Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương tăng tốc sản xuất vụ đông xuân

Bình luận · 188 Lượt xem

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung chỉ đạo, tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế, các tỉnh thành Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong vụ đông xuân 2023-2024 cho phù hợp, để

Những kết quả đáng ghi nhận

 

Bộ NNPTNT vừa phối hợp UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu năm 2023; triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023–2024 vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.

 

Theo Bộ NNPTNT, vụ hè thu 2023, diện tích gieo trồng vụ toàn khu vực hơn 266.000ha, năng suất ước đạt 60,42 tạ/ha với sản lượng trên 1,6 triệu tấn, tăng 34.000 tấn so với vụ hè thu năm 2022.

 

"Nếu cần thiết, lãnh đạo Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo Cục Thủy lợi và Cục Trồng trọt thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá và hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông xuân sát sao, phù hợp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất".

 

Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ NNPTNT

 

Về cây công nghiệp, cây ăn quả, các địa phương đã duy trì được diện tích hiện có, đảm bảo về sản lượng đạt và tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt là các cây công nghiệp lớn như cà phê, hồ tiêu, cao su…

 

Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên đã hình thành được các vùng chuyên canh nông nghiệp tập trung. Đây là bước tiến quan trọng để từng bước hình thành các vùng sản xuất lớn, sản phẩm đồng đều, chất lượng phục vụ được những thị trường khó tính.

 

Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), trong vụ hè thu vừa qua, các cơ quan thuộc Bộ và các địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong nắm bắt tình hình và chỉ đạo sản xuất, đưa ra các giải pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả; góp phần chủ động trong khắc phục diễn biến bất thường của khí hậu, dịch hại và đảm bảo kế hoạch sản xuất.

 

Qua theo dõi, các tỉnh, thành trong khu vực cũng thực hiện tốt khung lịch thời vụ theo khuyến cáo, chỉ đạo xuống giống khá tập trung, nhanh gọn. Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa cho năng suất và hiệu quả cao như: ngô, lạc, vừng, rau đậu các loại...

 

Nhiều tồn tại cần được khắc phục

 

Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, vụ hè thu vừa qua, do thiếu sự quy hoạch tập trung, đầu tư hệ thống thủy lợi tưới tiêu nước và các chính sách hỗ trợ chuyển đổi... dẫn đến việc phát triển, nhân rộng mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo giảm khối lượng hạt giống lúa gieo sạ trên một đơn vị diện tích, nên xu hướng giảm lượng giống lúa gieo sạ còn chậm; các tiến bộ kỹ thuật canh tác để giảm giá thành sản xuất lúa và các cây trồng khác, chưa được đẩy mạnh áp dụng.

 

Việc nhân rộng các cánh đồng lớn theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn chậm, tỷ lệ thực hiện còn thấp so với diện tích gieo trồng.

 

Tổ chức đại diện cho nông dân (như HTX) năng lực còn hạn chế, thiếu sự chủ động tìm liên kết tiêu thụ đầu ra nên việc ký kết hợp đồng, liên kết sản xuất theo chuỗi gặp trở ngại khi mở rộng diện tích và tiêu thụ, chưa thật sự là cầu nối vững chắc liên kết với các doanh nghiệp…

 

Về các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất trong vụ hè thu 2023, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) bày tỏ, biến đổi khí hậu đã tác động làm thay đổi hệ sinh thái nông nghiệp, đồng thời người dân sản xuất chạy theo thị trường, nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng tự phát, tạo điều kiện cho các đối tượng sinh vật gây hại mới nổi phát sinh, gia tăng gây hại, gây khó khăn cho công tác theo dõi và chỉ đạo phòng trừ.

 

Ở một số địa phương, công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn nhiều bất cập; công tác xử lý vi phạm mã số tại các địa phương vẫn còn lúng túng, xử lý chưa quyết liệt.

 

Đề phòng thời tiết cực đoan

 

Ông Võ Anh Kiệt - Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung bộ cảnh báo, cần hết sức đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn trong thời gian ngắn, bão mạnh và lũ lụt... trong giai đoạn các tháng cuối năm. Các trận lũ lớn kết hợp với triều cường sẽ gây ngập lụt các vùng ven sông, vùng trũng, vùng đồng bằng, ảnh hưởng đến công tác gieo trồng. Ngoài ra, do tác động của El Nino, lượng mưa thiếu hụt có thể dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu mùa khô năm 2024.

 

Tình trạng vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm vẫn còn tiếp diễn. Việc gian lận, mạo danh mã số diễn ra gây khó khăn cho công tác quản lý, làm mất an ninh trật tự...

 

Cần có sự chủ động hơn

 

Theo Bộ NNPTNT, kế hoạch trong vụ đông xuân năm 2023-2024, toàn vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ dự kiến sản xuất khoảng 406.000ha, năng suất bình quân gần 66 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt khoảng 2,7 triệu tấn thóc, tăng 0,27 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2022-2023.

 

Về nguồn nước phục vụ sản xuất, theo Cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), hiện dung tích trữ nước của các hồ chứa trong vùng trung bình đạt 93,1% dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng 2,6%.

 

Ông Võ Văn Kiệt - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ thông tin, ngoài hiện tượng El Nino, từ nay đến hết năm 2023 khả năng có từ 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới đất liền khu vực Trung bộ và Tây Nguyên. Tổng lượng mưa ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên trong những tháng cuối năm ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%; những tháng đầu năm 2024 thấp hơn từ 10-30%.

 

Trên cơ sở những dự báo, phân tích của các cơ quan chuyên môn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung cho rằng, trong năm 2024, đặc biệt là vụ đông xuân 2023-2024, các địa phương trong khu vực cần tiếp tục chỉ đạo bám sát kế hoạch đề ra, bảo đảm các sản lượng cung ứng đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu; phấn đấu bằng và vượt so với năm trước.

 

Các cơ quan chuyên môn của Bộ sẽ cùng với các địa phương rà soát, chỉ đạo để đảm bảo vụ đông xuân 2023-2024 cũng như hoạt động sản xuất các loại cây công nghiệp, cây ăn trái đạt mục tiêu thắng lợi toàn diện.

 

Thứ trưởng cũng nhận định, hiện tượng El Nino vẫn tiếp tục kéo dài, do đó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, trồng trọt của các địa phương trong thời gian tới.

 

Vì thế Bộ NNPTNT chỉ đạo cho Cục Trồng trọt và Cục Thủy lợi cùng bàn thảo, để có phương án phù hợp trên cơ sở các dự tính, dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn. Từ đó chủ động các nguồn nước; chất lượng nước và điều tiết việc tưới tiêu một cách hiệu quả nhất và phù hợp với quy mô, kế hoạch sản xuất của từng tỉnh.

 

Bình luận