất, anh mạnh dạn vay mượn hàng trăm triệu đồng đầu tư các loại máy hiện đại: máy cày, máy cấy, máy phun thuốc...

 

Anh Quân cho biết: Nhờ quy vùng sản xuất, đầu tư trang thiết bị hiện đại nên việc sản xuất của tôi rất dễ dàng và tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Sản lượng mỗi năm đạt 200 tấn, cho thu khoảng 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tôi còn hỗ trợ việc làm cho 6 - 7 lao động thường xuyên trong thôn với mức thu nhập khoảng 200.000 đồng/người/ngày.

 

Thầy giáo “về vườn”

 

Vốn đã quen với công việc cầm phấn, đứng trên bục giảng nhưng anh Hoàng Cao Cường, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) đã khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định trở thành nông dân chính hiệu.

 

“Nhiều người cũng nói là biết gì về nghề nông mà làm. Gia đình cũng hy vọng tôi kiên trì theo nghề giáo đã chọn. Nhưng có những thời điểm bản thân phải đưa ra quyết định phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Để xây dựng mô hình chăn nuôi cần vốn rất lớn nhưng may mắn được Hội Nông dân xã cho vay vốn nên tôi quyết tâm triển khai mô hình” - anh Cường cho biết.

 

Bắt đầu làm quen với nghề nông từ vài mẫu ruộng chuyển đổi, anh Cường vay mượn thêm để đầu tư xây chuồng nuôi lợn, ao nuôi cá. Sau khi mô hình cho thu lợi nhuận, anh lại mạnh dạn nuôi thêm gà, bồ câu để tận dụng diện tích trống và thực hiện mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài”. 

 

Thế nhưng khó khăn cũng bắt đầu đến với anh, bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2019 khiến mọi công sức “đổ sông đổ bể”. Chấp nhận đối mặt với thất bại, anh tiếp tục tái đầu tư và nuôi thêm bò thịt, bò giống để duy trì sản xuất. “Người tính không bằng trời tính”, mô hình của anh thêm một lần nữa đối mặt với khó khăn khi đàn bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Sau 2 lần thất bại, anh Cường thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

 

Chia sẻ về quãng thời gian sóng gió ấy, anh Cường cho biết: Khi ấy tôi không có nhiều kinh nghiệm phòng, trị bệnh nên số lượng bò ngày càng giảm. Sau 2 lần thất bại tôi cũng cảm thấy nản chí nhưng được sự động viên, hỗ trợ của gia đình nên tôi cố gắng đứng lên làm lại từ đầu. Tôi bắt đầu đi học hỏi, tham quan các mô hình lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi khép kín để bảo vệ đàn vật nuôi.

 

Từ diện tích rộng 2 mẫu, anh Cường đã dần mở rộng lên hơn 8 mẫu nuôi 30 con lợn nái, 200 con lợn thịt và 40 con bò New Zealand. Sau 8 năm kiên trì, anh đã có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định.

Bình luận