Xuất khẩu cà phê đang đối diện thách thức nào?

Bình luận · 223 Lượt xem

Dù đang được lợi về giá song xuất khẩu cà phê Việt Nam đang phải đối diện với thách thức về phát triển bền vững của các quốc gia nhập khẩu.

Thống kê mới nhất của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), sau phiên giao dịch ngày 14/8 (tức sáng 15/8, giờ Việt Nam), cả 2 nhóm cà phê đều có sự suy giảm về giá. Theo đó, cà phê Arabica giảm rất mạnh 4,25% của, đánh dấu ngày giảm mạnh nhất của mặt hàng này trong vòng 6 tháng trở lại đây. Như vậy, Arabica đã rơi về vùng giá thấp nhất kể từ cuối tháng 1 đến nay.

Đáng chú ý, dưới sức ép từ mức giảm mạnh của giá Arabica, giá Robusta cũng ghi nhận mức giảm gần 2% trong phiên hôm qua. Brazil tích cực đẩy mạnh xuất khẩu Robusta để tranh thủ mức giá cao khi nguồn cung đang sẵn có phần nào giảm bớt lo ngại thiếu hụt cà phê trên thị trường.

Xuất khẩu cà phê đang đối diện thách thức nào?

Mặc dù tạm thời có dấu hiệu suy giảm về giá, song từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn được nhận định là thuận lợi

Đối với cà phê Việt Nam, mặc dù tạm thời có dấu hiệu suy giảm về giá, song từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn được nhận định là thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện. Ngoài ra, ưu thế giá thành rẻ hơn so với cà phê Arabica cũng mở ra lợi thế cạnh tranh cho cà phê Robusta của Việt Nam (vốn chiếm đến trên 75% tổng lượng cà phê) trong bối cảnh gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế trên thế giới. Đây cũng là nhân tố quan trọng tạo tiền đề đẩy mạnh xuất khẩu cà phê tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những khó khăn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê trong năm 2023 của Việt Nam không chỉ dừng lại ở thách thức về nguồn cung mà đó còn là vấn đề về chất lượng cũng như nguồn gốc cà phê. Vào cuối năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) ra sắc lệnh nghiêm cấm nhập khẩu cà phê có liên quan đến nạn chặt phá rừng đã gây ra những lo ngại về lượng cà phê Việt Nam có thể xuất sang thị trường này và đặt ra bài toán về việc phát triển cà phê một cách bền vững hơn.

Tại Việt Nam, tình trạng ken, đốt gốc thông, bạch đàn để chiếm đất trồng cà phê không còn quá xa lạ và đã từng là vấn nạn quan tâm hàng đầu đối với việc phát triển ngành cà phê. Sắc lệnh mới của châu Âu không chỉ đưa đến sự nghiêm ngặt đối với hàng cà phê xuất khẩu mà còn là một nhân tố có thể thúc đẩy sự phát triển theo hướng bền vững hơn của ngành cà phê khi không chỉ tập trung vào việc mở rộng diện tích để tăng sản lượng mà cần chú ý hơn đến vấn đề năng suất.

Hơn nữa, việc EU siết chặt quy định dư lượng thuốc trừ sâu đối với các loại hạt, trong đó có cà phê là 0,1 mg/kg cũng là một khó khăn, đòi hỏi nông dân phải điều chỉnh phương thức sản xuất để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mới phục vụ hoạt động xuất khẩu. Song, nhìn một cách tích cực, đây là động lực để ngành cà phê Việt Nam có những thay đổi, cải tiến để theo kịp xu thế chung của các thị trường xuất khẩu lớn. Nếu làm tốt trong giai đoạn này, sẽ tạo tiền đề để duy trì vị thế dẫn đầu của Việt Nam, không chỉ về sản lượng, xuất khẩu, mà còn về chất lượng và quy mô của ngành.

Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng cà phê, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc thường trực Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết, trong các mục tiêu MXV đề ra trong năm nay, có những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về việc việc niêm yết giao dịch các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, và cụ thể là thành lập các Sàn Giao dịch chuyên biệt đối với mặt hàng cà phê và cao su.

Trong thời gian qua, MXV đã làm việc với Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để có thể niêm yết giao dịch các mặt hàng này một cách hiệu quả, và điều kiện bắt buộc là phải chuẩn hóa sản phẩm.

Dự báo, năm 2023, Việt Nam có thể duy trì mức kim ngạch xuất khẩu cà phê trên 4 tỷ USD, kỷ lục được thiết lập vào năm 2022.

Bình luận