Doanh nghiệp đầu tiên chế biến sâu lúa gạo ở Hà Tĩnh

Bình luận · 220 Lượt xem

Khép kín quy trình từ sản xuất đến chế biến, bao tiêu sản phẩm là cách anh Lê Văn An (Hà Tĩnh) đang thực hiện nhằm khai thác hết giá trị hạt gạo quê hương.

Đưa công nghệ chế biến sâu lúa gạo

Vợ chồng anh Lê Văn An và chị Phan Thị Hào không còn xa lạ với chính quyền và người dân huyện Thạch Hà nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Đây là cặp vợ chồng trẻ cùng chung máu “liều” đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lắm rủi ro.

Giám đốc Lê Văn An cùng vợ (chị Phan Thị Hào, đứng giữa) là người đầu tiên ở Hà Tĩnh mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến sâu sản phẩm từ lúa gạo. Ảnh: Thanh Nga.

Giám đốc Lê Văn An cùng vợ (chị Phan Thị Hào, đứng giữa) là người đầu tiên ở Hà Tĩnh mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến sâu sản phẩm từ lúa gạo. Ảnh: Thanh Nga.

Anh An kết duyên với chị Hào năm 2011, lúc bấy giờ anh đang làm quản lý cho một khách sạn trên địa bàn Nghệ An, còn chị làm công nhân tại một doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất hạt giống nông nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh.

Năm 2013, sau một thời gian quan sát thị trường và học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, vợ chồng anh An thành lập Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ An Phát (viết tắt là Công ty An Phát) đặt tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà. Thời điểm đó, Công ty chủ yếu kinh doanh vật tư nông nghiệp như giống, phân bón. Từ năm 2014 - 2016, Công ty bắt đầu chế biến các sản phẩm từ gạo như cốm gạo lứt, trà gạo lứt..., tuy nhiên làm gia công nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Quá trình sản xuất, kinh doanh, vợ chồng anh An nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm hữu cơ, tốt cho sức khỏe và tiện dụng ngày càng lớn, trong khi doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm từ lúa gạo trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ đếm trên đầu ngón tay nên vợ chồng anh làm hồ sơ xin thuê đất mở rộng quy mô chế biến.

Ngoài nguồn tự chủ, sự hỗ trợ tích cực của Sở KH-CN Hà Tĩnh đã góp phần giúp doanh nghiệp hoàn thiện dây chuyền thiết bị sản xuất, chế biến. Ảnh: Thanh Nga.

Ngoài nguồn tự chủ, sự hỗ trợ tích cực của Sở KH-CN Hà Tĩnh đã góp phần giúp doanh nghiệp hoàn thiện dây chuyền thiết bị sản xuất, chế biến. Ảnh: Thanh Nga.

Nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, trên diện tích gần 7.000m2 đất tại Cụm công nghiệp Phù Việt (xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà), anh An đầu tư hệ thống nhà xưởng kiên cố, với dây chuyền thiết bị chế biến và đóng gói sản phẩm gạo, cốm, bột dinh dưỡng theo công nghệ cao mang thương hiệu “Omega An Phát”.

“Đến nay, chúng tôi đã đầu tư hơn 13 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và dây chuyền thiết bị phục vụ chế biến. Việc đưa công nghệ vào chế biến sâu sản phẩm lúa gạo không chỉ khai thác hết giá trị của hạt gạo quê hương mà còn giúp Công ty cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị phần, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu. Đồng thời, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn sản xuất cho người và thiết bị, giảm tác động xấu đến môi trường”, anh An chia sẻ.

Năm 2019, để “nuôi” thương hiệu “Omega An Phát” trưởng thành, Công ty An Phát mua bản quyền giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa 1 (do Công ty Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hòa, tỉnh Nghệ An chọn tạo) để về sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh. Đến cuối năm 2022, đơn vị tiếp tục liên kết với nông dân thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) xây dựng mô hình sản xuất gạo hữu cơ ST25 trên ruộng rươi.

Hiện Công ty An Phát đã phát triển được 8 sản phẩm mang thương hiệu 'Omega An Phát'. Ảnh: Võ Dũng.

Hiện Công ty An Phát đã phát triển được 8 sản phẩm mang thương hiệu "Omega An Phát". Ảnh: Võ Dũng.

Công ty An Phát thực hiện hỗ trợ 50% giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và ký hợp đồng đảm bảo thu nhập cho bà con nông dân liên kết sản xuất cao hơn thị trường từ 10 – 12%. Sản lượng lúa thu hoạch được thu gom, chế biến, cung ứng ra thị trường thông qua các siêu thị từ Bắc vào Nam.

Khi đơn hàng nườm nượp đổ về, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, ngoài bỏ tiền túi đầu tư thiết bị máy móc, được sự hỗ trợ của Sở KH-CN Hà Tĩnh, Công ty An Phát xây dựng dự án “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất chế biến sản phẩm bột dinh dưỡng từ nguyên liệu gạo thảo dược Vĩnh Hòa 1 tại Hà Tĩnh”.

Nhiều sản phẩm gạo chế biến đã được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ, OCOP, sản phẩm công nghiệp tiêu biểu... Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều sản phẩm gạo chế biến đã được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ, OCOP, sản phẩm công nghiệp tiêu biểu... Ảnh: Thanh Nga.

Mục tiêu dự án hướng đến là thông qua liên kết “4 nhà”, các sản phẩm từ giống lúa thảo dược Vĩnh Hoà 1 sản xuất ra sẽ được bao tiêu toàn bộ; tạo công ăn việc làm ổn định cho nông dân và tăng thu nhập khoảng 25%. Đồng thời đưa công nghệ mới vào sản xuất, từng bước nâng tỷ lệ chế biến sâu từ 10% hiện nay lên 30 - 40% trong thời gian tới.

Đặc biệt, dự án góp phần tạo ra sản phẩm mới, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ gạo, nâng cao giá trị của sản phẩm; khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng nguồn nguyên liệu từ cây lúa tím thảo dược cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Dự án của Công ty An Phát được Sở KH-CN Hà Tĩnh hỗ trợ một phần tài chính, hướng dẫn phương pháp quy hoạch, thiết kế thi công hạ tầng và lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất sản phẩm bột dinh dưỡng như máy nghiền, máy sấy công nghiệp, máy rang hạt, máy đóng gói bột trục vít định lượng... Bên cạnh đó, Công ty còn được hỗ trợ nghiên cứu hoàn thiện quy trình tuyển chọn các loại nguyên liệu, quy trình ủ mầm, chế biến, phối trộn, bảo quản, quản lý, công bố chất lượng sản phẩm bột dinh dưỡng; xây dựng và đăng ký chứng nhận tem truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm…

Công ty An Phát hiện tạo việc làm thường xuyên cho 26 lao động trên địa bàn. Ảnh: Võ Dũng.

Công ty An Phát hiện tạo việc làm thường xuyên cho 26 lao động trên địa bàn. Ảnh: Võ Dũng.

“Tháng 6/2023, gạo ST25 sản xuất trên ruộng rươi ở thị xã Hồng Lĩnh đã được Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ. Đây là sản phẩm gạo đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ”, anh Lê Văn An phấn khởi khoe với chúng tôi giấy chứng nhận gạo đạt chuẩn hữu cơ khó khăn lắm mới đạt được.

Chia sẻ lợi ích với nông dân

Đến thời điểm này, Công ty An Phát đã phát triển được 8 sản phẩm mang thương hiệu “Omega An Phát”, gồm: Bột gạo lứt, bột dinh dưỡng, bột ngũ cốc; trà gạo lứt, trà gạo lứt túi lọc; cốm gạo lứt cháy tỏi, cốm gạo lứt rong biển và gạo hữu cơ ST25 ruộng rươi Hồng Lĩnh.

Trong đó, 3 sản phẩm đã được chứng nhận OCOP; 2 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; 1 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm công nghiệp cấp khu vực năm 2022; 1 sản phẩm đang được đánh giá để chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia và 1 sản phẩm đạt chứng nhận gạo hữu cơ đầu tiên tại Hà Tĩnh.

Nhiều sản phẩm của Công ty An Phát tham gia trưng bày, giới thiệu đến khách hàng nước ngoài tại các sự kiện xúc tiến thương mại. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều sản phẩm của Công ty An Phát tham gia trưng bày, giới thiệu đến khách hàng nước ngoài tại các sự kiện xúc tiến thương mại. Ảnh: Võ Dũng.

Với lợi thế am tường lĩnh vực maketing, anh Lê Văn An đã đưa được các sản phẩm của Công ty vào các siêu thị lớn ở Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, thậm chí một số sản phẩm đã tham gia trưng bày, giới thiệu đến thị trường nước ngoài, doanh thu bình quân 3 năm gần đây đạt từ 10 – 15 tỷ đồng/năm.

Nguồn thu ổn định, doanh nghiệp không quên chia sẻ lợi ích với nông dân thông qua hoạt động liên kết sản xuất, bao tiêu, chế biến sản phẩm từ lúa gạo.

“Năm 2024, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích liên kết sản xuất với nông dân lên 350ha, tập trung ở các huyện Thạch Hà, Can Lộc và thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Hiện Công ty đã ký hợp đồng với các hợp tác xã, tổ hợp tác với tổng số hơn 800 hộ tham gia.

Ngoài liên kết sản xuất 2 giống lúa chủ lực là ST25 và Vĩnh Hòa 1, để đa dạng nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, chúng tôi sẽ sản xuất thêm giống lúa AC5, các loại nếp”, anh An cho biết.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, Công ty An Phát đang liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nhiều giống lúa chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Ảnh: Thanh Nga.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, Công ty An Phát đang liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nhiều giống lúa chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Ảnh: Thanh Nga.

Khi được hỏi vì sao doanh nghiệp lựa chọn đầu tư chế biến sâu sản phẩm từ lúa gạo, anh An chia sẻ, vợ chồng anh đều là con nhà nông, chứng kiến hạt lúa bà con làm ra khó nhọc nhưng hiệu quả kinh tế thu về thấp. Không những thế, nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm tiện dụng, an toàn cho sức khỏe ngày càng lớn nên cả hai vợ chồng đều đồng thuận vay thêm vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

“So với đầu tư dịch vụ thương mại hay xây dựng thì lĩnh vực nông nghiệp rủi ro nhiều hơn. Tuy nhiên tôi nghĩ khó thì tìm cách tháo gỡ, không vì khó mà dừng bước. Hơn nữa, tôi cũng muốn giúp nông dân và người lao động có việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo sự ổn định trên chính đồng đất quê hương”, Giám đốc Lê Văn An tâm sự.

Ông Lê Ngọc Nhân, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN Hà Tĩnh) đánh giá: “Công ty An Phát là một trong những đơn vị hiếm hoi ở Hà Tĩnh chế biến sâu sản phẩm từ lúa gạo. Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc hiện đại phục vụ chế biến. Các sản phẩm cung ứng ra thị trường qua kiểm nghiệm cho thấy đều an toàn, rất phù hợp với người tiêu dùng mắc bệnh tiểu đường, người già, người muốn giảm cân, trẻ em cần bổ sung thêm dinh dưỡng...

Đặc biệt trong hoạt động liên kết sản xuất lúa với người dân, chúng tôi nhận thấy họ rất quan tâm đến lợi ích và giữ chữ tín với bà con”.

 
Bình luận