Hà Tĩnh: Hiệu quả từ mô hình nuôi cua 2 giai đoạn thích ứng biến đổi khí hậu

Bình luận · 182 Lượt xem

Trước những biến đổi của khí hậu đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản tại Hà Tĩnh, trong đó những diện tích nuôi tôm chịu ảnh hưởng khá mạnh đã dẫn đến nhiều diện tích nuôi kh?

Do vậy, việc tổ chức lại sản xuất trong nuôi trồng thuỷ sản bằng cách ứng dụng khoa học kỹ thuật và đưa các giống mới vào nuôi nhằm giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống là yêu cầu cần thiết.

Mô hình nuôi cua biển 2 giai đoạn thích ứng biến đổi khí hậu 

Từ thực tiễn đó, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai mô hình nuôi cua biển 2 giai đoạn thích ứng biến đổi khí hậu làm tiền đề cho việc chỉ đạo, tuyên truyền ứng dụng khoa học vào sản xuất; tạo điểm tham quan, học tập và giúp bà con nuôi trồng thủy sản có thêm sự lựa chọn.

Mô hình được triển khai tại xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà với quy mô ao ở giai đoạn ương 700 m2, ao nuôi thương phẩm 10.000 m2. hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ về con giống, thức ăn, các loại vật tư khác theo quy định của nhà nước.

Ông Trương Văn Hoàng, hộ thực hiện mô hình cho biết, trước đây, toàn bộ hơn 03 ha ao nuôi của gia đình ông đều nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, sau một thời gian, môi trường suy thoái, ô nhiễm, thời tiết khắc nghiệt đã là dịch bệnh xảy ra nên việc nuôi tôm đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Ba năm trở lại đây, ông cải tạo lại ao hồ và thu gom giống cá hồng đỏ, cá nâu, cua xanh ngoài tự nhiên về thả nuôi quảng canh, xen canh kết hợp. Với hình thức nuôi này, tuy tốn ít chi phí, không cầu kỳ về kỹ thuật nhưng lợi nhuận mang lại không cao, chủ yếu lấy công làm lãi. Vì thế, khi được Trung tâm Khuyến nông giới thiệu về mô hình nuôi cua 2 giai đoạn thích ứng biến đổi khí hậu, ông đã đăng ký tham gia.

Tham gia mô hình, ông Trương Văn Hoàng được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ ương giống giai đoạn đầu đến nuôi thương phẩm. Số lượng giống lúc thả ương giai đoạn đầu 21.000 con, kích cỡ 0,5 cm/con. Sau thời gian ương hơn 1 tháng, nhờ chăm sóc đúng quy trình, cua được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, cua phát triển tốt, đồng đều kích cỡ từ 1,5-2 cm/con, tỷ lệ sống đạt hơn 50%.

Do được ương trước khi thả ra ao nuôi thương phẩm nên ngoài đảm bảo được kích cỡ đồng đều, tỷ lệ sống cao thì cua cũng thích nghi nhanh với môi trường, chống chịu tốt trước điều kiện bất lợi của thời tiết. Đây cũng là giải pháp mới mà ông Hoàng lần đầu tiên được áp dụng.

“Trước kia, thu gom con giống tự nhiên, kích cỡ không đồng đều, phải thả nhiều đợt, quá trình nuôi con lớn ăn con bé nên cũng bị hao hụt nhiều. Nhưng qua áp dụng giải pháp nuôi cua bằng giống nhân tạo và được ương dưỡng trước khi nuôi thương phẩm thấy tỷ lệ sống cũng như tốc độ phát triển cua hơn hẳn cách nuôi quảng canh trước kia” - ông Hoàng phấn khởi chia sẻ.

Theo ông Trương Huy Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh: Mô hình nuôi cua 2 giai đoạn giúp nông dân nắm bắt được kỹ thuật nuôi mới, nâng cao tỉ lệ sống, kiểm soát được lượng con giống trước khi thả ra ngoài ao nuôi, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Sau thời gian nuôi được gần 6 tháng, cua đạt kích cỡ thương phẩm từ 0,3 - 0,35 kg/con, Trung tâm đang hướng dẫn người dân tiến hành thu tỉa bán dần bằng cách đặt nò, chấu, sau đó lựa chọn những con cua đã đầy thịt và chắc để xuất bán, còn những con dù đạt kích cỡ thương phẩm nhưng còn ốp thì nên để nuôi tiếp để đảm bảo được hiệu quả kinh tế cho người dân.

Sau khi kiểm tra, nghiệm thu đánh giá kết quả, dự kiến, tỷ lệ sống cua nuôi thương phẩm đạt khoảng 65%, sản lượng thu hoạch khoảng 2 tấn. Sau khi trừ chi phí hộ dân hu lãi gần 250 triệu đồng.

Sau gần 6 tháng nuôi cua đạt kích cỡ 0,3-0,35 kg/con  

Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà cho biết: Toàn xã Đỉnh Bàn có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 130 ha. Trước kia, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng nơi đây cũng phát triển khá rầm rộ, tuy nhiên, vài năm trở lại đây, trước biến đổi của khí hậu đã làm cho tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, các yếu tố môi trường, đất, nước bộc lộ sự suy thoái, ô nhiễm nên nghề nuôi tôm không còn phát triển, nhiều diện tích đã chuyển sang nuôi các đối tượng khác nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không cao do người nuôi thiếu kinh nghiệm và kiến thức về nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, việc triển khai mô hình nuôi cua biển 2 giai đoạn thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn sẽ là cơ hội để người dân tiếp cận thêm khoa học kỹ thuật mới, từ đó áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cũng như góp phần phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương.  

Bình luận