Các ngành hàng xuất khẩu tiềm năng đang gặp khó
Theo số liệu thống kê từ Tổng Cục Hải quan, tính đến ngày 15/3, ngành dệt may đạt 5,78 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, giảm 1,27 tỷ USD so với cùg kỳ năm trước, tương ứng 18%. Sự sụt giảm kim ngạch của ngành dệt may đã được dự báo từ cuối năm 2022 khi đơn hàng ngày một khó. Thực tế trong quý đầu tiên của năm đơn hàng xuất khẩu đã giảm tới 30-40%.
Trong tình cảnh tương tự, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 3/2023 đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so cùng kỳ năm trước...
Theo bà Tô Tường Lan- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, tình trạng sụt giảm xuất hiện ở hầu hết các thị trường chính của ngành, như thị trường khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên thái Bình Dương CPTPP giảm 23,5%, Mỹ giảm 55%, EU giảm 30%, thị trường Trung Quốc giảm ít nhất 11%.
3 tháng đầu năm, ngành thủy sản xuất khẩu sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022 |
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm kim ngạch của ngành thuỷ sản. Đầu tiên, lạm phát và khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ- thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam – khiến các ngân hàng thắt chặt điều kiện tín dụng, nhà nhập khẩu không đủ khả năng kinh tế để nhập khẩu lô hàng lớn.
Thứ hai, nhà nhập khẩu cơ cấu lại kho hàng, cơ cấu lại giá để nhập khẩu hàng. Giá nhập khẩu hiện đang có xu hướng giảm so với giá cùng thời điểm năm trước. Cuối cùng là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thủy sản thế giới. Sự trỗi dậy của Ecuador và Ấn Độ đã chiếm thị phần của Việt Nam tại một số thị trường lớn.
3 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê ước đạt 540.000 tấn, tương ứng 1,16 tỷ USD, giảm 9,9% về lượng, 1,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đáng nói, doanh nghiệp ngành cà phê trong nước đang khó khăn trong việc mua nguyên liệu đầu vào.
Nguyên do, người nông dân và doanh nghiệp FDI trữ hàng đợi giá nguyên liệu tăng cao mới bán ra. Tình trạng thiếu nguyên liệu đã đẩy giá cà phê nội địa tăng cao, trong khi giá xuất khẩu đang dao động mạnh.
Khắc phục tình trạng sụt giảm, lấy lại đà tăng trưởng
Có thể thấy, hầu hết các ngành hàng xuất khẩu lớn và tiềm năng của Việt Nam đang gặp khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng tới xuất khẩu chung của cả nước.
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023, lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin: Xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 154,3 tỷ USD, giảm 13,9%. Tình hình xuất khẩu giảm sút trong quý đầu tiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu đạt 8-12% tăng trưởng xuất nhập khẩu của cả năm.
Do vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan chức năng thuộc Bộ đánh giá tình hình, tìm nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục tình trạng sụt giảm, lấy lại đà tăng trưởng xuất hàng hoá.
Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài dự báo tình hình kinh tế, cập nhật chính sách thương mại của nước sở tại, từ đó đưa ra phản ứng chính sách cần có tham mưu cho Bộ Công Thương, Chính phủ. Đề xuất chủ trương chính sách giải pháp từ phía Chính phủ, phía địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Các hiệp hội ngành hàng kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ |
Xuất phát từ thực tế, đại diện các hiệp hội ngành hàng cũng đưa ra đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi xuất khẩu. Trong đó, hỗ trợ triển khai xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và phổ biến thông tin thị trường, nhất là với thị trường Trung Quốc được các đại diện hiệp hội ngành hàng quan tâm, đề xuất.
Liên quan đến ngành hàng cà phê, ông Đỗ Xuân Hiền- Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam kiến nghị: Công lệnh 248, 249 của Hải Quan Trung Quốc đã được các Bộ, ngành liên quan tổ chức phổ biến. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có mã số sản phẩm xuất khẩu cần rà soát lại, do vậy Bộ Công Thương phối hợp tổ chức hội thảo hướng dẫn thêm cho doanh nghiệp ngành cà phê, rà soát lại mã số đã được Hải Quan Trung Quốc cấp.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề nghị: Bộ Công Thương xúc tiến đầu tư, thu hút thêm nguồn vốn và công nghệ nhằm phát triển sản phẩm chế biến nhằm tăng giá trị cho thuỷ sản, tránh cạnh tranh trực tiếp.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị: Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp như giảm thuế, giảm và giãn đóng bảo hiểm xã hội để có nguồn lực đầu tư và đảm bảo đời sống cho người lao động.