Đã từng xuất khẩu nhãn sang châu Âu nhưng người dân Sơn Thủy (Hòa Bình) năm nay vẫn gặp khó khăn về đầu ra và giá cả của loại nông sản này thấp do thị trường ảm đạm. Ngoài ra, do cả yếu tố khách quan và chủ quan nên sản lượng nhãn không như mong đợi, không bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.
Không có tiêu chuẩn, không cùng tên gọi
Ông Bùi Trọng Thơ, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, cho biết một trong những nguyên nhân khiến quả nhãn rơi vào tình trạng trên là nhiều hộ dân vẫn còn nằm ngoài liên kết, sản xuất tự phát nên nông sản không đồng bộ theo quy trình, tiêu chuẩn mà thị trường nhập khẩu yêu cầu.
Còn tại Đắk Lắk, Gia Lai, không ít hộ dân cũng đang đối mặt với khó khăn vì quả chanh dây xuống giá. Có thời điểm, loại quả này chỉ còn 3.000 đồng/kg khiến tình trạng bỏ mặc vườn chanh leo diễn ra ở không ít địa phương. Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX sản xuất thương mại, dịch vụ du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (Gia Lai) cho biết, chanh leo xuống dưới mức 5.000 đồng/kg coi như người dân, thành viên HTX không có lãi. Điều này phần lớn là do người dân sản xuất ồ ạt, không chú trọng đến quy trình và giống phù hợp.
“Các giống chanh leo mà người dân trồng hiện nay chỉ phù hợp cho chế biến mà chưa phù hợp cho xuất tươi. HTX đã làm việc với nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhưng họ thường đánh giá chanh leo trong nước vỏ mỏng, nhanh héo, không bảo quản được trong thời gian dài, mã xấu”, ông Thanh kể.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Trần Phi Vũ, Chủ tịch Học thuật Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt - Úc, cho rằng nông nghiệp Việt Nam vẫn còn đang gặp rất nhiều hạn chế từ sự cạnh tranh toàn cầu. Trong đó, sản phẩm nông sản được trồng ra vẫn chưa có sự thống nhất cao. Người sản xuất vẫn có sự phân chia nông sản này bán nội địa nên sản xuất theo cách khác, còn nông sản kia xuất khẩu thì sản xuất theo cách khác… Vì vậy, có những nông sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ các khách hàng nước ngoài như đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng các quy trình GlobalGAP, HACCP, ISO 22000...
Thực tế đã chứng minh, nhiều quốc gia đưa nông sản ra thị trường quốc tế rất thuận lợi. Chẳng hạn như quả cam ở Mỹ, khi bán tươi thì đảm bảo sự đồng đều về mẫu mã, chất lượng, màu sắc. Số còn lại, tức là những quả không đồng đều về mẫu mã, chất lượng sẽ được đưa vào chế biến. Để làm được điều này, Mỹ đã chuẩn hóa các công đoạn từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản đóng gói, phân phối… theo một quy trình nhất định. Nhưng ở Việt Nam, điều này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngay trong công đoạn sản xuất hiện vẫn chưa được đồng bộ, chưa có sự liên kết. Thậm chí cùng trồng nhãn, chanh leo nhưng mỗi vùng, mỗi vườn trồng một giống, áp dụng một quy trình khác nhau.
Nâng tầm quy trình, cải tiến mẫu mã giúp đầu ra của HTX thịt chua Thanh Sơn (Phú Thọ) rộng mở hơn. |
Đặc biệt, nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp hiện nay vì quá đề cao tính đặc trưng, tính địa phương của sản phẩm nên càng khó tạo được sự hòa đồng trong phát triển nông sản.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng con gà, củ khoai, hạt thóc của người nông dân nếu mỗi nơi trồng một loại, mỗi nơi mỗi lựa chọn một giống thì chỉ có thể để nhà ăn hoặc mua bán trao đổi nhỏ. Vì những thứ không có tiêu chuẩn, không cùng tên gọi thì không thể trở thành sản phẩm hàng hóa đại trà và không thể phát triển trên quy mô lớn dù trên phương diện và góc độ nào đó, những nông sản như vậy là tốt và có giá trị cao.
Nắm bắt tín hiệu thị trường
Theo các chuyên gia, muốn thuận lợi trong sản xuất thì chỉ có làm nông nghiệp hàng hóa. Và muốn làm được nông nghiệp hàng hóa thì cần phải có quy trình chuẩn từ cách trồng, tuyển lựa loại giống tốt, sơ chế, thu hoạch... Hiện, nhiều loại trái cây của Việt Nam như cam, xoài, chanh leo… vẫn bị coi rẻ vì không bảo đảm được sự đồng nhất dù là bán tươi hay phục vụ chế biến.
Ngay như sản phẩm thịt chua của đồng bào dân tộc Mường ở Phú Thọ, nếu theo nguyên bản thì thịt được lên men trong ống nứa nên cho hương vị đặc trưng. Nhưng ngược lại nếu mang y nguyên sản phẩm như vậy đi tiêu thụ, xuất khẩu thì rất khó cho khâu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, khó vận chuyển, bảo quản. Tuy nhiên, nếu cùng sản phẩm ấy nhưng được bảo quản trong hộp nhựa, được đóng gói hút chân không thì lại rộng đường tiêu thụ, xuất khẩu dễ hơn rất nhiều.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX thương mại và sản xuất bánh tráng Hương Vàm Cỏ (Long An), ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, bánh tráng nếu được phơi dưới ánh nắng mặt trời thì sẽ có hương vị đặc trưng. Nhưng nếu không dùng máy móc hiện đại thì HTX không thể đáp ứng được những đơn hàng lớn, lại bị phụ thuộc vào thời tiết.
Điều này cho thấy, những sản phẩm bản địa, đặc trưng của địa phương thường mang giá trị lớn về văn hóa. Những sản phẩm này có thể mang lại giá trị kinh tế và trường tồn được tại nơi sinh ra nó nhưng khi bước ra thế giới, khi tham gia thị trường lớn thì cần phải có sự đại trà. Tức là phải bảo đảm được tính hàng hóa, sản xuất theo tiêu chuẩn đồng bộ, quy mô lớn, liên tục.
Muốn tiếp cận được các thị trường lớn để gia tăng giá trị buộc các HTX, nông dân, và cả doanh nghiệp phải nắm bắt được tín hiệu thị trường. Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng muốn xuất khẩu sang châu Âu, sản phẩm của HTX, doanh nghiệp buộc phải sản xuất đúng quy trình theo tiêu chuẩn của châu Âu.
Đặc biệt, thay vì kiểm soát chuỗi và truy xuất nguồn gốc theo kiểu để cho doanh nghiệp xuất khẩu đăng ký và được mua sản phẩm qua các cơ sở sơ chế, hoặc đại lý thì hiện nay, thị trường châu Âu quy định, chỉ trừ khâu sản xuất ban đầu, còn lại tất cả các khâu tiếp theo từ sơ chế, chế biến, logistics, kho lạnh đều phải đăng ký.
Muốn vậy, chỉ có bảo đảm đồng bộ theo quy trình, phải bỏ tính đặc trưng, truyền thống, yếu công nghệ. Hoặc HTX, doanh nghiệp phải làm sao để hài hòa giữa yếu tố địa phương với tính hàng hóa, tính truyền thống và hiện đại. Ngay như phở sắn, cá nục kho rim Quảng Nam đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Mỹ… một phần cũng nhờ người dân, HTX, doanh nghiệp biết nâng tầm, biết kết nối và làm theo tiêu chuẩn hàng hóa mà trở thành những mặt hàng có giá trị cao thay vì chỉ chăm chăm làm theo lối truyền thống, nhỏ lẻ, ít ứng dụng công nghệ.