‘Nhân tố’ kinh tế hợp tác trong chuỗi liên kết nông sản giúp xứ cù lao Phú Tân ngày thêm đổi mới

Comments · 190 Views

Từ “nhân tố” điển hình như HTX nông nghiệp Phú Thạnh và việc đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác, đã và đang giúp huyện cù lao Phú Tân (tỉnh An Giang) ngày thêm đổi

Là một thành viên của HTX nông nghiệp Phú Thạnh ở xã Phú Thạnh (huyện Phú Tân) đang tham gia vào mô hình canh tác lúa bền vững SRP trong những vụ mùa 2022 và 2023 do HTX phối hợp cùng Sở NN&PTNT An Giang và Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh Việt Nam (GIC Việt Nam), ông Trần Quí Nhân cho biết, nhờ đó mà nông dân địa phương đã nâng cao ý thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng đổi mới, ứng dụng công nghệ và chú trọng chất lượng sản phẩm làm ra. 

Lợi ích thiết thực cho nông dân trồng lúa

Cụ thể, theo ông Nhân, các thành viên HTX được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, quy trình sạ thưa 120kg giống/ha kết hợp trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng. Sau 100 ngày, các ruộng mô hình phát triển tốt, năng suất thực tế 7,6 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng khoảng 1,9 triệu đồng/ha. Ngoài ra, các thành viên HTX được tập huấn để sản xuất thêm sản phẩm mới phục vụ trong nông nghiệp là phân hữu cơ vi sinh từ rơm rạ.

-7796-1698640268.jpg

HTX nông nghiệp Phú Thạnh mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân trồng lúa.

Ngoài mô hình này được nông dân rất tâm đắc vì nhiều lợi ích thiết thực đem lại, vào năm 2024 sắp tới HTX nông nghiệp Phú Thạnh sẽ tham gia sản xuất trong đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao” và năm 2024 sắp tới sẽ dành khoảng 5ha trồng lúa tím có nguồn gốc ở Óc Eo để sản xuất gạo lứt. Các thành viên HTX thường xuyên được tập huấn các kỹ thuật canh tác để mang lại hiệu quả trồng lúa cao.

Là một trong những thành viên gắn bó với HTX này nhiều năm nay, ông Đỗ Thành Lộc cho biết HTX luôn đổi mới hoạt động, luôn tìm cách để thành viên ngày càng có lợi. Trong đó, nắm bắt kịp thời thành quả của khoa học - công nghệ, trang bị máy móc để phục vụ các dịch vụ của HTX.

Nhờ hoạt động hiệu quả cao, HTX nông nghiệp Phú Thạnh hiện có gần 400 thành viên, tổng nguồn vốn HTX hoạt động hơn 11,6 tỷ đồng. HTX sản xuất - kinh doanh tổng hợp, đa ngành nghề, đa dịch vụ (sản xuất, xây dựng, thương mại - dịch vụ, dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp). 

HTX này hiện có 16 dịch vụ, trong đó có các dịch vụ nổi bật như: Dịch vụ sản xuất lúa, nếp giống; sản xuất lúa, nếp theo tiêu chuẩn an toàn; liên kết bao tiêu sản phẩm; cửa hàng nông sản xanh…Nhờ đó đã tạo việc làm thường xuyên cho 500 lao động địa phương.

Ông Trần Văn Lô Ba, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thạnh, cho biết, diện tích canh tác của HTX đã được quy hoạch là vùng sản xuất chuyên canh nếp của huyện Phú Tân, với diện tích đất trồng lúa, nếp là 1.700ha. Những năm gần đây, sản xuất lúa, nếp có nhiều chuyển biến tích cực nhờ chủ trương sản xuất “2 năm, 5 vụ”, cán bộ ngành nông nghiệp đồng hành với nông dân kịp thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất…

Cầu nối thực hiện chuỗi liên kết

Đặc biệt, theo ông Ba, HTX đã liên kết với CTCP Tập đoàn Lộc Trời và một số công ty khác tiêu thụ lúa, nếp xuất khẩu theo tiêu chuẩn EU, giúp thu nhập của người trồng lúa ngày càng ổn định. Như hồi năm 2022, HTX ký hợp đồng với 535 hộ, diện tích 800ha, sản lượng lúa trên 4.500 tấn với tổng số tiền trên 27 tỷ đồng.

-7380-1698640269.jpg

Diện tích liên kết các vụ ở xứ cù lao Phú Tân trong năm 2023 cao nhất tính từ năm 2014 đến nay.

Với hoạt động hiệu quả cao, thu hút nhiều nông hộ trồng lúa ở địa phương tham gia làm thành viên, HTX nông nghiệp Phú Thạnh đã và đang đóng vai trò là nòng cốt trong phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân ở xã Phú Thạnh và huyện Phú Tân. Đây cũng là HTX duy nhất của tỉnh An Giang được bình chọn trong Top 63 HTX nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2023. 

Không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, mỗi năm, HTX nông nghiệp Phú Thạnh còn đóng góp các nguồn quỹ an sinh xã hội ở địa phương khoảng 100 triệu đồng, hỗ trợ cất 5 căn nhà cho công nhân (25 triệu đồng/căn). Nhờ đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh nên HTX này còn đóng vai trò đắc lực nhằm giúp xã Phú Tân đạt được các tiêu chí nhằm hướng tới về đích xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. 

Bên cạnh HTX nông nghiệp Phú Thạnh, tính đến tháng 10/2023 huyện Phú Tân (là huyện cù lao được bao bọc giữa sông Tiền, sông Hậu) đã có 20 HTX với 2.677 thành viên. Tổng số diện tích canh tác của các HTX nông nghiệp trong huyện hiện là 4.114ha, với 1.567 thành viên; phục vụ ngoài thành viên 14.728ha, 6.241 người. Mỗi HTX nông nghiệp có từ 3 - 5 dịch vụ. Ngoài ra, huyện còn có 135 tổ hợp tác, với 1.377 thành viên nhằm giúp nông dân cùng hợp tác làm ăn.

Theo ông Lê Văn Ân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân, hầu hết HTX, tổ hợp tác hoạt động tốt, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Ngoài ra, theo ông Ân, kinh tế hợp tác còn là cầu nối thực hiện chuỗi liên kết với doanh nghiệp giải quyết đầu vào, đầu ra sản phẩm, tạo nền sản xuất an toàn để nông dân an tâm sản xuất.

Thời gian qua ở huyện Phú Tân đã đẩy mạnh liên kết giữa các HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Việc liên kết không chỉ nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp của huyện mà còn từng bước hình thành tư duy sản xuất hiện đại, mang tính thị trường cho người dân. 

Diện tích liên kết các vụ ở xứ cù lao Phú Tân trong năm 2023 này cao nhất tính từ năm 2014 đến nay. Trong đó, các doanh nghiệp tham gia liên kết đã tổ chức thu mua nông sản với hơn 8.500ha, đạt gần 70% diện tích liên kết. Bên cạnh lúa, nếp, nông dân trên địa bàn huyện còn tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ đậu nành, rau cùng với các HTX, tổ hợp tác tại xã Tân Trung và xã Phú Xuân. Việc liên kết với DN bước đầu đã giúp HTX, tổ hợp tác giải quyết khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất và chú trọng chất lượng sản phẩm theo đơn hàng.

“An tâm đầu ra, đảm bảo có lời

Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Bo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX nông nghiệp Tân Trung ở xã Tân Trung (huyện Phú Tân), hoạt động sản xuất đậu nành, rau của HTX đang mở rộng diện tích vì có hiệu quả kinh tế rõ rệt. Qua nhiều vụ, HTX đều liên kết sản xuất, tiêu thụ với CTCP Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco).

-4054-1698640269.jpg

Việc liên kết đã từng bước khắc phục điệp khúc “được mùa, mất giá”, cạnh tranh giá theo hướng có lợi cho nông dân trồng lúa ở Phú Tân.

Hoặc như ở xã Phú Xuân (huyện Phú Tân) đã tập hợp các hộ sản xuất, thành lập Tổ hợp tác (THT) trồng đậu nành rau để tham gia vào mô hình liên kết với doanh nghiệp. Hiệu quả từ mô hình liên kết đã tác động tích cực đến các hộ trồng màu xung quanh, đến nay đã có 20 thành viên tham gia tổ hợp tác. Giá cả liên kết với Công ty Antesco luôn ổn định và có hiệu quả kinh tế.

Lãnh đạo xã Phú Xuân cho biết, địa phương đã định hình, phối hợp Công ty Antesco chuyển đổi từ cây lúa sang cây màu, trong đó có đậu nành, rau. Thời gian đầu, nhiều bà con rất ngần ngại, nhưng đến nay, vụ đông xuân 2023 nâng lên khoảng 45ha. 

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân, thời gian qua, việc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện đã có bước khởi sắc. Lợi ích thấy rõ là nông dân, HTX, tổ hợp tác an tâm về đầu ra, đảm bảo có lời, giảm chi phí sản xuất. Điều quan trọng là doanh nghiệp tham gia liên kết cải thiện các điều kiện trong thỏa thuận để hài hòa lợi ích cho các bên, tạo đồng thuận để liên kết lâu dài.

Trong tái cơ cấu nông nghiệp ở huyện Phú Tân, ông Nguyễn Thanh Tuyến cho biết huyện xác định sản xuất theo xu thế liên kết gắn với củng cố, nâng chất HTX là mục tiêu tất yếu cho phát triển kinh tế nông nghiệp trước sự biến đổi liên tục của thị trường. Xu thế này còn đồng thời đáp ứng được nguyện vọng của nông dân vùng chuyên canh nếp và nâng cao giá trị sản xuất, nâng dần trình độ quản trị các HTX.

Hơn nữa, việc liên kết đã từng bước khắc phục điệp khúc “được mùa, mất giá”, cạnh tranh giá theo hướng có lợi cho nông dân, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, được ứng vốn trước, giống và vật tư nông nghiệp chất lượng…Đặc biệt là thay đổi tập quán trong sản xuất (xác định được giá bán, tiêu thụ có hợp đồng), phát huy vai trò cầu nối của các HTX, tổ hợp tác ở Phú Tân.

Nhờ vào việc đẩy mạnh liên kết như vậy với vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác đã góp phần giúp cho huyện Phú Tân ngày thêm đổi mới, vươn mình phát triển mạnh mẽ. Đến nay toàn huyện cù lao này đã có 8 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở huyện hiện đạt 63,2 triệu đồng/người/năm. Hồi năm 2022, hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện còn 1.856 hộ, chiếm tỷ lệ 3,49%, và trong năm 2023 này khả năng tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện sẽ giảm còn 2,85%.

Comments