Chăn nuôi an toàn sinh học ở Vĩnh Phúc [Bài 1]: Xã có hơn 1 triệu con gà

Bình luận · 198 Lượt xem

Với tổng đàn nuôi ổn định khoảng 1,3 -1,4 triệu con, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo được xem là thủ phủ gà thịt lớn nhất tỉnh Vĩnh Phúc.

Cuộc cách mạng chăn nuôi an toàn sinh học ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Cuộc cách mạng chăn nuôi an toàn sinh học ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

"Bảo bối" của nghề chăn nuôi gà thịt

Bà Phùng Thị Vĩ, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tam Đảo gọi xã Tam Quan là “quả tim” của chăn nuôi huyện Tam Đảo.

Với đặc thù của một địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch và nông nghiệp, từ nhiều năm trước, nghề chăn nuôi gà thịt đã trở thành kinh tế mũi nhọn ở nhiều địa phương thuộc huyện Tam Đảo, đặc biệt là xã Tam Quan.

Nếu như cả huyện Tam Đảo thường xuyên duy trì tổng đàn gà khoảng từ 1,6 đến 1,7 triệu con, chỉ riêng Tam Quan đã chiếm từ 1,3 đến 1,4 triệu con mỗi năm.

Theo thống kê, hiện cả xã Tam Quan có khoảng 1.700 hộ dân chăn nuôi gà, trong đó có hơn 150 mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại.

“Những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên gần như người chăn nuôi gà ở Tam Đảo nói chung và xã Tam Quan nói riêng không còn sợ dịch bệnh nữa”, bà Vĩ nói trên đường đưa tôi xuống thủ phủ gà thịt lớn nhất tỉnh Vĩnh Phúc.

Nghề nuôi gà thịt ở xã Tam Quan. Ảnh: Hoàng Anh.

Nghề nuôi gà thịt ở xã Tam Quan. Ảnh: Hoàng Anh.

Xã Tam Quan nằm ngay dưới chân dãy núi Tam Đảo, điều kiện đất đai, khí hậu rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi gà. Đã từng có thời điểm gần như cả xã Tam Quan đều nuôi gà. Từ quy mô nông hộ, trang trại, hợp tác xã đến chăn nuôi liên kết, gia công cho các tập đoàn lớn…

Nói đến nghề nuôi gà thịt ở tỉnh Vĩnh Phúc là nói đến xã Tam Quan và ngược lại. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài tình trạng chăn nuôi theo kiểu tự phát, việc kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn, vacxin chưa được chú trọng nên có những giai đoạn người chăn nuôi ở xã Tam Quan lao đao vì dịch bệnh, thậm chí có nhiều gia đình còn phá sản vì gà.

Đặc biệt, bài toán chất thải trong chăn nuôi cũng luôn là vấn đề nhức nhối. Phân gà thải ra không có cách nào xử lý khiến việc phát triển nghề nuôi gà ở Tam Quan gặp nhiều khó khăn.

Khoảng năm 2015 trở lại nay, nhờ thay đổi tư duy, áp dụng các giải pháp chăn nuôi mới đặc biệt  là quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, không ít gia đình ở xã thủ phủ gà Tam Quan đổi đời, trở thành tỷ phú.

Anh Nguyễn Duy Hiển (bên phải), chủ trại gà lớn nhất Làng Mạ. Ảnh: Hoàng Anh.

Anh Nguyễn Duy Hiển (bên phải), chủ trại gà lớn nhất Làng Mạ. Ảnh: Hoàng Anh.

Vào giai đoạn cao điểm, khu chuồng nuôi rộng hơn 1.000m2 của gia đình anh Nguyễn Duy Hiển và chị Nguyễn Thị Thanh Loan ở thôn Làng Mạ, xã Tam Quan nuôi khoảng 1,3 đến 1,5 vạn gà. Mỗi năm nuôi 3 lứa, mỗi lứa kéo dài tầm 4 tháng, bao gồm cả gà mía và gà ta lai, bình quân những năm gần đây gia đình anh Hiển nuôi khoảng 2,5 vạn gà mỗi năm.

Năm nay, do ảnh hưởng của giá thức ăn chăn nuôi cao, giá gà thấp nên từ đầu năm đến cuối tháng 8 trung bình mỗi tháng gia đình anh Hiển lỗ từ 15-20 triệu đồng. Nhưng thời điểm này giá gà đang từ 70-90 nghìn đồng/kg tuỳ loại, dự kiến lãi từ 40-50 triệu đồng/1.000 con gà. Từ giờ đến tết nếu thuận lợi trại gà nhà anh Hiển có thể lãi 500 – 700 triệu đồng.

“Nghề nuôi gà bây giờ chủ yếu lo vấn đề giá đầu vào, đầu ra, còn dịch bệnh gần như không phải lo gì vì người dân rất chú trọng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học”, anh Hiển chia sẻ.

Từ giờ đến tết nếu thuận lợi trại gà nhà anh Hiển có thể lãi 500 - 700 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Anh.

Từ giờ đến tết nếu thuận lợi trại gà nhà anh Hiển có thể lãi 500 - 700 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Anh.

Vốn là người năng động, dám nghĩ dám làm nên anh Hiển là người tiên phong ở xã Tam Quan chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học.

Trên diện tích đất đồi của gia đình, hai vợ chồng đầu tư xây dựng hai khu chuồng trại theo kiểu chuồng kín, có hệ thống máng ăn, máng uống và làm mát tự động.

Vừa kết hợp nuôi chuồng kín vừa phát triển đàn gà thả đồi và sử dụng các biện pháp an toàn sinh học, đến nay đàn gà gia đình anh Hiển đều đặn cho thu nhập, không hề gặp phải rủi ro nào.

Giải pháp đầu tiên để bảo vệ đàn gà là vacxin. Bình quân một lứa gà của gia đình anh Hiển phải tiêm và cho uống từ 9-12 lần vacxin, tuỳ vào khuyến cáo của cán bộ thú y cơ sở.

Tiếp theo đó là giải pháp vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng. Đảm bảo cách ly, kiểm soát vào ra, khử trùng đối với khu vực chăn nuôi và cả con giống, các phương tiện vận chuyển, thức ăn, nước uống…

Đặc biệt, anh Hiển cũng là người đầu tiên ở xã Tam Quan sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học để xử lý các vấn đề về môi trường, dịch bệnh và tận dụng nguồn phân bón cho cây trồng hoặc bán cho các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.

Nhờ xây dựng chuỗi kinh tế tuần hoàn gắn kết giữa chăn nuôi, trồng trọt, nguồn phân gà của trang trại anh Hiển hiện liên kết, xuất bán đều đặn cho các trang trại trồng su su, trồng hoa ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mê Linh (Hà Nội), Sa Pa (Lào Cai)…

Sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học để xử lý các vấn đề về môi trường, dịch bệnh. Ảnh: Hoàng Anh.

Sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học để xử lý các vấn đề về môi trường, dịch bệnh. Ảnh: Hoàng Anh.

“Hạch toán hiệu quả kinh tế khi khi nuôi 1.000 con gà lông màu thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót cho hiệu quả kinh tế tăng hơn 13% so với các mô hình không sử dụng. Ngoài ra vấn đề môi trường cũng được đảm bảo hơn.

Trước đây, các mô hình chăn nuôi gà thường gặp khó khăn trong vấn đề xử lý chất thải, mùi hôi nay nhờ chế phẩm vi sinh đã có thể xử lý gần như triệt để”, anh Hiển phấn khởi.

Ông Trần Văn Điệp, cán bộ Chăn nuôi, Thú y xã Tam Quan chia sẻ thêm, đến thời điểm hiện tại gần như toàn bộ các mô hình chăn nuôi gà quy mô từ 1.000 con trở lên đều sử dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và dùng chế phẩm vi sinh làm đệm lót.

Đây chính là cơ sở để thủ phủ gà thịt Tam Quan hướng đến mục tiêu chăn nuôi gà bền vững theo chuỗi và xây dựng thương hiệu Gà Tam Đảo. Tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Tam Đảo hiện đang có các chính sách hỗ trợ để các hộ chăn nuôi đăng ký chất lượng VietGAP, sản phẩm OCOP, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm nâng cao giá trị cho người chăn nuôi ở Tam Quan.

"Nhờ các chính sách hỗ trợ chăn nuôi an toàn sinh học và xây dựng thương hiệu sản phẩm, nghề chăn nuôi gà thịt đang có sự chuyển dịch cả về quy mô và chất lượng để trở thành kinh tế chủ lực của người dân xã Tam Quan”, ông Điệp nói.

Xây dựng thương hiệu Gà Tam Đảo. Ảnh: Hoàng Anh.

Xây dựng thương hiệu Gà Tam Đảo. Ảnh: Hoàng Anh.

Hướng đi bền vững của chăn nuôi gà ở Vĩnh Phúc

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 – 2025 xác định 3 loại vật nuôi chủ lực là bò, lợn và gà.

Trong đó tổng đàn gà của tỉnh hiện nay đã vượt 12,5 triệu con, đảm bảo mục tiêu đề ra. Chính vì vậy giải pháp chính của chăn nuôi gà ở Vĩnh Phúc giờ đây không phải là tăng đàn mà sẽ tập trung vào biện pháp an toàn sinh học, giải quyết vấn đề môi trường, bảo vệ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học giai đoạn 2021 -2023, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đã hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm để làm đệm lót sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi gà với mức tương ứng 1.000 đồng/1 con gà.

Đến nay, qua rà soát 100/105 xã, phường, thị trấn thực hiện với 8.812 hộ gia đình đã có 21,5 triệu con gà trong các mô hình chăn nuôi đảm bảo theo quy trình an toàn sinh học.

Hướng đi bền vững của nghề chăn nuôi gà ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Hướng đi bền vững của nghề chăn nuôi gà ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

“Thực tế cho thấy các mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học đã chứng minh được hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội. Đây chắc chắn sẽ là hướng đi của chăn nuôi gà nói riêng và chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới”, ông Lê Xuân Công khẳng định.

Theo ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi đã mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi của tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, tạo việc làm tại chỗ cho người nông dân và nâng cao thu nhập.

Bên cạnh đó, thông qua chương trình hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học đã nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người sản xuất về giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Đặc biệt, hiệu quả rõ ràng nhất của chăn nuôi an toàn sinh học là giải quyết những bất cập về môi trường do chăn nuôi gây ra. Với tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm không theo quy trình kỹ thuật, không kiểm soát gây thiệt hại kinh tế, môi trường và xã hội như lây lan mầm bệnh, tạo thành dịch bệnh ra diện rộng trong vùng, thậm chí có những bệnh còn lây sang cả người.

Áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp khu vực chăn nuôi được vệ sinh sạch sẽ, chuồng nuôi sử dụng đệm lót sinh học đã tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm.

Trở lại với mô hình chăn nuôi gà của gia đình anh Hiển ở Tam Quan, ông chủ trang trại tươi cười: Trước đây vào chuồng gà xong không dám đi đâu, nhưng nay nhờ chăn nuôi an toàn sinh học chăm gà xong có thể đi ăn cỗ luôn mà không cần thay quần áo.

Bình luận