Xây dựng mô hình nuôi tằm thương phẩm bền vững tại Lâm Đồng

Bình luận · 211 Lượt xem

Để phát triển dâu tằm tơ theo hướng bền vững, ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, từ nguồn vốn Khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã xây d??

Hiện nay, diện tích trồng dâu tằm của tỉnh Lâm Đồng là 9.882 ha, tăng 2.475 ha (tăng 33,4%) so với năm 2018 (7.407 ha), với khoảng trên 15.000 hộ trồng dâu nuôi tằm,… diện tích trồng dâu tăng chủ yếu do chuyển đổi từ một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển trồng dâu, nuôi tằm có hiệu quả kinh tế cao hơn. Sản lượng lá dâu ước đạt 250.398 tấn, các giống dâu lai cho năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất chăn nuôi tằm, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của tỉnh dần thay thế các giống dâu cũ như S7-CB, VA-201, TBL-03, TBL-05. Sản lượng kén tằm ước đạt 14.867 tấn, sản lượng tơ tằm ước đạt 2.117 tấn.

Toàn tỉnh có trên 200 cơ sở nuôi tằm con tập trung; có trên 150 cơ sở thu mua thu mua kén tằm, hầu hết các cơ sở thu mua kén là đơn vị trung gian, không trực tiếp ươm tơ mà bán kén lại cho các cơ sở ươm tơ, dệt lụa. Toàn tỉnh hiện có khoảng 32 cơ sở ươm tơ (công suất chế biến bình quân khoảng 01 tấn kén/cơ sở/ngày). Công nghệ sản xuất chế biến tơ lụa của Lâm Đồng đã được đầu tư rất cơ bản, dây chuyền sản xuất hiện đại; máy móc thiết bị ươm tơ cơ bản đáp ứng yêu cầu chất lượng thị trường nội tỉnh và xuất khẩu.

Mặc dù là địa phương đi đầu trong nghề trồng dâu nuôi tằm của cả nước, nhưng để việc trồng dâu nuôi tằm phát triển bền vững cũng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh trồng dâu và nuôi tằm, những khó khăn như dâu ở nhiều địa phương trồng không đúng mật độ, quá dày, làm giống dâu không phát huy hết được đặc tính của giống; ít chú ý đến bón phân hữu cơ cho cây dâu dẫn đến đất bị thoát hóa, nghèo hữu cơ, lạm dụng sử dụng quá nhiều phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến vườn dâu không khỏe, dễ bị nhiễm sâu bệnh, đất thì nghèo hữu cơ, môi trường đất, nước và không khí cũng bị ô nhiễm, bón phân vô cơ không cân đối… Việc nuôi tằm dựa vào kinh nghiệm là chính; cho tằm ăn lá dâu ướt, dâu không đúng tuổi tằm, nuôi quá dày, ít xử lý nhà nuôi tằm và dụng cụ nuôi, không xử lý nguồn phân tằm và các con tằm bị còi cọc…

Nông hộ đang nuôi tằm 

Để phát triển dâu tằm tơ theo hướng bền vững, ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, từ nguồn vốn Khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng dự án nuôi tằm thương phẩm bền vững tại Lâm Đồng với mục tiêu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu trồng thâm canh dâu, nuôi tằm thương phẩm lấy kén, từng bước nâng cao năng lực và thu nhập của các nông hộ trồng dâu nuôi tằm, góp phần tạo nền tảng phát triển ổn định ngành dâu tằm tơ tại Lâm Đồng.

Trong năm 2023, Dự án được triển khai tại xã Đam B’ri, xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc với quy mô thực hiện 10 ha. Tham gia mô hình, các nông hộ tham gia được hỗ trợ 70% kinh phí về giống và vật tư, đồng thời được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật về trồng thâm canh dâu và nuôi tằm. Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông đã cung cấp giống, vật tư thực hiện mô hình đảm bảo đúng tiến độ, kịp thời cho bà con nông dân thực hiện dự án. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật cho các nông hộ tham gia để dự án được triển khai đúng tiến độ và đạt kết quả đề ra.

Hiện nay, với giá kén tằm đang ổn định và ở mức cao dao động 200.000 - 210.000 đồng/kg, người nông dân đã có thu nhập khá cao. Do vậy, ngành sản xuất dâu tằm cũng đã ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội ở một số địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, các nông hộ tham gia dự án rất phấn khởi, nếu giữ vững và phát triển tốt thì nghề trồng dâu nuôi tằm sẽ tạo điều kiện việc làm cho nhiều người lao động, làm đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế cho các hộ gia đình trong thời gian tới ở Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung.

 Chuyển giao kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm
Bình luận