Thanh toán bệnh lở mồm long móng [Bài 5]: Cao nguyên đá dần vắng bóng dịch

Bình luận · 199 Lượt xem

Từ năm 2020 đến nay, dịch lở mồm long móng không còn xuất hiện ở cao nguyên đá Hà Giang, mở ra cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi gia súc nơi đây.

Người chăn nuôi ở Hà Giang đang dần thay đổi tư duy chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc. Ảnh: Đào Thanh.

Người chăn nuôi ở Hà Giang đang dần thay đổi tư duy chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc. Ảnh: Đào Thanh.

Thay đổi tư duy chăn nuôi

Mèo Vạc là một trong những huyện có tổng đàn trâu, bò lớn của tỉnh Hà Giang. Người dân nơi đây chủ yếu dựa vào chăn nuôi đại gia súc và cây ngô để phát triển kinh tế. Bà con phần lớn là đồng bào dân tộc Mông nên ý thức vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh còn nhiều hạn chế.

Hiện, toàn huyện Mèo Vạc có khoảng hơn 4.000 con trâu, 27.000 con bò và 31.000 con lợn. Đồng hành cùng người dân, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện, Trạm Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản cùng cán bộ khuyến nông xã luôn bám sát địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn vận động người dân qua các buổi họp thôn, hàng năm cấp phát tờ rời cấp cho các xã, thị trấn và các cơ quan tuyên truyền…

Từ các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh lở mồm long móng cùng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh… Tỷ lệ tiêm phòng vacxin lở mồm long móng của huyện đạt hơn 90% mỗi năm.

Ông Tề Minh Lâm, Phó Phòng NN-PTNT huyện Mèo Vạc cho biết, trước đây, khi nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa của việc tiêm vacxin, bà con đều phản đối việc tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, bởi lo sợ vật nuôi sẽ không lớn được hoặc bị chết.

Nhưng kể từ khi cán bộ huyện, xã bám sát địa bàn để tuyên truyền cho bà con hiểu, không tiêm phòng khi đàn gia súc bị bệnh sẽ khó chữa và ảnh hướng rất lớn tới kinh tế. Nói một buổi nhiều khi người dân chưa nghe, cán bộ phải xin ở lại cùng dân để hiểu dân và dân hiểu mình việc tuyên truyền mới dần dần thuận lợi và hiệu quả.

Gia đình chị Giàng Thị Súa, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc luôn duy trì trong chuồng nuôi từ 20 đến 30 con lợn đen bản địa. Từ ngày mở rộng tổng đàn vật nuôi, được cán bộ chuyên môn của xã, huyện giúp đỡ tư vấn cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh chị Súa chú ý hơn đến việc tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc cũng như vệ sinh chuồng trại.

Chị Súa cho biết, để đàn gia súc khỏe mạnh, chuồng nuôi luôn được chị vệ sinh sạch sẽ và che kín, tránh hướng gió lùa vào ban đêm. Sau mỗi lứa lợn xuất chuồng, gia đình tiến hành khử trùng, tiêu độc, khử khuẩn đảm bảo những lứa lợn nuôi sau luôn khỏe mạnh.

Việc liên kết phát triển chăn nuôi giữa người dân và doanh nghiệp, HTX cũng góp phần không nhỏ trong công cuộc thay đổi tư duy cho người chăn nuôi ở Hà Giang. Bởi khi có mối liên kết, ràng buộc, người dân sẽ được hưởng nhiều lợi ích và gắn với đó là trách nhiệm, cam kết.

HTX Cát Lý, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên được thành lập từ đầu năm 2022. Sau hơn năm thành lập, HTX đã thể hiện được vai trò là đơn vị tiên phong trong xây dựng liên kết với người dân và các đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Hiện, HTX có 1 trang trại chăn nuôi bò vỗ béo quy mô 200 con bò vàng bản địa, 1 cơ sở giết mổ, chế biến thịt bò.

Ông Thượng Thái Cát, Giám đốc HTX Cát Lý cho biết, trong quá trình xây dựng chuỗi liên kết, HTX thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi giữa đôi bên khi thực hiện liên kết. HTX hỗ trợ các hộ nuôi về vốn vay, con giống tư vấn kỹ thuật chăm sóc cho đàn vật nuôi, cam kết bao tiêu sản phẩm vật nuôi.

Còn người nuôi có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của đàn vật nuôi bằng việc tuân thủ nghiêm công tác tiêm vacxin phòng các loại bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục… Sau hơn một năm thực hiện liên kết, nhiều hộ dân được trang bị kiến thức về chăn nuôi và ý thức phòng dịch bệnh cũng được nâng lên.

Trung bình mỗi năm, tỷ lệ tiêm phòng vacxin lở mồm long móng ở Hà Giang đạt trên 80%. Ảnh: Đào Thanh.

Trung bình mỗi năm, tỷ lệ tiêm phòng vacxin lở mồm long móng ở Hà Giang đạt trên 80%. Ảnh: Đào Thanh.

Tiêm vacxin lở mồm long móng là giải pháp hiệu quả nhất

Xác định tiêm vacxin phòng bệnh là vấn đề then chốt trong việc ngăn chặn dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc, những năm gần đây, tỷ lệ tiêm phòng dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hà Giang ngày càng đạt được kết quả cao hơn.

Như trong năm 2022, tổng số lượng vacxin cung ứng là 216.000 liều, kết quả tiêm phòng được gần 212.000 lượt con, tỷ lệ đạt 80% so với tổng đàn. Trong 10 tháng đầu năm 2023, số lượng vacxin cung ứng là 440.000 liều, kết quả tiêm phòng được trên 432.000 lượt con, tỷ lệ đạt hơn 82% so với tổng đàn.

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Hà Giang cho biết, để tỷ lệ tiêm phòng bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc đạt cao, Chi cục đã tổ chức hướng dẫn cán bộ thú y cơ sở và người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, giám sát đàn gia súc trong suốt quá trình nuôi.

Nếu thấy gia súc có biểu hiện của bệnh lở mồm long móng, phải báo cáo ngay cho chính quyền cơ sở và cơ quan thú y cấp huyện để tổ chức điều tra, xác minh và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Huyện Bắc Quang là một trong những địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất tỉnh Hà Giang. Toàn huyện có hơn 17.000 con trâu, 760 con bò, 48.000 con lợn, trên 10.000 con dê và hàng trăm nghìn con gia cầm... Chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, huyện Bắc Quang đã xây dựng kế hoạch, triển khai tiêm phòng trên địa bàn 23/23 xã, thị trấn.

Tỉnh Hà Giang xác định, thực hiện hiệu quả việc phòng dịch bệnh sẽ là vấn đề then chốt để ngành chăn nuôi thắng lợi. Ảnh: Đào Thanh.

Tỉnh Hà Giang xác định, thực hiện hiệu quả việc phòng dịch bệnh sẽ là vấn đề then chốt để ngành chăn nuôi thắng lợi. Ảnh: Đào Thanh.

Gia đình ông Vũ Văn Hoàn, thôn Minh Thắng, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang gắn bó với nghề chăn nuôi lợn 5 năm nay. Xác định chăn nuôi sẽ là nguồn thu chính của gia đình nên ông Hoàn luôn chú trọng công tác vệ sinh thú y cũng như tiêm phòng dịch bệnh cho đàn lợn, nhất là vacxin lở mồm long móng. Do đó, đàn lợn của gia đình ông luôn khỏe mạnh, ít dịch bệnh.

Xã Yên Định, Huyện Bắc Mê hiện có hơn 13.000 con trâu, bò. Phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng, xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn bám sát thôn bản nắm tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, triển khai biện pháp tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin, đồng thời phát huy hiệu quả vai trò của cán bộ thú y thôn bản. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tiêm phòng, giúp hộ chăn nuôi tiếp tục phát triển đàn vật nuôi theo hướng bền vững, bảo đảm nguồn thực phẩm tại chỗ và cung cấp cho thị trường.

Ông Nông Thanh Phia, thôn Nà Xá, xã Yên Định, huyện Bắc Mê cho biết, gia đình ông có 3 con trâu và hơn 10 con lợn. Những năm trước đây, do chưa nhận thức được việc tiêm phòng vacxin nên khi thôn, xã thông báo lịch tiêm gia đình chủ quan và nghĩ không cần thiết nên đàn gia súc, gia cầm bị mắc bệnh. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, gia đình tiến hành tiêm phòng vacxin đầy đủ đã giúp đàn gia súc khỏe mạnh, phát triển tốt, ít dịch bệnh.

Phòng, chống hiệu quả dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn vật nuôi, ngành NN-PTNT tỉnh Hà Giang cũng đưa ra khuyến cáo cảnh báo thời điểm bùng phát dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ngành cũng phối hợp với các địa phương kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp, thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh trên địa bàn cả nước, đặc biệt các tỉnh giáp danh để có cảnh báo nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định…

Quá trình thực tế chúng tôi nhận thấy, từ năm 2019, bà con chăn nuôi tại Hà Giang bắt đầu sử dụng vacxin lở mồm long móng Aftogen Oleo type O để tiêm đại trà trên đàn gia súc, vacxin được ngành chuyên môn và bà con đánh giá hiệu quả bảo hộ cao, kể từ đó loại dịch bệnh nguy hiểm này cơ bản được không chế trên vùng cao nguyên đá.

 
Bình luận