Đầm Hà là huyện miền Đông của tỉnh Quảng Ninh, sở hữu khoảng 27.000ha đất nông nghiệp, chiếm trên 82% tổng diện tích đất tự nhiên. Nơi đây hội tụ nhiều yếu tố để phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi.
Khoảng 10 năm trước, gia đình ông Phạm Viết Cao (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) đắn đo suy nghĩ nên nuôi con gì, trồng cây gì? Ban đầu, ông Cao chọn nuôi lợn ta và lợn mán, nhưng một thời gian bị dịch bệnh, lợn chết cả đàn, bao công sức chăm sóc đổ sông, đổ biển. Sau đó, ông lại đổi sang chăn gà, nhưng rồi lại không bán được. Có thời điểm, cả ngày mang gà ra chợ mà chỉ bán được một con.
Sau khi được một người họ hàng cho giống thỏ New Zealand, ông Cao quyết định tìm hiểu và đã lựa chọn mô hình chăn nuôi thỏ để phát triển kinh tế.
Thỏ New Zealand có bộ lông dày, màu trắng tuyền, mắt đỏ hồng. Giống thỏ này có nhiều ưu điểm, như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, thơm ngon và chắc thịt. Đặc biệt, thỏ New Zealand rất mắn đẻ, chúng có thể đẻ từ 5-6 lứa/năm, mỗi lứa từ 6-7 con.
Theo ông Cao, thỏ trắng New Zealand là loài ăn tạp, thức ăn đa dạng và phong phú. Các loại thức ăn thô xanh chiếm 50 - 60% khẩu phần ăn/ngày như đậu xanh, đậu tương, lạc,... Ngoài ra, ông Cao cho thỏ ăn thêm sắn, ngô, khoai lang và lá các loại rau muống, rau cải, xu hào.
"Lượng thức ăn cho thỏ mỗi ngày cũng phải để ý cho ăn bằng 30 - 40% trọng lượng cơ thể. Nếu sau 12 giờ, thức ăn của thỏ còn thừa, cần loại bỏ và thay thức ăn mới để tránh ôi thiu, ẩm mốc làm thỏ bị tiêu chảy. Bên cạnh đó, việc cung cấp nước uống cho thỏ New Zealand cũng cần phải chú ý đảm bảo nguồn nước sạch. Mỗi con thỏ cần 0,1 - 0,5 lít/ngày và được thay hàng ngày", ông Cao nhấn mạnh.
Sau nhiều năm phát triển và từng bước mở rộng mô hình, đến nay, đàn thỏ của gia đình ông Cao thường trực ở mức 1.000 con, mang lại nguồn thu khoảng 300 triệu đồng/năm.
"Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt đã trở nên thân thuộc với tôi. Từ suy nghĩ đó, tôi đã trải qua nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi. Đến thời điểm này, nuôi thỏ lấy thịt thương phẩm và nuôi thỏ lấy giống chính là mô hình thành công nhất", ông Cao chia sẻ.
Nhờ sự kiên trì cùng bài học kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại, giờ đây, ông Cao đã làm chủ được quy trình chăn nuôi thỏ, giúp thỏ khỏe mạnh, lớn nhanh, sức sinh sản tốt. Đặc biệt, trang trại của ông Cao cung cấp ra thị trường thịt thỏ thương phẩm, thỏ giống đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hiện, ông Cao ký hợp đồng cung ứng thỏ thịt cho các nhà hàng, bếp ăn trên địa bàn huyện Đầm Hà. Ngoài ra, ông còn liên kết với khoảng 7 trại nuôi thỏ lớn trên toàn tỉnh để đảm bảo nguồn hàng khi khan hiếm, cũng như hỗ trợ cùng phát triển.
Bên cạnh đó, ông Cao phát triển mảng đại lý thức ăn cho thỏ trong toàn tỉnh. Mỗi tháng ông tiêu thụ được 13 tấn thức ăn cho thỏ, đây là loại cám đặc thù, giúp con thỏ đạt trọng lượng, chất lượng tiêu chuẩn khi xuất bán.
Sau khi đã nắm chắc quy trình nuôi thỏ, ông Cao đã xây dựng thêm mô hình nuôi dê lấy thịt, dê sinh sản. Mô hình chăn nuôi thỏ, dê đã mang về cho ông Phạm Viết Cao khoảng 500 triệu đồng mỗi năm, giúp ông trở thành gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà.
Các mô hình chăn nuôi tại huyện Đầm Hà được định hướng chuyển đổi dần từ quy mô nông hộ sang chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng giá trị, bảo vệ môi trường sinh thái... Hiện, trên địa bàn huyện Đầm Hà có 43 HTX, gần 130 trang trại chăn nuôi, trồng trọt.
Nguyễn Thành