Liên kết chuỗi măng tây xanh giúp thoát nghèo bền vững cho người dân Ninh Phước

Bình luận · 287 Lượt xem

Mô hình liên kết chuỗi măng tây xanh với vai trò chủ lực của HTX ở hai xã An Hải và Phước Hải thuộc huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó vừa góp phần vào xây dựng nông thôn mới

Xã An Hải (huyện Ninh Phước) hiện là địa phương có diện tích trồng cây măng tây nhiều nhất ở tỉnh Ninh Thuận. Nhờ thực hiện hiệu quả mô hình liên kết chuỗi trồng măng tây với với vai trò chủ lực của HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú đã cải thiện, nâng cao đời sống cho người nông dân, trong đó có đồng bào dân tộc Chăm. 

Điểm tựa vươn lên cho người nghèo

Là một trong những hộ dân ở xã An Hải có thu nhập khá nhờ mạnh dạn trồng cây măng tây xanh liên kết với HTX, ông Từ Văn Hay cho biết: Trước đây, gia đình trồng rau màu nhưng đầu ra không ổn định, thu nhập bấp bênh. Sau đó, qua tìm hiểu trên thị trường thấy cây măng tây xanh đang rất hút hàng, lại phù hợp với địa hình đất cát ở địa phương nên ông quyết định mua giống măng tây của Hà Lan về trồng thử nghiệm. 

-2578-1695787219.jpg

Xã An Hải (huyện Ninh Phước) hiện là địa phương có diện tích trồng cây măng tây nhiều nhất ở tỉnh Ninh Thuận.

“Hiện tại, với 3 sào măng tây xanh, mỗi ngày tôi thu hoạch từ 8 – 12 kg/sào. Sản phẩm sau thu hoạch được HTX thu mua với giá thị trường. Với sản lượng thu hoạch đều đặn, mỗi tháng sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi có lãi từ 15 – 20 triệu đồng từ bán măng tây xanh", ông Hay chia sẻ.

Cây măng tây xanh được mệnh danh là “rau vua” khẳng định vị thế giá trị hàng hóa “nhất bảng” so với các loài cây hoa màu trồng trên vùng đất cát ven biển xã An Hải. 

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, mô hình liên kết chuỗi giá trị măng tây triển khai tại xã An Hải với quy mô 35 ha, do HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú chủ trì liên kết với Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Với vai trò chủ trì, HTX đã ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp cung ứng giống măng tây, thanh toán trước 30% và số còn lại thanh toán khi thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm măng tây của các HTX. Tham gia mô hình, người dân thu lợi nhuận 300 - 320 triệu đồng/ha/năm.

HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú không chỉ trở thành điểm tựa vươn lên của người dân nghèo ở địa phương mà còn là hình mẫu cho mô hình liên kết cùng phát triển ở vùng đồng bào dân tộc Chăm tại thôn Tuấn Tú (xã An Hải). Ban giám đốc HTX tích cực huy động nguồn lực đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên. HTX còn được chọn thực hiện thí điểm mô hình giúp các hộ nghèo và cận nghèo ở địa phương vươn lên thoát nghèo.

Mở ra hướng đi ổn định cho đồng bào Chăm

Giá trị kinh tế mà măng tây mang lại cộng với khả năng tiêu thụ thuận lợi trên thị trường đã thôi thúc người Chăm ở xã An Hải tham gia liên kết cùng HTX Tuấn Tú. Với sự ủng hộ của các cấp, các ngành trong tỉnh, huyện, xã, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, những thành viên người dân tộc Chăm đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ.

-1253-1695787219.jpg

Chuỗi liên kết trồng măng tây xanh của HTX giúp phụ nữ dân tộc Chăm ở Ninh Phước có đời sống khấm khá.

Trong đó, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn ở An Hải đã được hỗ trợ để lắp đặt hệ thống tưới, hỗ trợ mua cây giống, hệ thống máy cắt gốc măng tây, vay vốn ngân hàng; hỗ trợ chứng nhận VietGAP; hỗ trợ phát triển nhận diện thương hiệu và nhãn mác bao bì, thiết kế đăng ký quyền tác giả logo cho HTX…

HTX Tuấn Tú đã trực tiếp đứng ra thu mua sản phẩm, tổ chức sơ chế rồi giao hàng cho Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến tiêu thụ trên thị trường, sau đó thanh toán tiền bán măng theo hợp đồng cho thành viên.

Với cơ chế này, mỗi ngày HTX thu mua cho thành viên gần 2 tạ măng. Mỗi năm, người Chăm thôn Tuấn Tú trồng măng có doanh thu gần 4 tỷ đồng, cao hơn gấp hàng chục lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững, có cuộc sống no ấm từ nguồn lợi của cây măng tây xanh. 

Điển hình như chị La Thị Hoa - một phụ nữ Chăm, trước là hộ nghèo, sau khi tham gia HTX, mạnh dạn trồng 2,5 sào măng tây đạt thu nhập 122 triệu đồng/năm. Một phụ nữ Chăm khác là chị Não Thị Châu Từ Xim trồng 2 sào, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm…

Ở xã An Hải chủ yếu trồng cây măng tây giống từ Hà Lan, bởi đây là giống cho năng suất cao và chất lượng tốt, cây trồng một lần nhiều năm sau mới phải trồng lại. Các hộ dân trồng măng tây cho biết, cây măng tây đang được thị trường ưa chuộng, giá bán cao, công chăm sóc ít, thu hoạch gần như quanh năm.

Với hoạt động hiệu quả của HTX Tuấn Tú theo mô hình chuỗi liên kết đã góp phần giúp xã An Hải và huyện Ninh Phước nâng cao các tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Vào tháng 5/2023, xã An Hải đã được UBND tỉnh Ninh Thuận công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Ngoài HTX nêu trên, mô hình liên kết theo chuỗi măng tây xanh ở Ninh Thuận còn có thêm 3 HTX khác đã liên kết, hợp tác với Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến và Công ty TNHH Linh Đan với tổng diện tích trên 53 ha. Doanh thu bình quân đạt khoảng 700 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân khoảng 500 triệu đồng/ha/năm.

Đơn cử như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Châu Rế đang tham gia vào chuỗi liên kết này, thực hiện mô hình liên kết trồng măng tây xanh đầu tiên ở xã Phước Hải (Ninh Phước) và “đánh thức” vùng đất bãi ngang pha cát vốn “ngủ yên” trong khô hạn lâu nay.        

Từng ngày "thay da đổi thịt" vùng quê

HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế đang mở ra hướng đi ổn định cho nông dân vùng đồng bào Chăm trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ trồng cây măng tây xanh bằng cam kết hỗ trợ tất cả từ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

-9199-1695787219.jpg

Nhiều người dân ở Ninh Phước nhờ tham gia vào chuỗi liên kết trồng cây măng tây xanh đã thoát nghèo bền vững, có cuộc sống no ấm.

Theo bà Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX, chính quyền địa phương và HTX đã vận động, hỗ trợ bà con chuyển đổi sang trồng loại “rau vua” cho giá trị kinh tế cao. HTX đang liên kết với hơn 80 hộ dân trồng măng tây xanh theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích hơn 20 ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Bình quân mỗi ngày, HTX thu mua khoảng 300 - 400kg măng tây của các thành viên. Sản lượng măng tây thu hoạch không đủ cung cấp cho thị trường.

Giám đốc Châu Thị Xéo là một phụ nữ người Chăm, lâu nay chứng kiến nỗi vất vả của bà con địa phương ở vùng đất cát “đầy nắng và gió”. Trăn trở trước cuộc sống lam lũ của các gia đình ở nông thôn, bà Xéo đã tìm được hướng đi mới, đó là vận động phụ nữ địa phương tham gia vào HTX, thực hiện liên kết sản xuất. Thành lập từ cách đây 5 năm, HTX có 73 thành viên là người dân tộc Chăm.

Nhờ có sự hỗ trợ của ngành chức năng, địa phương, HTX Châu Rế đã thực hiện tốt chuỗi liên kết trồng măng tây xanh với doanh nghiệp. Chỉ tay ra cánh đồng lớn măng tây xanh, bà Xéo cười tươi: "Từ sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và ban ngành đoàn thể mà HTX đã triển khai thí điểm mô hình trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao, tạo đột phá trong tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bước đầu, cây măng tây xanh phát triển tốt, sản phẩm cho thu hoạch hàng ngày, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương, có thu nhập ổn định".

Hiện nay, HTX Châu Rế nhận thu mua toàn bộ sản lượng măng tây xanh mỗi ngày của thành viên ở làng Chăm thôn Thành Tín (xã Phước Hải) và các làng Chăm lân cận với giá bao tiêu sản phẩm ổn định. Tổng sản lượng măng tây xanh mà HTX Châu Rế xuất bán mỗi này từ 300 – 500kg/ngày đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng măng tây. 

HTX Châu Rế hoạt động ngày càng phát triển, tạo công việc hàng ngày cho 60 lao động địa phương. Có thể nói Phước Hải từ khi có HTX Châu Rế đã từng ngày "thay da đổi thịt" vùng quê. Cách đây 4 năm, xã này đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới và đang tiến đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong những năm tiếp theo.

Bình luận