Lâm Đồng: Sơ kết 05 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp và 02 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy

Bình luận · 246 Lượt xem

Chiều ngày 05/11/2018, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh tổ chức “Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và 02 năm triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy v


Toàn cảnh hội nghị

Chủ trì Hội nghị gồm các đồng chí: Phạm S – UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Việt – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Nguyễn Văn Sơn – TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng; và sự tham dự của các đại biểu là các đồng chí lãnh đạo các Sở, ngành, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh, các công ty, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác sản xuất tiêu biểu trên địa bàn.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Nông thôn đã trình bày Báo cáo tóm tắt sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và 02 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại. Theo đó, sau 5 năm (2013-2018), tốc độ tăng trưởng của ngành bình quân đạt 5,5%/năm, cơ cấu ngành nông nghiệp đạt 46,8%, giá trị sản xuất bình quân đạt 163 triệu đồng/ha/năm, tăng 33,6% so với năm 2013; Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp là trồng trọt 80,8%, chăn nuôi 15,5%, dịch vụ 3,7%; Năng suất cây trồng tăng bình quân 3-5%/năm, điển hình cà phê tăng 3,1%, rau tăng 4,8%, hoa tăng 3,7%; Diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 54.477 ha chiếm 19,5% diện tích canh tác; Tốc độ tăng đàn gia súc, gia cầm bình quân đạt 5,2%/năm, riêng đàn bò sữa tăng 22%/năm; Có 87 xã và 02 huyện đạt chuẩn NTM; Việc tổ chức sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại, phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng trưởng nhanh và ổn định…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện các chỉ tiêu tái cơ cấu ngành và Nghị quyết 05-NQ/TU. Bên cạnh đó, đồng chí cũng nhấn mạnh một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục như: Việc ứng dụng công nghệ chỉ tập trung một số cây trồng chính mà chưa phát triển toàn diện; Quản lý vật tư nông nghiệp còn hạn chế, gây thiệt thòi cho người dân; Số chuỗi liên kết sản xuất an toàn 120 chuỗi và tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ qua hợp đồng mới chỉ đạt 38%; Đóng góp từ kinh tế rừng cho kinh tế chung của tỉnh còn rất thấp… Trên cơ sở đó, đồng chí Phạm S nhấn mạnh một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, như: Cần xác định nội dung Tái cơ cấu phù hợp với từng địa phương trong tỉnh; Phát huy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy nhanh phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển nông nghiệp hữu cơ; Rà soát đánh giá nông sản an toàn; Đẩy mạnh tỷ trọng ngành chăn nuôi; Đẩy mạnh trồng rừng, trồng cây phân tán; Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế…

Nhân dịp này, tại Hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen; cùng với đó, 08 tập thể, 05 cá nhân và 01 hộ gia đình được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vì đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2013 – 2018./.

Văn Thọ (TTKN Lâm Đồng)

Bình luận