Giám sát lâm sàng dịch bệnh phải thực hiện thường xuyên

Bình luận · 229 Lượt xem

Quảng Nam yêu cầu công tác giám sát lâm sàng dịch bệnh phải thực hiện thường xuyên, đặc biệt với đàn gia súc, gia cầm mới nuôi và trong vùng có ổ dịch cũ.

Dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại kinh tế cho các hộ chăn nuôi tại Quảng Nam. Ảnh: L.K.

Dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại kinh tế cho các hộ chăn nuôi tại Quảng Nam. Ảnh: L.K.

Nhờ hoạt động tiêm phòng được triển khai đồng loạt, lựa chọn đúng thời điểm nên trong thời gian qua, các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại Quảng Nam được kiểm soát. So với các năm trước, những dịch bệnh phổ biến như dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng chỉ xuất hiện rải rác ở một vài địa phương, số lượng vật nuôi chết, buộc phải tiêu hủy không nhiều.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 12 ổ dịch tả lợn Châu Phi ở 12 xã, phường, thị trấn của 5 huyện với tổng số lợn mắc bệnh chết, tiêu hủy bắt buộc là 145 con. Bệnh cúm gia cầm (A/H5N1) chỉ có 1 ổ dịch tại huyện Hiệp Đức với 365 con chết, tiêu hủy. Đến nay, đã qua hơn 7 tháng không phát sinh thêm ổ dịch mới.

Đối với bệnh viêm da nổi cục, trong năm 2023, tỉnh Quảng Nam có 36 ổ dịch ở 35 xã, phường, thị trấn làm 180 con trâu, bò mắc bệnh. Trong đó, số trâu, bò chết, tiêu hủy bắt buộc là 18 con. Ngoài ra, bệnh lở mồm long móng, đến nay toàn tỉnh cũng chỉ có 123 con trâu, bò mắc bệnh, 3 con chết bắt buộc tiêu hủy.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, số lượng ổ dịch xuất hiện ít với tỷ lệ vật nuôi trên địa bàn tỉnh mắc bệnh giảm đã cho thấy hiệu quả của công tác tiêm phòng vacxin trong thời gian qua.

Hàng năm, tỉnh này đều chỉ đạo các địa phương triển khai 2 đợt tiêm phòng (đợt 1 từ tháng 2 đến tháng 3; đợt 2 từ tháng 9 đến tháng 10), đáp ứng đạt trên 80% tổng đàn. Đây là 2 thời điểm giao mùa, các loại mầm bệnh dễ phát sinh, lây lan.

“Đối với các địa phương đang có ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra, Chi cục cũng đôn đốc, hướng dẫn Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp phối hợp với Phòng NN-PTNT tham mưu UBND huyện chỉ đạo tiêm phòng bao vây khẩn cấp, phối hợp hướng dẫn UBND các xã xử lý dứt điểm các ổ dịch theo quy định.

Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, xử lý kịp thời, hạn chế dịch bệnh lây lan. Cùng với đó là phối hợp với các địa phương tăng cường lấy mẫu giám sát lưu hành virus nhằm sớm phát hiện mầm bệnh”, ông Hoàng nói.

Thời gian qua, Quảng Nam quyết liệt triển khai công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi nên nhiều loại dịch bệnh phổ biến được kiểm soát. Ảnh: L.K.

Thời gian qua, Quảng Nam quyết liệt triển khai công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi nên nhiều loại dịch bệnh phổ biến được kiểm soát. Ảnh: L.K.

Anh Nguyễn Xuân Hòa (trú thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) có 7 con bò và gần 30 con heo. Kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên đối với gia đình anh Hòa, đây là tài sản rất lớn. Nhận thức được hậu quả nghiêm trọng nếu dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi nên những năm qua, hầu như năm nào anh Hòa cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tiêm phòng cho đàn bò, heo của nhà mình.

"Mỗi năm, tôi đều thực hiện tiêm phòng 2 đợt vacxin lở mồm long móng cho bò và dịch tả lợn cổ điển. Ngoài ra, còn thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng để tránh dịch bệnh phát sinh, lây lan. Nhờ vậy mà đàn heo, bò của tôi mấy năm qua luôn an toàn, kinh tế gia đình không bị ảnh hưởng”, anh Hòa chia sẻ.

Ngoài ý thức phòng trừ dịch bệnh của các hộ chăn nuôi thì lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, thời gian qua, ngành chuyên môn cũng đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính quyền địa phương cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai nhiều biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh. Do đó, đến nay, các bệnh dịch trên đàn vật nuôi của tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, không lây lan rộng.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước luôn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh lớn, chăn nuôi quy mô nông hộ chiếm đa số, công tác kiểm soát giết mổ tại các địa phương chưa được thực hiện đồng bộ… Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian đến rất cao.

Do đó, ông Bửu yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, động vật thủy sản. Kịp thời phát hiện tồn tại, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục đảm bảo đạt hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Công tác giám sát lâm sàng dịch bệnh thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt đối với đàn gia súc, gia cầm mới nuôi và trong vùng có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm ca bệnh, kịp thời khoanh vùng, xử lý dịch bệnh, hạn chế dịch bệnh lây lan.

Trường hợp có dịch xảy ra, phải thực hiện công tác điều tra ổ dịch, xử lý ổ dịch, tổ chức tiêm phòng khẩn cấp (đối với các loại dịch bệnh có vacxin tiêm phòng) và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

"Thời gian tới cần đẩy mạnh công tác xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh phù hợp với quy định tại Thông tư số 24 của Bộ NN-PTNT và tình hình thực tế của tỉnh. Hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân có tiềm năng xây dựng các chuỗi sản xuất các sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; thực hiện việc duy trì điều kiện của cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh sau khi được cấp chứng nhận", ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu.

 
Bình luận