Trang trại chăn nuôi tuần hoàn, khép kín đầu tiên tại Phú Xuyên

Bình luận · 213 Lượt xem

Quá trưa, khi tôi đến thì mâm cơm đầy đặn đã được bày ra giữa sàn nhà ở trại chăn nuôi tuần hoàn, khép kín đầu tiên tại huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.

Đầu vào của con này là đầu ra của con kia

Đĩa thịt gà ri vàng tươm mỡ, thơm lừng nom thật hấp dẫn. Nó ngọt đậm đà đúng chất gà quê. Anh Vũ Hoàng Trung, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội cười, giới thiệu: Chủ trang trại này là vợ chồng Ngô Thị Nga và Nguyễn Văn Ly ở thôn Giáp Ba, xã Bạch Hạ. Đây là mô hình chăn nuôi tuần hoàn, khép kín đầu tiên của huyện khi mà đầu vào của con này sẽ là đầu ra của con kia.

 

Tất cả mọi thứ đều bắt đầu từ con giun quế. Chúng được chế biến làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và từ phân của gia súc, gia cầm lại trở về làm thức ăn cho giun. Hai dãy chuồng nuôi giun quế chạy dài theo trang trại, bên dưới là ao, bên cạnh là vườn bưởi, lối đi chính là nắp của bể ngầm chứa phân để tiết kiệm diện tích. Tháp nước trong trang trại có 3 bình gồm 1 bình nước sạch, 2 bình nước pha thuốc phòng dịch. Phòng dịch có thể bằng vắc xin hoặc bằng chính chế phẩm từ con giun quế trộn với các loại thảo dược khác như tỏi, gừng.

 

 

Hiện ở đây đã thử nghiệm công thức, sắp tới phát triển chăn nuôi quy mô hơn sẽ áp dụng luôn. Dịch chiết xuất từ giun cũng có tác dụng phòng bệnh ngay cho cây trồng. Con giun quế có tỷ lệ đạm cao nhưng lại chứa nhiều chất kháng sinh tự nhiên, không giống như con nhộng của ruồi lính đen, chỉ có mỗi đạm. Chính vì thế trang trại định hướng sẽ dùng kháng sinh có trong con giun quế để làm thuốc phòng bệnh cho gia súc, gia cầm chứ không dùng thuốc kháng sinh hóa học. Khi ngan, gà, vịt ăn giun quế lông trở lên bóng mượt, tỷ lệ chết giảm mạnh.

 

Những bệnh vi khuẩn có thể dùng giun quế để phòng bệnh, còn những bệnh virus thì bắt buộc phải dùng vắc xin nhất là chăn nuôi số lượng nhiều nhưng ở đây cũng rất ít dùng. Ngoài ra chủ trại còn dùng chế phẩm vi sinh để hạn chế mùi. Chúng tôi đang đề xuất trang trại này sẽ thành một mô hình điểm, có sự hỗ trợ để có thể phát triển, mở rộng hơn. Ở đây sẽ thành trang trại trung tâm, còn có nhiều trang trại vệ tinh để nuôi gia công theo cùng công thức giống, kỹ thuật, thức ăn rồi bao tiêu đầu ra.

 

Tổng diện tích của trang trại là 3.500m2, bắt đầu được xây dựng từ cách đây 3 năm nhưng phải tạm dừng mất gần 2 năm do đại dịch Covid 19, mới khôi phục trở lại, tổng mức đầu tư khoảng 2 tỉ đồng. Xung quanh trại có hệ thống vườn bưởi làm vành đai xanh, giúp nâng cao mức độ an toàn sinh học cho các vật nuôi. Trong trang trại nước được tuần hoàn, không dùng nguồn từ bên ngoài mà nước rửa chuồng thì để tưới cây, nguồn bổ sung chính từ mưa xuống.

 

Trang trại chăn nuôi mà không mùi khó chịu 

Ăn uống no nê tôi mới thong thả theo chân vợ chồng Nguyễn Thị Lý và Ngô Văn Hiệu những người làm đi thăm một vòng trang trại. Cảnh quan xanh mát, trong lành khiến cho tôi quên đi đây là một trang trại chăn nuôi mà ngỡ là khu homestay nào đó. Có được điều đó là nhờ men vi sinh, rỉ mật trộn vào cám ngô, bột đậu tương theo tỷ lệ 100 kg ngô, 20 kg đậu tương và một lượng giun quế nhất định rồi ủ trong 3 ngày để làm thức ăn cho đám gà ta, gà lai Đông Tảo, ngan sen, vịt bầu đất.

 

Thức ăn ủ xong, thơm lừng còn được bổ sung thêm chất thô xanh là thân cây chuối thái nhỏ. Trong chuồng gà có gác các thanh tre để cho chúng đậu, bên ngoài có sân chơi để cho chúng phơi nắng, tắm cát, ăn sỏi, đá đúng với tập tính. Trong chuồng ngan, vịt có bể bơi để chúng tắm nước theo sở thích, mô phỏng gần giống với môi trường tự nhiên nhất nên chất lượng thịt cũng thơm ngon hơn nuôi trên cạn hoàn toàn. Dưới ao thả bèo, dùng để lấy lên phủ mặt những luống phân trong dãy chuồng giun quế, vừa tạo độ ẩm, vừa làm thức ăn cho giun. Bên cạnh thân cây chuối, bèo cũng là thức ăn thô xanh bổ sung rất tốt cho gia súc, gia cầm.

 

 

Chị Lý kể, những hôm nắng, ngô, đậu tương, rau, giun trộn, xay, đùn thành viên, đổ ra phơi rồi cho gia cầm ăn, có thể bảo quản được 2-3 ngày nên cách một ngày mới phải chế biến như thế. Những hôm mưa thì sợ để cám viên sẽ mốc nên chị sẽ cho gia cầm ăn luôn cám ủ. Các giống vịt bầu đất, vịt trời, ngan sen, gà đều mua của Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên. Nhờ thức ăn hợp lý, môi trường trong lành, giống tốt nên ngan tỷ lệ nuôi đạt 80%, còn gà tỷ lệ nuôi đạt tới 95%.

 

Thời gian nuôi một con gà thành phẩm khoảng 5,5 tháng, một con ngan, vịt thành phẩm trên 3 tháng, bởi thế thịt của chúng thơm ngon, khác biệt. Tiêu thụ tốt có ngan sen, gà, vịt bầu đất, còn kém là vịt trời mặc dù nuôi cầu kỳ, thời gian lâu tới 3-4 tháng mà chỉ bán được theo con, mỗi con 80.000đ. Còn các loại khác bán theo kg, như vịt bầu đất 50.000đ/kg, ngan sen 70.000đ/kg, gà ta 120.000đ/kg.

 

Mỗi năm trang trại nuôi 3-4 lứa, mỗi lứa mỗi loại 400-500 con. Đầu ra chủ yếu là các nhà hàng trong và ngoài huyện đặt hàng. Nếu bán ra chợ thì không có lãi vì thương lái vẫn trả ngang giá sản phẩm nuôi bình thường.

 

Anh Vũ Hoàng Trung, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phú Xuyên giải thích những gì đang có hiện nay chỉ là phần chưa hoàn thiện của một trang trại chăn nuôi khép kín, tuần hoàn trong tương lai. Ở đó có đủ cả các đại gia súc, như bò, lợn, hiện đã làm xong chuồng, chuẩn bị thả và các loại gia cầm đặc sản như gà ri, gà Đông Tảo, ngan sen, vịt bầu (đã có).

 

Ý tưởng là lấy phân gia súc để nuôi giun quế cho lợn, ngan, gà, vịt ăn. Toàn bộ sinh khối giun quế con ngan có thể ăn trực tiếp, còn con giun tinh (giun không) thì đem ủ với men vi sinh, trộn với cám, ngô, đậu tương cho gà, lợn, ăn trực tiếp hoặc chế biến thành bột giun để trữ ăn dần. Hiện hệ thống máy móc chủ trang trại đã mua hết, từ máy xay đến máy đùn viên thức ăn.

 

Việc nghiên cứu công thức phối trộn thức ăn sao cho đảm bảo dinh dưỡng phải thử nghiệm rất nhiều. Lúc đầu mang gà, vịt, ngan lên nhà hàng để giới thiệu, họ chê gầy vì dinh dưỡng trong thức ăn chưa đầy đủ. Thứ nữa, có những thứ mới làm cũng chưa nghĩ ra, ví dụ như đậu tương cần phải rang lên để tăng mùi thơm, rồi dùng men vi sinh để ủ cũng là cách tạo mùi thơm giúp gia cầm ăn khỏe hơn, tăng trọng nhanh hơn chứ trước đây thức ăn thô có mùi ngái, chúng không thích nên ăn ít và gầy. Chủ trại cũng đang nghiên cứu việc bổ sung thảo dược vào thức ăn. Không chỉ bán sản phẩm tươi, sau này trang trại sẽ tìm hiểu cách sơ chế, bảo quản mát, xây dựng thương hiệu để gia tăng thêm giá trị. Hiện ở đây đã đăng ký làm VietGAP với con gà, con ngan và chuẩn bị thành lập hợp tác xã theo hướng áp dụng công nghệ cao.  

 

Mục tiêu thứ nhất là tạo ra sản phẩm an toàn. Mục tiêu thứ hai là góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhờ chăn nuôi không xả thải. Mục tiêu thứ ba là tận dụng nguồn bèo ở các kênh mương làm thức ăn cho giun, ngan, gà, lợn. Mục tiêu thứ tư là tận dụng nguồn phân trâu, bò từ các lò mổ ở địa phương thải ra mua về để làm thức ăn cho giun quế. 

 

Ngoài ra trang trại sẽ chủ động chăn nuôi bò, lợn để kiểm soát nguồn phân cho đảm bảo chất lượng, “sạch” bởi hiện tại người ta nuôi bò, lợn vỗ béo, cho ăn cám công nghiệp rất nhiều nên chất lượng phân kém. Thêm vào đó, việc chủ động nuôi bò, lợn sẽ không phải mất tiền mua, công vận chuyển phân về. Dù lợi nhuận của việc nuôi bò, lợn nay không cao nhưng “lãi” ở chỗ mỗi con bò được 13-15 kg phân/ngày, mỗi con lợn được vài kg phân/ngày. Chất thải là thế, còn nước thải trong trại đã có hệ thống thu gom vào bể 3 ngăn, lọc, lấy chất rắn cho giun ăn, nước lọc sạch sau xử lý bằng vi sinh sẽ quay trở lại tưới cho cây trồng.

 

 

Nguyễn Thị Thắm

 

Bình luận