Cần loại vacxin FMD bảo hộ rộng
Là doanh nghiệp có thị phần vacxin phòng bệnh lở mồm long móng type O top đầu Việt Nam, ông có thể chia sẻ thực trạng nguồn cung ứng vacxin FMD hiện nay?
Bệnh lở mồm long móng được Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) xếp hạng vào bệnh nguy hiểm loại A và trên thế giới, hiện có nhiều công ty sản xuất vacxin lở mồm long móng.
Tại Việt Nam, Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Cục Thú y đã mở cửa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu vacxin. Từ năm 2017, Amavet nhập khẩu, phân phối vacxin Aftogen Oleo O1 Campos của Công ty Biogenesis Bago Argentina.
Đây là sản phẩm được đánh giá có chất lượng đứng top đầu về khả năng phòng bệnh lở mồm long móng trên thế giới, được chính phủ Canada, Mỹ mua dữ trữ. Điều này cho thấy, loại vacxin này có uy tín lớn khi được nhiều nước tiến tiến tin chọn.
Chủng virus type O lưu hành ở Việt Nam khá nhiều và đa dạng, việc lựa chọn vacxin có sự tương thích và khả năng bảo hộ cao có phải điều kiện quan trọng nhất để phòng, chống hiệu quả bệnh lở mồm long móng không thưa ông?
Đối với bệnh lở mồm long móng, nhất là type O, hiện có rất nhiều topotype như: O/SEA/Mya-98, O/Cathay, O/ME-SA/PanAsia, O/India2001d,e. Do đó, để bảo hộ được cần loại vacxin có khả năng bảo hộ được hết 4 topotype trên.
Tuy nhiên, không phải loại vacxin nào cũng có khả năng đó, đa phần mỗi loại vacxin chỉ có thể bảo hộ được 1 hoặc 2 đến 3 trong 4 topotype này. Khi doanh nghiệp, nông dân, hộ chăn nuôi tiêm sẽ không đạt được hiệu quả cao nhất, vẫn tồn tại rủi ro khiến dịch bùng phát, lây lan gây thiệt hại.
Rất mừng là vacxin Aftogen Oleo O1 Campos, ngoài những tiêu chí về vô trùng, an toàn có có khả năng bảo hộ hết 4 topotype O gây bệnh. Đó cũng chính là một trong những lý do để loại vacxin này hiện có thị phần số 1 tại Việt Nam.
Vai trò chủ động của địa phương rất quan trọng
Thực tiễn cho thấy, có những địa phương kiểm soát dịch lở mồm long móng rất tốt nhưng cũng có những tỉnh, thành hầu như năm nào cũng bùng phát dịch. Từ thực tế đồng hành với các địa phương, doanh nghiệp của Amavet, theo ông đâu là khó khăn mấu chốt?
Amavet bắt đầu phân phối vacxin từ năm 2017, thời điểm lở mồm long móng đang ở đỉnh dịch, đến nay đã được 6 năm, tôi thấy có mấy vấn đề cần được xem xét.
Đầu tiên, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng, giai đoạn 2021 - 2025, Cục Thú y cũng chỉ đạo rất quyết liệt các tỉnh, thành triển khai tiêm phòng lở mồm long móng và các địa phương đã trích ngân sách để mua vacxin tiêm phòng cho đàn chăn nuôi, đặc biệt là đàn trâu, bò.
Cùng với đó, có nhiều loại vacxin phòng bệnh lở mồm long móng đang lưu hành ở Việt Nam, tuy nhiên, dịch bệnh vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, theo tôi, có hai nguyên nhân chính:
Thứ nhất, lực lượng thú y cấp huyện, xã ở địa phương còn mỏng nên công tác triển khai tiêm phòng gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, ý thức tiêm phòng của người chăn nuôi chưa cao. Trong đó, người chăn nuôi trâu, bò gần như chưa có ý thức chủ động tiêm phòng vacxin, người chăn nuôi heo chỉ tiêm phòng theo mùa vụ.
Do đó, để khống chế dịch bệnh này, việc đầu tiên là cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan chức năng, đồng thời đẩy mạnh công tác triển khai tiêm phòng và nâng cao ý thức cho người chăn nuôi. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trên mới hy vọng thanh toán thành công dịch lở mồm long móng.
Tôi xin nêu một ví dụ về một trong những tỉnh khống chế được dịch lở mồm long móng hiệu quả là Hà Giang.
Trước năm 2017, Hà Giang gần như “đến hẹn lại lên”, cứ đến mùa đông xuân, dịch lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh lại xảy ra. Tuy nhiên, từ khi Hà Giang triển khai tiêm vacxin Aftogen Oleo của Amavet phân phối, tỉnh cơ bản đã khống chế được dịch bệnh này.
Từ bài học của Hà Giang, tôi thấy có hai kinh nghiệm có thể rút ra. Đó là Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Giang đã chỉ đạo sâu sát từ trên xuống tận các bản làng về vấn đề tiêm phòng vacxin. Đây là vấn đề mấu chốt quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh.
Vacxin Aftogen Oleo được Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Giang lựa chọn có khả năng bảo hộ rất tốt các topotype lở mồm long móng. Hai yếu tố này giúp Hà Giang kiểm soát tốt dịch bệnh từ năm 2017 đến nay. Như vậy, vai trò chủ động của hệ thống thú y cơ sở rất quan trọng, đặc biệt là khâu lựa chọn loại vacxin.
Bài học thanh toán thành công bệnh FMD của Đài Loan
Vậy ông đánh giá việc lựa chọn lấy mẫu trước và sau khi tiêm vacxin FMD trên các mẫu vật nuôi hiện đã được chú trọng hay chưa, có cần thêm cơ chế nào không?
Dịch lở mồm long móng type O ở Việt Nam hiện xuất hiện 4 topotype gây bệnh. Việc xác định type gây bệnh trên toàn tỉnh rất khó, bởi có thể hôm nay đàn vật nuôi bị topotype này nhưng mai lại là topotype khác.
Cho nên, để đảm bảo chắc chắn khống chế dịch bệnh ở một tỉnh nào đó, việc quan trọng nhất là lựa chọn được loại vacxin có thể bảo hộ được cả 4 topotype gây bệnh đang lưu hành. Điều đó giúp tăng tính an toàn kiểm soát dịch bệnh của vacxin lên cao nhất.
Ngoài ra, việc triển khai tiêm phòng nhanh chóng, đúng thời điểm và tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 70% cũng là yếu tố quan trọng để khống chế dịch lở mồm long móng. Tôi khuyến cáo các tỉnh nên lựa chọn những loại vacxin có khả năng bao phủ rộng lớn.
Khi triển khai vacxin đến các địa phương hay chuồng trại, Amavet đều giám sát, lấy mẫu máu sau tiêm phòng và đánh giá khả năng bảo hộ bằng phản ứng diogen. Đặc biệt, phản ứng trung hòa kháng thể để chứng minh cho người sử dụng thấy vacxin Amavet phân phối có khả năng bảo hộ tất cả các loại topotype lở mồm long móng.
Việt Nam là nước có ngành chăn nuôi phát triển, tuy nhiên, để xuất khẩu thịt trâu, bò, heo còn gặp thách thức mấu chốt, cố hữu là chưa thanh toán được các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng.
Để làm được đó, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và toàn dân, gồm: Chính sách của Chính phủ, chỉ đạo của các cơ quan chuyên ngành, đặc biệt là ý thức tiêm phòng của người dân. Đất nước nào còn lở mồm long móng sẽ không được xuất khẩu thịt động vật, do đó, kiểm soát dịch bệnh có vai trò quyết định đến việc đưa thực phẩm Việt Nam ra thế giới.
Kinh nghiệm từ một số nước đã thanh toán được loại dịch bệnh này cho chúng ta thấy nhiều bài học phong phú. Điển hình Đài Loan (Trung Quốc), đến ngày hôm nay đã loại trừ thành công dịch lở mồm long móng từ năm 2018.
Năm 1997, Đài Loan bắt đầu xuất hiện dịch lở mồm long móng, khi dịch bệnh bùng phát, việc đầu tiên, họ kiểm tra lại hiệu lực của vacxin, loại bỏ các loại vacxin không phù hợp và lựa chọn vacxin có khả năng bảo hộ chủng gây bệnh trên cả hòn đảo.
Lúc đó, Đài Loan đã lựa chọn Công ty Biogenesis Bago Argentina có sản phẩm vacxin Aftogen oleo và triển khai tiêm phòng trên toàn quốc. Đài Loan lựa chọn và duy trì duy nhất một loại vacxin này từ năm 1997. Kết quả là đến năm 2018, Chính phủ tuyên bố đã thanh toán xong dịch bệnh lở mồm long móng.
Hiện nay, Đài Loan đã xuất khẩu heo giống, trâu, bò giống đi nhiều nước trên thế giới. Bài học từ Đài Loan cho thấy, khi đã khống chế được dịch lở mồm long móng sẽ tạo nhiều thuận lợi cho ngành chăn nuôi và tạo điều kiện giảm chi phí cho người chăn nuôi rất nhiều.
Bài học kinh nghiệm của nhiều quốc gia thanh toán thành công bệnh lở mồm long móng cho thấy việc xác định loại virus lưu hành và lựa chọn vacxin đóng vai trò quan trọng hàng đầu và phải duy trì thường xuyên có đúng không, thưa ông?
Dịch bệnh lở mồm long móng diễn biến rất phức tạp, cơ quan thú y cần giám sát chặt chẽ để đưa ra các khuyến cáo cho người chăn nuôi kịp thời, nhất là trong việc lựa chọn vacxin. Nên lựa chọn loại vacxin có hàm lượng kháng nguyên cao trong kiểm soát dịch bệnh.
Một trong những yếu tố tiên quyết là Cục Thú y thường xuyên đưa ra các khuyến cáo cho bà con chăn nuôi và tăng cường kiểm tra đánh giá hiệu lực của các loại vacxin đang lưu hành tại Việt Nam.
Nếu có thể, kiến nghị Cục Thú y đưa ra các khuyến cáo rõ ràng, công khai, minh bạch về khả năng bảo hộ của từng loại vacxin để người chăn nuôi hiểu và lựa chọn loại vacxin hiệu quả nhất.
"Hiện nay, nhiều người chăn nuôi chưa hiểu hết về các loại vacxin, bà con chỉ đơn giản nghĩ là mua vacxin về tiêm nhưng vẫn bị xảy ra dịch mà không biết nguyên nhân tại sao. Do đó, việc đưa ra khuyến cáo công khai cho từng loại vacxin là rất cần thiết, thậm chí cần dũng cảm vì lợi ích chung để loại bỏ những loại vacxin không còn khả năng bảo hộ, giảm tổn thất và rủi ro cho người chăn nuôi", ông Nguyễn Văn Bách nhấn mạnh.