Lê gai Quý Châu: Từ 'quả dại' thành cây tỷ đô

Bình luận · 114 Lượt xem

Từng được xem là một loại quả dại ít người dám ăn, trái lê gai ở tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) giờ đây đem về cho tỉnh hơn 2 tỷ USD/năm.

 

 

 

Trồng cam đỏ kết hợp nuôi cá cho hiệu quả bất ngờ ở Trung Quốc

Sản xuất thanh long vàng ở Trung Quốc bùng nổ

Ngọn lửa ‘hồng' hồi sinh làng Mã Siêu Doanh

Nông dân thu hoạch lê gai ở huyện Long Lý, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, hôm 1/9. Ảnh: Chinadaily.

Nông dân thu hoạch lê gai ở huyện Long Lý, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, hôm 1/9. Ảnh: Chinadaily.

 

Lê gai là một loại quả dại màu vàng và có nhiều gai, thường mọc tại sườn đồi, thung lũng, ven đường và bụi rậm ở độ cao 500 đến 2.500m. Tuy nhiên, khi ép nước, nó có vị ngọt và chua nhẹ. Sinh trưởng mạnh ở tỉnh miền núi Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc, loại đặc sản này trước đây chủ yếu là thức ăn của động vật hoang dã hay bị những đứa trẻ chăn bò dùng làm bóng ném.

 

Theo Từ điển Y học Trung Quốc, hoa, quả, lá và hạt của cây lê gai có dược tính cao, đặc biệt có lợi cho hệ tiêu hóa. Trong khi đó, rễ cây này có công dụng điều trị tiêu chảy.

 

Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng hàm lượng vitamin C trên 100 gram lê gai dao động từ 1.980mg đến 3.750mg, gấp 800 lần trái táo và 400 lần quả chuối, gấp 100 lần quýt và 22 lần cà chua.

 

 

Dương Vĩnh Quân, lãnh đạo một doanh nghiệp chế biến lê gai có trụ sở tại Quý Châu, ví loại quả này như một "ngân hàng dinh dưỡng trái cây".

 

"Việc trồng lê gai đòi hỏi những yêu cầu rất đặc biệt về nhiệt độ và điều kiện môi trường", ông Dương Vĩnh Quân cho biết thêm rằng Quý Châu tự hào có điều kiện tự nhiên tuyệt vời để có thể sản xuất những quả lê gai tốt nhất thế giới.

 

Ông Yến Kỳ Hòa, 60 tuổi, ở huyện Long Lý, đã trồng lê gai trong hơn 20 năm qua và chứng kiến loại trái cây này đã thay đổi quê hương của mình như thế nào.

 

"Quả lê gai từng không mấy ai biết đến và rất khó bảo quản, vì vậy việc kinh doanh của tôi đã từng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Có lúc, tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ", ông nói.

 

Tuy nhiên, với công nghệ ngày một phát triển, ông đã tìm ra cách bảo quản loại quả này.

 

"Chúng tôi bắt đầu chế biến trái cây tươi thành các loại kẹo, vừa có thời hạn sử dụng lâu hơn, đồng thời đem lại nhiều lợi nhuận hơn", ông Yến Kỳ Hòa nói.

 

Khi ngày một nhiều người muốn tham gia, ông đã thành lập một hợp tác xã nông nghiệp để kết hợp sản xuất và chia sẻ cơ hội kiếm tiền. Hiện nay sản xuất lê gai đã phát triển thành một ngành công nghiệp trụ cột tại địa phương, hợp tác xã của ông Yến Kỳ Hòa tự hào có sản lượng hàng năm hơn 450 tấn, giúp hơn 300 cư dân có việc làm mỗi năm.

 

Không chỉ vậy, huyện Long Lý còn chuyển những thùng lê gai tươi đến huyện Huệ Thủy lân cận để chế biến thành nước ép hoa quả đóng chai bằng dây chuyền hiện đại của công ty Phát triển Công nghiệp Wanglaoji Ciningji Quý Châu.

 

Với lợi thế của công ty trong lĩnh vực chế biến và tiếp thị, loại đồ uống này đang trở nên phổ biến với nhiều người tiêu dùng trong nước.

 

Ông Nhậm Quang Vĩ, 51 tuổi, đã giao 22 mẫu đất của mình cho một công ty trồng lê gai. Với tiền thuê đất hàng năm là 400 NDT/mẫu, ông không chỉ đảm bảo thu nhập ổn định mà còn có việc làm tại một cơ sở sản xuất lê gai, kiếm thêm 100 NDT/ngày.

 

Trước đây, ông Nhậm Quang Vĩ chưa từng nghĩ loại quả này có giá trị dinh dưỡng và tiềm năng kinh tế lớn đến vậy.

 

"Trước đây, hiếm có ai dám ăn loại quả này, chứ đừng nói đến việc trồng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này phát triển mạnh mẽ giúp gia đình 5 người của tôi có một cuộc sống dư dả và trọn vẹn hơn", Nhậm Quang Vĩ nói.

 

Quý Châu đã chính thức quy hoạch ngành công nghiệp lê gai là một trong 12 ngành công nghiệp nông thôn trọng điểm của địa phương. Tỉnh này hiện dẫn đầu cả nước, với hơn 140.000ha diện tích đất trồng lê gai.

 

Tỉnh Quý Châu hiện có 78 doanh nghiệp sản xuất và chế biến các sản phẩm từ quả lê gai, với tổng sản lượng khoảng 320.000 tấn quả tươi mỗi năm. Tổng lợi nhuận thu về từ loại quả này đã tăng từ gần 3,69 tỷ NDT (khoảng 500 triệu USD) trong năm 2019 lên hơn 15 tỷ NDT (khoảng 2,1 tỷ USD) vào năm 2022.

 

Hồ Hồng Thành, người đứng đầu Ủy ban Lâm nghiệp tỉnh Quý Châu, cho biết tỉnh sẽ đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng, tăng cường nghiên cứu chế biến và quảng bá trên thị trường để giúp ngành công nghiệp lê gai tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

 

"Chúng tôi đang cố gắng phát triển loại nông sản chất lượng cao này ở Quý Châu để chúng có thể vươn ra thị trường thế giới", ông Hồ Hồng Thành nói.

Lâm Hưng 

 

Bình luận