Người dân Phụng Hiệp kỳ vọng đổi đời từ những mô hình mới của kinh tế hợp tác

Bình luận · 199 Lượt xem

Những mô hình mới, đạt hiệu quả kinh tế cao của các HTX, tổ hợp tác điển hình ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) như HTX Kỳ Như, Tổ hợp tác trồng nhãn Ido, HTX Ngũ Thường MeKong, HTX dưa lưới Thuận Phát… được kỳ vọng

Ở ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa (huyện Phụng Hiệp) có HTX nông nghiệp Kỳ Như luôn tìm tòi, sáng tạo, chế biến cá thát lát đặc sản Hậu Giang thành nhiều món ăn mới, hấp dẫn, đạt OCOP 4 sao.

HTX đưa cá thát lát vươn xa

Hiện HTX này có 28 thành viên, với diện tích nuôi cá thát lát nguyên liệu phục vụ sản xuất khoảng 18ha. Trung bình mỗi tháng cung ứng từ 30-35 tấn cá thát lát nguyên liệu để phục vụ chế biến, cung cấp cho thị trường.

-1301-1693236471.jpg

HTX Kỳ Như giúp cho con cá thát lát của Hậu Giang vươn xa.

HTX Kỳ Như đang hợp tác và cung ứng cho khoảng 20 đại lý, cửa hàng đặc sản trong cả nước và hệ thống các siêu thị Co.opMart, Mega, Winmart,…với sản lượng cung cấp trên 200 tấn sản phẩm cá thát lát mỗi năm.

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX, cho hay: Ngoài sản phẩm OCOP Hậu Giang, chúng tôi còn tập hợp sản phẩm của các doanh nghiệp, các chủ thể OCOP của những tỉnh, thành khác để cùng nhau quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng.

Cũng theo bà Thùy, HTX đang hợp tác và cung ứng cho khoảng 20 đại lý, cửa hàng đặc sản trong cả nước và hệ thống các siêu thị với sản lượng trên 200 tấn sản phẩm cá thát lát mỗi năm. Hiện nay HTX đang tiếp tục mở rộng thị trường ở các tỉnh, thành trong cả nước và nước ngoài.

Tính đến nay, HTX Kỳ Như đã có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. Trong đó, có 10 sản phẩm từ cá thát lát và 1 sản phẩm là khô cá sặc rằn. Với vùng nguyên liệu khoảng 15ha diện tích nuôi hiện nay, mỗi năm HTX cho ra sản lượng khoảng 500 tấn cá thát lát nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Ngoài HTX nêu trên, trong hoạt động kinh tế hợp tác tại xã Thạnh Hòa còn có Tổ hợp tác trồng nhãn Ido ở ấp Tầm Vu 2. Tổ hợp tác có 24 thành viên, với diện tích trồng nhãn gần 25ha.

Cách đây 3 năm tổ hợp tác này được cấp mã số vùng trồng. Trung bình 1ha đạt năng suất từ 2 - 3 tấn trái/năm. Hai năm qua nhờ giá nhãn ổn định 20.000/kg, trừ hết chi phí đầu tư và công chăm sóc, mỗi thành viên tổ hợp tác đạt lợi nhuận trên 250 triệu đồng/ha/năm.

Từ việc phát triển kinh tế hợp tác như vậy đã góp phần giúp đời sống người dân xã Thạnh Hòa ngày càng nâng lên, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Để tạo thêm sinh kế cho người dân địa phương, xã đang hướng tới kết hợp phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. 

Mạnh dạn đi theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn

Thời gian qua bên cạnh việc vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế, xã Thạnh Hòa cũng vận động bà con học tập các kỹ năng làm du lịch sinh thái. Đồng thời tổ chức nâng cấp mở rộng các tuyến đường giao thông trong xã để tạo ra các tuyến du lịch liên kết. 

-6059-1693236471.jpg

Huyện Phụng Hiệp phù hợp phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn với vai trò góp sức của các HTX.

Anh Hồ Văn Tâm, người dân trong xã Thạnh Hòa, và là thành viên tổ hợp tác, cho biết: “Gia đình hiện có vườn nhãn Ido hơn 1ha, thời gian qua gia đình cũng có hướng để phát triển du lịch nông nghiệp. Nên ngoài hạ tầng giao thông nông thôn được địa phương đầu tư thì gia đình cũng đầu tư làm lối đi trong vườn để tạo điều kiện phát triển du lịch trong tương lai”.

Cùng với xã Thạnh Hòa, một số địa phương khác ở huyện Phụng Hiệp cũng đang đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác và thực hiện những mô hình mới có tính hiệu quả cao. Như ở xã Tân Bình có mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn (dưới mái áp điện mặt trời) tại ấp Tân Long của HTX Ngũ Thường MeKong. HTX được thành lập hồi giữa tháng 12/2022, với 14 thành viên, do bà Lữ Thị Nhật Hằng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX, có vốn điều lệ ban đầu 6 tỉ đồng. 

Với diện tích đất sản xuất khoảng 7.000m2, HTX này mạnh dạn phát triển sản xuất theo mô hình nông nghiệp kinh tế tuần hoàn thông qua việc dùng rơm chất nấm, sau đó lấy phân rơm nuôi trùn quế và dùng trùn quế làm thức ăn cho cá, gà, vịt. Chưa kể, HTX còn sử dụng phân rơm để trồng cỏ voi để nuôi gần 20 con bò giống…Ước tổng doanh thu từ các mô hình gần 1 tỷ đồng/năm.

Đến với mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn của Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong - một thành viên chủ lực của HTX, sẽ thấy hệ thống điện áp mái công suất 990kWp trong chuỗi sản xuất nông nghiệp theo dây chuyền khép kín của nông trại có hiệu suất 4.000 kWh/ngày cho doanh thu hơn 200 triệu đồng mỗi tháng. Tận dụng khoảng trống phía dưới nông trại phát triển mô hình trồng nấm, nuôi trùn quế, trồng rau sạch và nuôi thủy sản. Với quy trình khép kín này, nông trại đã khai thác triệt để diện tích và không gian đất sản xuất, hạn chế tối đa chi phí đầu vào.

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, HTX nêu trên đã chọn nuôi ghép cá thát lát với sặc rằn trong chuỗi kinh tế tuần hoàn của trang trại.

Bà Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc HTX, cho biết, từ nguồn phụ phẩm là rơm, đơn vị đã phát triển chăn nuôi bò, trồng nấm, rồi thu phân bò, rơm mục để nuôi trùn quế. Thu hoạch trùn quế nuôi cá, gia cầm. Phân trùn quế lại trồng cây nuôi bò. Ngay cả nước thải nuôi cá cũng được tận thu xử lý. Tất cả tạo thành vòng tròn khép kín, không gây ô nhiễm môi trường. 

Góp sức quan trọng vào giảm nghèo

Hoặc như mô hình trồng dưa lưới gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Bình Thành (huyện Phụng Hiệp) của HTX dưa lưới Thuận Phát. HTX này đã có những bước tiến sau những ngày đầu khó khăn trong việc trồng lúa và một số loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế kém, đến khi mạnh dạn chuyển đổi sang một loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều - cây dưa lưới.

-9362-1693236471.png

Mô hình trồng dưa lưới gắn với tiêu thụ sản phẩm của HTX dưa lưới Thuận Phát mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ các chính sách hỗ trợ cũng như liên kết sản xuất của địa phương, đến nay HTX đã và đang trên đường phát triển. Hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương và tăng thu nhập cho thành viên.

Đến nay, sản phẩm dưa lưới của HTX đã đạt chứng nhận GlobalGAP, có thực hiện ghi chép nhật ký và truy xuất nguồn gốc nông sản. Sản lượng và chất lượng sản phẩm của HTX rất ổn định và được công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Ông Võ Văn Trưng, Giám đốc HTX, cho biết hiện HTX có khoảng 30 hộ, diện tích 4ha, cung cấp mỗi năm cho thị trường từ 250-280 tấn trái. Tới đây, HTX tiếp tục hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất và liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Mở rộng diện tích sản xuất, kết nạp thêm thành viên, đồng thời tiếp tục duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Trung bình 1.000m2 thu hoạch khoảng 2,5 tấn, với giá bán hiện sau khi trừ chi phí người dân lãi khoảng 10%. Hiện nay, nông dân HTX đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó mà chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, sản phẩm làm ra luôn được thị trường ưa chuộng.

Theo ông Trung, HTX cứ xoay vòng trồng trong các hộ, bình quân từ 7-10 ngày cung cấp ra thị trường 7-8 tấn, giá hiện được công ty chuyên thu mua dưa lưới cung cấp đi toàn quốc. Nếu hộ nào chăm sóc kỹ, doanh thu 1.000m2 sẽ đạt gần 200 triệu đồng/năm.

Với những mô hình hiệu quả từ các HTX, tổ hợp tác như nêu trên là động lực để kinh tế hợp tác ở huyện Phụng Hiệp ngày càng đi lên, góp sức quan trọng vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Nhất là khi trên địa bàn huyện Phụng Hiệp còn 3.970 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 7,81%); 2.769 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,45%). Để tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, không có cách nào khác là phải tạo sinh kế cho bà con, trong đó vai trò của các HTX, tổ hợp tác là rất quan trọng trong thời gian tới. 

Bình luận