Nuôi ba ba Đài Loan, một nông dân thu tiền tỷ mỗi năm

Bình luận · 215 Lượt xem

Một nông dân Hậu Giang nhân giống thành công ba ba Đài Loan thương phẩm. Mỗi năm, ông cung cấp cho các hộ nuôi khoảng 200.000 ba ba giống, thu về gần 1 tỷ đồng.

Mô hình nuôi ba ba giống của một hộ nông dân tại Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình nuôi ba ba giống của một hộ nông dân tại Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Khởi nghiệp bằng 8 lượng vàng

Năm 1999, ông Trần Hồng Quan (ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) quyết định chuyển đổi 4ha đất trồng cây ăn trái sang mô hình đào ao nuôi thủy sản. Tìm hiểu mô hình nuôi ba ba của người quen dưới Đồng Tháp, ông quyết định học theo, đầu tư 25 triệu đồng mua hơn 2.000 con giống từ Đài Loan về nuôi thả thí điểm.

“Thời điểm ấy, giá vàng mới 3 triệu đồng/lượng. Khi đó chưa biết gì, chưa có kinh nghiệm nuôi con ba ba, ai cũng nói tôi mạo hiểm, đi đánh bạc với con ba ba”, ông Quan kể chuyện.

Nhưng rồi, với đam mê và quyết tâm, 2 năm sau - năm 2001, ông đã tự mày mò, tìm hiểu và ấp nở thành công ba ba giống để nuôi thả trong ao nhà, tự làm chủ nguồn giống, không phải đi mua bên ngoài.

“Chăm con ba ba cũng không có gì khó khăn. Quan trọng nhất vẫn là nguồn thức ăn và nguồn nước đảm bảo vệ sinh, không để vật nuôi bị mắc bệnh ngoài da hay bệnh đường ruột. Nước ao được tôi vệ sinh thường xuyên sau mỗi đợt thu hoạch, thả giống mới, có hệ thống ao chứa để lắng lọc, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn mới tháo nước ra môi trường bên ngoài”, ông Quan nói.

Ông Trần Hồng Quan (ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A) bên chậu đựng ba ba giống vừa nở. Ảnh: Trung Chánh. 

Ông Trần Hồng Quan (ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A) bên chậu đựng ba ba giống vừa nở. Ảnh: Trung Chánh. 

Với 4ha đất nông nghiệp, ông Quan làm hệ thống 16 ao nối tiếp nhau, chừa lại 1ha để làm đất lúa. Với đặc trưng ruộng đất ở Hậu Giang liền kề với nơi ở của con người, việc chăm sóc, trông coi rất thuận tiện, khép kín.

“Ao nuôi ba ba cũng dễ làm. Tôi mướn máy múc đào ao sâu cỡ hơn 1m5, dưới đáy ao có lớp bùn để ba ba chui rúc theo tập quán. Quan trọng là làm đường lên cho ba ba đẻ trứng, xây dựng chuồng đẻ trứng cho nó và có khu ấp nở”, ông Quan cho biết.

Trong khu vực nuôi ba ba của gia đình, mỗi ao nuôi có diện tích từ 5.000 - 6.000m2/ao, bờ ao được đổ thoải, láng xi-măng nhám để ba ba thuận tiện di chuyển lên xuống. Bốn góc ao, ông dựng bốn “chuồng” có mái che, không để cửa, dưới là nền cát ẩm. Đây là vị trí để ba ba lên bờ đẻ trứng.

Để ngăn không cho ba ba từ ao này sang ao khác, ông dựng một bờ tường chắn ở vị trí ngăn cách hai ao bằng tấm fibro xi-măng cao chừng nửa mét, chừa ra một khoảng gần 1m mỗi bên ao để làm lối đường cho ba ba đi dạo và lối đi cho người chăm sóc. Trên mặt ao, ông thả lục bình với mức độ kiểm soát để ba ba có không gian thư giãn, đồng thời làm mát ao… Thức ăn nuôi ba ba là cá vụn ông mua về xử lý, sau đó giữ trong tủ bảo ôn.

Một cá thể ba ba trong ao nuôi của ông Quan. Ảnh: Trung Chánh.

Một cá thể ba ba trong ao nuôi của ông Quan. Ảnh: Trung Chánh.

Khu ấp nở ba ba giống được ông Quan xây dựng chắc chắn, có mái che, rộng khoảng vài trăm m2. “Tôi cho ấp nở tự nhiên trong cát ẩm chứ không có bỏ vô lò ấp... Trứng ba ba có sống sau khi được lựa trái to, đẹp, tỷ lệ ấp nở cao nhất, tôi cho vô cát ẩm đã được xử lý vệ sinh, vùi xuống đó để ấp bằng cát, đến kỳ ba ba con tự nở chui lên, mình đưa về các bể chứa để nuôi gột chừng vài tuần cho cứng cáp, đạt đủ chuẩn mới bán cho bà con chăn nuôi hoặc tiếp tục xuống giống để nuôi thương phẩm”, ông Quan chia sẻ.

Với những trứng ba ba bị loại, không cho ấp nở vì không đủ tiêu chuẩn (trứng không sống, trứng nhỏ, trứng của những ba ba cái mới bắt đầu sinh sản…), ông Quan bán theo kg để làm thực phẩm.

“Một kg trứng ba ba tôi bán 100 ngàn đồng, khoảng 80 quả. Trứng ba ba ăn lạ, như trứng chim cút nên nhiều người dùng làm thực phẩm”, ông Quan tự hào cho biết.

Bên khu trữ ba ba giống, những chiếc thau lớn chứa hàng ngàn ba ba con vừa nở được 1 ngày tuổi, mỗi con to chừng đầu ngón tay cái. Chúng chen chúc đậu kín trên những tàu dừa, hay vón thành từng cục lớn sẫm đen. Con nào con nấy khoẻ mạnh, đảm bảo tiêu chuẩn để bán cho người nuôi. Tỷ lệ ấp nở mà ông Quan đang đạt được là 100% do làm tốt khâu tuyển trứng từ ban đầu.

Ao nuôi ba ba được đầu tư công phu, bài bản của ông Quan. Ảnh: Kiên Trung.

Ao nuôi ba ba được đầu tư công phu, bài bản của ông Quan. Ảnh: Kiên Trung.

Một con ba ba giống hiện ông Quan bán cho người nuôi 3.900 đồng/con. Với 200.000 ba ba giống/mỗi năm, ông thu được 800 triệu đồng.

“Căn cứ theo nhu cầu người nuôi để ấp nở cho phù hợp. Với lượng ba ba sinh sản hiện tại đang có, tôi chủ động được số lượng giống bao nhiêu cũng đạt”, tỷ phú ba ba ở Hậu Giang chia sẻ.

Ba ba thương phẩm: Một vốn đôi lời

Ba ba giống chỉ là phần phụ thu của gia đình ông Trần Hồng Quan. Nguồn thu chủ lực, bền vững của ông mỗi năm là ba ba thương phẩm.

"Năm nhiều nhất tôi thu trên 10 tấn ba ba thương phẩm, giá bán trung bình đạt trên dưới 300 ngàn đồng/kg. Năm đó sở dĩ nhiều do bị 'tồn' lại vì mấy năm dịch bệnh, tư thương không đi mua được. Trung bình mỗi năm tôi thu trên 3 tấn, xuất đi cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc”. 

Theo ông Quan, một con ba ba giống từ khi thả sau 2 năm sẽ cho thu hoạch ba ba thương phẩm, trọng lượng đạt trung bình 1,5kg/con, giá bán chia theo các loại nhất (từ 1,5kg trở lên), loại 2 trọng lượng nhỏ hơn, mỗi loại chênh nhau 20 ngàn đồng/kg nhưng trung bình đạt 300 ngàn đồng.

Với số lượng đàn nuôi thương phẩm 2,3 vạn con, mỗi năm ông Quan thu trên dưới 3 tấn ba ba, đạt doanh số gần 1 tỷ đồng. 16 ao nuôi, ông chia thành các ao nuôi gối tiếp nhau, để năm nào cũng có ba ba giống, ba ba thịt cung cấp cho thị trường.

Chuồng có mái che, đáy nền bằng cát để ba ba lên đẻ ở góc ao... Ảnh: Kiên Trung.

Chuồng có mái che, đáy nền bằng cát để ba ba lên đẻ ở góc ao... Ảnh: Kiên Trung.

“Chi phí nuôi ba ba chia tính theo mỗi một kg trưởng thành khoảng trên 100 ngàn đồng. Như vậy, người nuôi vẫn lời gấp đôi. Nếu nuôi số lượng lớn, việc trở thành tỷ phú không khó. Nuôi ba ba khi đã có kinh nghiệm và có hệ thống ao chuồng đạt chuẩn sẽ rất nhàn chứ không vất vả”, ông Quan khẳng định.

Học theo mô hình làm giàu của ông Quan, nhiều nông dân ở Hậu Giang đã chuyển hướng sang nuôi ba ba Đài Loan từ giống do ông cung cấp. Không chỉ cung cấp giống, ông Quan còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ người nuôi tận tình.

“Ba ba mẹ lấy trứng để ấp nở đạt độ tuổi chừng 34 tháng trở lên là trứng đẹp nhất. Theo tuổi sinh học, vòng đời con ba ba khoảng 13 năm. Khi nó đã già, cần phải loại, thay thế ba ba sinh sản, mình lại bán làm thương phẩm. Tuổi đời càng cao, trọng lượng nó càng lớn (đạt cỡ từ 5kg trở lên/con), ba ba cỡ này thuộc loại hiếm, thịt ngon nhất nên giá càng cao”, ông Quan thông tin.

'Tỷ phú ba ba' Trần Hồng Quan (trái) và cán bộ khuyến nông xã Trường Long A. Ảnh: Kiên Trung.

"Tỷ phú ba ba" Trần Hồng Quan (trái) và cán bộ khuyến nông xã Trường Long A. Ảnh: Kiên Trung.

Trong hơn 20 năm gắn bó với con ba ba, ông Quan từng sở hữu vài cá thể ba ba “đột biến”, có trọng lượng ngoại cỡ đạt 11kg. "Đó là con ba ba qúy hiếm tôi từng nuôi được. Tôi dự định để nó làm ba ba sinh sản giữ giống, ai dè nó "lưỡng tính", vậy là cứ lớn như thổi, đạt trọng lượng gấp 3 lần so với những con cùng độ tuổi”, ông cho biết.

Tại xã Trường Long A (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), gia đình ông Trần Hồng Quan là hộ nuôi ba ba lớn nhất vùng, có tiếng tăm trên cả tỉnh. Với cách làm khoa học, đầu tư nghiên cứu bài bản và niềm đam mê, từ một hộ chăn nuôi cá thể với 2.000 ba ba giống đầu tiên, ông Quan đã cho ra đời hàng triệu ba ba giống, cung cấp hàng chục tấn ba ba thương phẩm.

"Đây là mô hình kinh tế khép kín rất khoa học. Nước từ ao nuôi ba ba, chất thải của ao nuôi... ông Quan xử lý thành phân hữu cơ, trực tiếp bón cho 10 công đất để làm lúa hữu cơ, rất tiện dụng và khoa học. Ông là hộ nông dân làm kinh tế giỏi ở Hậu Giang”, Chủ tịch xã Trường Long A Lê Thanh Việt cho biết.

Bình luận