Bộ trưởng Lê Minh Hoan mời gọi doanh nghiệp EU đầu tư vào nông nghiệp xanh, hữu cơ tại Việt Nam

Bình luận · 217 Lượt xem

Với chủ đề “Nâng cao năng lực bền vững của Việt Nam: Hợp tác châu Âu - Việt Nam thúc đẩy sáng kiến xanh”, Diễn đàn Kinh tế Xanh diễn ra chiều qua 2/11 tại Hà Nội với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chín

 

 

Với chủ đề “Nâng cao năng lực bền vững của Việt Nam: Hợp tác châu Âu - Việt Nam thúc đẩy sáng kiến xanh”, Diễn đàn Kinh tế Xanh diễn ra chiều qua 2/11 tại Hà Nội với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Vấn đề Nông nghiệp bền vững đã được nhiều đại biểu bàn luận.

 

 

Chuyển đổi số là xu hướng của nông nghiệp xanh, bền vững

Làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn đừng chộp giật, nửa vời, vật nuôi hữu cơ cũng cần được tôn trọng

Nông dân Thái Bình rủ nhau làm nông nghiệp hữu cơ, khỏe người, thu nhập khá

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đưa Lâm Đồng thành "điểm đến nông nghiệp xanh"

Tham dự diễn đàn có Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban Châu Âu Valdis Dombrovskis, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Gabor Fluit, lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam, các đại sứ, các hiệp hội và doanh nghiệp EU và Việt Nam... 

 

Tiếp cận kinh tế xanh, nông nghiệp xanh một cách gần gũi 

Phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, những năm qua, nông nghiệp Việt Nam liên tục tăng trưởng, phát triển toàn diện và đạt được những thành tựu to lớn. Sản lượng lương thực, thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng các đại biểu dự phiên toàn thể cấp cao của Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 - Ảnh: VGP

 

Dù vậy, theo Bộ trưởng, hàng loạt thách thức mới đang đặt ra, như diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, các yêu cầu, tiêu chuẩn mới về lương thực – thực phẩm chất lượng cao, an toàn, đạt chuẩn, tình trạng lạm dụng phân bón hóa học gây ra các nguy cơ, rủi ro về sức khỏe và môi trường. Do đó, xu thế tăng trưởng xanh, nông nghiệp xanh trở thành lựa chọn tất yếu, là mục tiêu mọi quốc gia đang hướng tới.

 

"Hành trình nông nghiệp xanh còn rất nhiều khó khăn và thách thức, cần nhiều hướng tiếp cận mới mẻ, phù hợp và kinh nghiệm thực tiễn quốc tế. Như Quy định chống phá rừng châu Âu EUDR được Ủy ban châu Âu phổ biến gần đây, chúng tôi xem quy định này là cơ hội phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng chiến lược: Minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ. 

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng các đại biểu dự phiên toàn thể tại Diễn đàn Kinh tế Xanh.

 

Hiện EU là thị trường xuất khẩu có quy mô lớn của nông sản Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông – lâm – thủy sản. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều hợp tác hơn với EU để phát triển ngành thủy sản bền vững, tháo gỡ thẻ vàng IUU. Đề nghị EU hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc thực thi Quy định chống phá rừng, bao gồm hướng dẫn kỹ thuật, nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin, bản đồ hiện trạng rừng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi sinh kế cho người dân.

 

Bộ trưởng cũng mong EU hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi nông nghiệp sinh thái thông qua nâng cao năng lực cho cộng đồng dân cư nông thôn. Ngoài ra, còn nhiều lĩnh vực tiềm năng có thể mở rộng hợp tác như ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Bộ trưởng gợi mở các doanh nghiệp của EU cũng như Hà Lan cần quan tâm hơn nữa vào phát triển nông nghiệp tri thức, nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ; cụm liên kết ngành cấp vùng gắn với các vùng chuyên canh lớn; chế biến nông lâm thủy sản... Doanh nghiệp hai bên cùng tận dụng tốt nhất các ưu thế của nhau, tạo ra những giá trị mới, xanh và bền vững.

 

Theo ông Lê Minh Hoan, kinh tế xanh, nông nghiệp xanh, có thể tiếp cận một cách gần gũi, nhẹ nhàng, như lời chia sẻ:"Xã hội trở nên phát triển hơn khi mọi người vun trồng cây xanh, tạo bóng mát, dù biết rằng họ còn chưa chắc có dịp ngồi dưới bóng mát đó". 

 

Công nhân Công ty Cổ phần Vườn trái Cửu Long (Le Fruit) kiểm tra chất lượng dứa thu mua của bà con nông dân. Ảnh: Le Fruit

 

Nông nghiệp xanh cần những người biết hy sinh

Tại Diễn đàn Kinh tế Xanh 2023, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi biết một số loại nước ép trái cây, mứt trái cây sử dụng tại Khách sạn 5 sao Marriott do Công ty Cổ phần Vườn trái Cửu Long (Le Fruit) cung cấp. Ngoài ra, sản phẩm của Le Fruit cũng được rất nhiều khách sạn, nhà hàng 5 sao tin tưởng sử dụng từ nhiều năm nay. Dù vậy, chặng đường của Le Fruit không hề dễ dàng. 

 

Ông Lê Văn Đồng - Tổng Giám đốc Le Fruit cho biết: "Làm nông nghiệp hữu cơ chúng tôi đơn độc ngay từ khi vừa bắt đầu, cả về tài chính, thị trường, đến chuyện cấp chứng nhận, truy xuất nguồn gốc. Nhưng chúng tôi đi từng chút một, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực mình có để xây dựng mô hình "Làng Le Fruit". Bây giờ nếu bạn có dịp về vùng Thới Lai, Phong Điền, hay Hậu Giang hỏi Le Fruit chắc chắn ai cũng sẽ ồ lên mừng vui khi chúng tôi đã đem đến một giá trị khác biệt cho vườn trái Cửu Long". 

 

Câu chuyện nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững không có gì đao to búa lớn mà là câu chuyện của niềm tin. Ông Đồng cho biết: "Cái khó nhất là xây dựng niềm tin với người nông dân và người tiêu dùng. Làm để có chứng nhận thì dễ lắm, nhưng làm thật, đúng với trách nhiệm xã hội thì cần sự hi sinh".

 

Hiện sản phẩm chính của Le Fruit là các loại nước ép trái cây, mứt, cà phê, trà được làm từ trái cây tươi thu mua tại Đồng bằng sông Cửu Long (cam, dứa… ) và Lâm Đồng (chanh dây, dâu). Sản phẩm của Le Frut cung cấp cho hệ thống khách sạn 5 sao, xuất khẩu đi Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan... với doanh thu khoảng 7 triệu USD/năm. 

 

Công nhân Le Fruit hướng dẫn bà con nông dân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào đúng nơi quy định sau khi sử dụng. Ảnh: Le Fruit

 

Chia sẻ với PV Dân Việt bên lề Diễn đàn Xanh 2023, ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm G.C Food (GCF), người thường được biết đến với cái tên "Vua nha đam" - cho biết: Lâu nay mọi người nghĩ đơn thuần làm nông nghiệp là một nghề để kiếm tiền, nhưng trong xu thế phát triển hiện nay, doanh nghiệp làm nông nghiệp không chỉ là kiếm tiền mà còn làm ra những sản phẩm sạch, an toàn, tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng. Nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều đất đai, nước, phân bón..., trong quá trình tác động tới nhiều yếu tố môi trường như vậy, doanh nghiệp phải làm gì để đảm bảo phát triển hài hoà, bền vững? 

 

"Trên thế giới xu hướng phát triển xanh, phát triển bền vững đang được nói đến rất nhiều nhưng tại Việt Nam, vấn đề này chưa thực sự được các doanh nghiệp quan tâm chú trọng, dẫn đến những hậu quả về ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ở đâu đó vẫn xảy ra tình trạng xả thải, ngộ độc thực phẩm... Những hậu quả đó đều đến từ việc chưa quan tâm đến sản xuất an toàn, phát triển bền vững" - ông Thứ nói. 

 

"Vua nha đam" Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm G.C Food (GCF) chia sẻ với PV Dân Việt bên lề Diễn đàn Kinh tế Xanh.

 

Cũng theo ông Thứ, sở dĩ sản xuất xanh chưa được doanh nghiệp hay nông dân đặt thành mối quan tâm hàng đầu là vì mọi người chưa thấy được hiệu quả tức thì, nghĩ nó còn xa vời hoặc chỉ những doanh nghiệp "thừa tiền" mới đi làm. Đây là lối suy nghĩ lạc hậu rồi, do trước đây chúng ta không được đào tạo, truyền thông đầy đủ.

 

"Khi đến với cây nha đam, tôi đã xác định phải làm theo hướng hữu cơ để hướng đến xuất khẩu. Quá trình làm việc với bà con nông dân, tôi nhận thấy bà con cũng đang dần thay đổi nhận thức về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và bắt đầu hành động từ những việc nhỏ. Quá trình liên kết với bà con, ngoài việc chúng tôi trả giá thu mua hợp lý, còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng và quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách" - ông Thứ chia sẻ với PV.  

 

Cũng theo ông Thứ, làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ luôn khó khăn thường trực, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực sự muốn làm và say mê với nó, có trách nhiệm với nó chứ không phải làm để lấy thành tích.

 

Hiện G.C Food lên kế hoạch 2023-2025 sẽ mở rộng vùng nguyên liệu lá nha đam lên 500ha để tăng công suất nhà máy chế biến tại Ninh Thuận lên 40.000-45.000 tấn thành phẩm/năm. Doanh nghiệp này cũng nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm từ cây nha đam nguyên liệu như nước uống, mỹ phẩm. G.C Food đang là doanh nghiệp sản xuất nha đam dẫn đầu thị trường Việt Nam với sản lượng 12.000-15.000 tấn/năm, sản phẩm có mặt ở 20 quốc gia trên thế giới. 

Bình luận