Đưa nước vượt sông, đánh thức nông nghiệp vùng biên

Bình luận · 428 Lượt xem

Nhờ hệ thống đường ống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông, tiềm năng nông nghiệp các vùng biên giới của Tây Ninh được đánh thức, hứa hẹn triển vọng phát triển nông nghiệp.

Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông - niềm tự hào của ngành thủy lợi Tây Ninh. Ảnh: Lê Bình.

Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông - niềm tự hào của ngành thủy lợi Tây Ninh. Ảnh: Lê Bình.

Năm 2018, dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (gọi tắt: dự án nước vượt sông Vàm Cỏ Đông) được khởi công. Sau 5 năm, giai đoạn 1 của dự án cơ bản được hoàn thành, bước đầu giúp hai huyện biên giới của Tây Ninh “thay da đổi thịt”.

Dự án đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông dài gần 17km, có lưu lượng thiết kế là 14,81m3/s; trong đó, công trình vượt sông Vàm Cỏ Đông có chiều dài gần 2,4km, kết cấu bằng ống thép đường kính 2D2,4m… với tổng vốn đầu tư 1.148 tỷ đồng.

Các kênh tưới chính và kênh cấp 1 có chiều dài trên 101km, phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu gần 17.000 ha đất nông nghiệp và cấp nước công nghiệp, sinh hoạt, chăn nuôi với lưu lượng 1m3/giây.

Đánh giá về vai trò của công trình này, ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh kỳ vọng, công trình sẽ được sử dụng phục vụ đa mục tiêu, vừa cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, vừa phục vụ cho sản xuất công nghiệp. 

Ông Trần Văn Chiến (bìa trái), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khảo sát công trình đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông hồi tháng 3/2023. Ảnh: Lê Bình.

Ông Trần Văn Chiến (bìa trái), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khảo sát công trình đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông hồi tháng 3/2023. Ảnh: Lê Bình.

"Trong sản xuất nông nghiệp, nguồn nước đóng vai trò quan trọng số một. Giải được bài toán về nước sẽ góp phần đưa sản xuất nông nghiệp khởi sắc. Công trình đưa nước vượt sông này đã trở thành điểm nhấn, góp phần thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại những vị trí có tuyến kênh đi qua", ông Chiến nhấn mạnh.

Từ mảnh đất Bến Cầu khô cằn, nhờ chủ trương đầu tư hệ thống đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông, hệ thống chuồng nuôi bò sữa của Vinamilk với hàng nghìn cá thể hình thành. Kéo theo đó, không gian xanh mát trải rộng hàng trăm hecta, bao bọc bởi những đồng cỏ và bắp sinh khối mọc lên nhằm phục vụ đàn bò sữa.

Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành phát triển vùng nguyên liệu Vinamilk cho hay, định hướng đầu tư trang trại quy mô lớn này tại huyện Bến Cầu đến từ việc nắm bắt chủ trương của UBND tỉnh Tây Ninh đầu tư công trình thủy lợi.

"Chăn nuôi bò sữa cần rất nhiều nước. Chúng tôi cũng cần nguồn nước dồi dào để trồng vùng nguyên liệu, liên kết với người dân trồng bắp sinh khối để bao tiêu làm thức ăn cho bò… Do đó, hệ thống nước vượt sông Vàm Cỏ Đông cũng giúp ích rất nhiều cho chúng tôi trong việc đầu tư, phát triển trang trại bò sữa tại huyện Bến Cầu”, ông Trịnh Quốc Dũng chia sẻ tại cuộc tiếp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh.

Nhờ dự án đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông, Vinamilk thuận lợi hơn trong việc chăn nuôi bò sữa và tạo sinh kế cho người dân Bến Cầu khi liên kết trồng, tiêu thụ bắp sinh khối. Ảnh: Lê Bình.

Nhờ dự án đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông, Vinamilk thuận lợi hơn trong việc chăn nuôi bò sữa và tạo sinh kế cho người dân Bến Cầu khi liên kết trồng, tiêu thụ bắp sinh khối. Ảnh: Lê Bình.

Ông Trần Văn Đức (ngụ tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu) chia sẻ, nhờ có hệ thống thủy lợi này mà giếng bơm nhà ông không còn bị hụt nước ngầm như lâu nay. Nhờ đó, năng suất cây trồng của gia đình ông Đức và bà con tại xã Long Phước được cải thiện rõ rệt.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, việc đầu tư xây dựng mới hệ thống tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2 kiên cố hóa kênh chính, kênh cấp 1,2,3 và kênh tiêu nhằm phát huy tối đa hiệu quả cấp nước tưới tự chảy cho diện tích gần 17.000 ha đất nông nghiệp.

"Việc kiên cố hóa kênh ở giai đoạn 2 là điều cần thiết bởi kênh được bê tông hóa sẽ hạn chế tối đa việc thất thoát nước, hạn chế tình trạng hư hỏng bờ kênh. Dự án còn thực hiện chức năng cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi với lưu lượng 1m3/giây, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nâng cao chất lượng đời sống người dân khu vực này”, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh chia sẻ.

Bình luận