Xuất khẩu gạo lập kỷ lục lịch sử sau 34 năm tham gia thị trường thế giới

Bình luận · 75 Lượt xem

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Với con số trên, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vượt qua mốc 3,65 tỷ USD (năm 2011), chính thức thiết lập kỷ lục lịch sử mới sau 34 năm tham gia thị trường thế giới. Năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo, chấm dứt thời kỳ thiếu gạo và chuyển sang xuất khẩu.

-1514-1698635393.jpg

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ vị trí cao nhất thế giới. 

Trong tháng 10/2023, số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 700.000 tấn, tương ứng 433 triệu USD, đi ngang về lượng và tăng 27% về giá trị so với tháng 10/2022.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 27/10, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bỏ xa các đối thủ như Thái Lan, Pakistan.

Cụ thể, gạo tấm 5% của Việt Nam đang được bán với giá 643 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 79 USD/tấn và 80 USD/tấn.

Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 628 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 106 USD/tấn và 140 USD/tấn.

Trước diễn biến thuận lợi của xuất khẩu, những ngày gần đây, giá lúa tại ruộng và kho tăng mỗi ngày. Trong đó, tại miền Bắc, giá lúa khô tăng lên 14.000 đồng/kg. Còn các tỉnh miền Tây, điển hình ở vựa lúa gạo An Giang, giá lúa làng nhen (khô) lên 15.000 đồng/kg. Lúa Đài Thơm, nàng hoa tươi tăng thêm 100 đồng so với ngày trước, lên 9.000 đồng.

Giá lúa tăng đẩy giá gạo lên cao, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu tháng 10 đến nay, giá gạo trong nước đã tăng 300-500 đồng/kg so với tháng trước đó. 

Tính toán sơ bộ từ Bộ NN&PTNT cho thấy, ở kịch bản cao nhất, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,2-4,5 tỷ USD trong năm 2023. 9 tháng Việt Nam xuất khẩu đạt 6,6 triệu tấn, tương đương 3,66 tỷ USD.

Bình luận