Dịch bệnh vẫn phức tạp
Sáng 3/11, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã xảy ra 481 ổ dịch dịch tả lợn Châu Phi tại 42 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 18.000 con lợn.
Bệnh cúm gia cầm phát sinh 19 ổ dịch (cúm A/H5N1) tại 16 huyện, thị xã của 11 tỉnh, với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết, tiêu hủy gần 36.000 con. Bệnh lở mồm long móng cả nước phát sinh 22 ổ dịch type O tại 15 huyện, thị của 11 tỉnh, thành phố với số gia súc mắc bệnh 760 con, số gia súc bị tiêu hủy là 26 con.
Bệnh viêm da nổi cục phát sinh 100 ổ dịch tại 15 tỉnh, thành phố, số gia súc mắc bệnh là 468 con, tiêu hủy 95 con trâu, bò. Bệnh tai xanh với 5 ổ dịch phát sinh, số lợn chết, tiêu hủy 542 con. Bệnh nhiệt thán xuất hiện 5 ổ dịch làm 32 con trâu, bò mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy...
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y nhận định, dịch bệnh động vật trên thế giới rất phức tạp. Trong đó, dịch tả lợn Châu Phi còn diễn biến rất rộng, bệnh cúm gia cầm xảy ra ở 71 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 6.300 ổ dịch, nguy cơ xâm nhiễm rất cao, bệnh lở mồm long móng lần đầu bùng phát ở quốc đảo Indonesia gây tổn thất nặng nề…
Ông Long đề nghị: "Ở trong nước, các địa phương cần làm rõ thông tin dịch bệnh báo cáo đã chính xác chưa, hay cũng mơ mơ màng màng, không đúng, không đủ, điển hình như số liệu dịch tả lợn Châu Phi".
Lãnh đạo Cục Thú y cho biết, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các địa phương đã có khuyến cáo sử dụng vacxin cụ thể, nhưng nhiều địa phương không sử dụng, nhất là đối với vacxin dịch tả lợn châu Phi, đề nghị các tỉnh, thành làm rõ còn băn khoăn gì không?.
Đặc biệt, tình trạng nhập lậu xảy ra rất nhiều nhưng toàn bộ hệ thống thú y, đặc biệt là thú y cơ sở không nắm được. Ông Long nói: “Con gà, con lợn ở trong làng, thôn, xã đều biết, tại sao hàng triệu con gia cầm nhập lậu ra vào mà hệ thống thú y lại không nắm được. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương làm rõ vấn đề, nguyên nhân, trách nhiệm để có biện pháp kiểm soát hiệu quả”.
Cũng theo ông Long, chúng ta có đủ 6 chương trình, kế hoạch quốc gia phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm, nhưng không hiểu việc tổ chức triển khai thực hiện của địa phương thế nào mà càng ngày càng có dấu hiệu tệ đi. Từ đó, cần đặt câu hỏi các bộ phận liên quan đã làm đúng, làm đủ trách nhiệm hay chưa?
Ông Long nhấn manh: "Xưa nay chúng ta cứ chạy theo dịch, khi có dịch mới cuống cuồng lên, dẫn đến không hiệu quả, tổn thất rất lớn về người và tiền bạc, trong khi đó việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh gần như các địa phương vẫn còn thờ ơ, dậm chân tại chỗ".
“Những vấn đề trên chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn, chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm để có giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả”, ông Long thẳng thắn.
Chủ động phòng dịch bệnh từ sớm, từ xa
Cục Thú y dự báo, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong các tháng cuối năm 2023 và đầu 2024 rất cao. Các nguyên nhân dễ phát sinh dịch bệnh do thời tiết bất thường, tình trạng buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia súc, gia cầm vẫn còn phức tạp, khó kiểm soát, giết mổ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý: “Chúng ta đã đi hết 10 tháng năm 2023, vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn. Hết tháng 9/2023, GDP của nước ta tăng trưởng 4,24%, được xem là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, riêng nông nghiệp tăng trưởng 3,66%. Hai lĩnh vực nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhiều năm qua là chăn nuôi và thủy sản, chiếm trên 50%. Để có được con số đó, công tác thú y đóng vai trò quan trọng”.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: “Văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, đề án, bộ máy, kinh phí, đội ngũ tinh xảo đã có rồi, vacxin có thừa, hóa chất cũng có, chỉ cần tổ chức thực hiện. Phải nhìn thẳng vào sự thật, sử dụng hết công cụ, kinh nghiệm, đội ngũ để chủ động phòng dịch bệnh từ sớm, từ xa. Mỗi chúng ta phải trăn trở, suy nghĩ, tự trả lời về trách nhiệm với trang trại, bà con nông dân. Đúng là có nhiều khó khăn khách quan nhưng cần phải nhìn lại để tháo gỡ”.
“Tăng cường tiêm vacxin, bởi đây là giải pháp quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Các doanh nghiệp phải vào cuộc cùng địa phương mới nhanh chóng làm được, lúc đó có thể thúc đẩy xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước. Song song đó cũng cần tăng cường xúc tiến thương mại… Tất cả dòng sông đều phải chảy mới có ngành chăn nuôi hội nhập sâu rộng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Ông Pawin Padungtod, Điều phối viên kỹ thuật cấp cao, Trung tâm Cứu trợ khẩn cấp bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD), Tổ chức Nông lương liên hợp quốc (FAO) chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá sự cống hiến của ngành Thú y, Cục Thú y đối với việc kiểm soát dịch bệnh lây truyền trên toàn cầu. Kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam là bài học lớn cho các quốc gia lân cận, đặc biệt trong việc sử dụng vacxin để phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Hiện, một số quốc gia ở châu Mỹ, châu Âu đang cân nhắc sử dụng vacxin. Bên cạnh đó, có nhiều các quốc gia sản xuất thịt lợn đang nhìn vào Việt Nam mong đợi kết quả cũng như ảnh hưởng của việc sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi đối với kiểm soát bệnh này.
Hồng Thắm