Tọa đàm Phát triển Khuyến nông cộng đồng và Khuyến nông số

Bình luận · 187 Lượt xem

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 30 năm Khuyến nông Việt Nam, chiều ngày 26/10/2023, tại Quảng Ninh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Phát triển Khuyến nông cộng đồng và Khuyến nông số".

Sự kiện thu hút trên 200 đại biểu đến từ các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh/thành trên cả nước; các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, hiệp hội; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chủ trì buổi Tọa đàm.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay, Trung tâm đã thực hiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành, sử dụng văn bản điện tử; 100% văn bản đi/đến của Trung tâm được chuyển song song trên môi trường mạng và qua đường bưu chính. Trong đó 100% văn bản, tài liệu với các đơn vị trong và ngoài Bộ có liên thông văn phòng điện tử được trao đổi dưới dạng văn bản, tài liệu điện tử. Bên cạnh đó, Trung tâm đã thiết lập trang “Phiên chợ khuyến nông” là địa chỉ tin cậy để trung tâm khuyến nông các tỉnh/thành phố giới thiệu các sản phẩm từ mô hình khuyến nông, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền. Ngoài ra, việc quản lý các dự án khuyến nông cũng được triển khai trên môi trường số; ứng dụng khuyến nông xanh đã được xây dựng nhằm tạo kênh tuyên truyền hữu hiệu, gần gũi và thân thiện với mọi người.

Đối với Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ), đến nay, đề án đã triển khai thành lập 26 tổ thí điểm ở 13 địa phương gắn với 5 vùng nguyên liệu. Sau một năm thực hiện đề án, toàn bộ 13 tỉnh vùng dự án đã nhận thức được sự cần thiết phải củng cố, hoàn thiện hệ thống Khuyến nông cơ sở trên cơ sở kiện toàn các tổ chức đã có, tổ nhóm nông dân, câu lạc bộ khuyến nông thành tổ KNCĐ có sự quản lý của Khuyến nông tỉnh.

Một số tỉnh ngoài vùng đề án thí điểm đã củng cố hệ thống khuyến nông cơ sở thông qua xây dựng tổ KNCĐ các xã do nhận thức được sự cần thiết và chức năng của tổ KNCĐ trong xây dựng nông thôn mới. Đa số 13 tỉnh đồng thuận và tổ chức thực hiện theo quan điểm tổ KNCĐ là bộ phận thuộc hệ thống khuyến nông tỉnh, được thành lập trên cơ sở các nguyên tắc: không tăng biên chế của khuyến nông tỉnh; không ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức bộ máy khuyến nông tỉnh; hạn chế phát sinh kinh phí chi cho bộ máy khuyến nông. Tổ KNCĐ được hình thành linh hoạt, không khuôn mẫu, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Một số tỉnh sau khi thành lập đã sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh để tăng cường năng lực cho khuyến nông cộng đồng. Một số tổ KNCĐ bước đầu đã cung cấp dịch vụ khuyến nông và có thu nhập từ dịch vụ.

Với hai phiên Tọa đàm bao gồm "Khuyến nông cộng đồng và chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông" và "Khuyến nông đồng hành cùng doanh nghiệp", các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề nông thôn, nông nghiệp và nông dân của địa phương xung quanh các vấn đề về khuyến nông cộng đồng và chuyển đổi số thích nghi với tình hình mới, các doanh nghiệp chia sẻ về thành tựu, khó khăn cũng như những kinh nghiệm trong sản xuất; trao đổi, thảo luận để khuyến nông đồng hành cùng doanh nghiệp. về chuyển đổi và phát triển khuyến nông trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Theo chia sẻ của đại diện JICA Việt Nam: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã có dịp hợp tác với Trung tâm khuyến nông từ Trung ương đến địa phương và chúng tôi đánh giá Việt Nam là một quốc gia có hệ thống khuyến nông rất mạnh, phát triển, đồng thời có mối quan hệ bền chặt với các hạt nhân liên quan. Thời gian tới, chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục có sự hợp tác nhiều hơn nữa đối với hệ thống khuyến nông, cũng như các chương trình khuyến nông cộng đồng để có thể đảm bảo mục tiêu dự án sau này”.

Còn anh Lê Trí Nhân, một cán bộ khuyến nông cộng đồng tại Bến Tre cho biết, khi Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ KNCĐ triển khai ở Bến Tre, địa phương đã lựa chọn vùng nguyên liệu sản xuất tập trung được quy hoạch để thành lập các tổ tư vấn cộng đồng. “Chúng tôi mời những người trước kia là khuyến nông viên để tham gia tổ KNCĐ, hỗ trợ trực tiếp cho dự án. Họ đã có kinh nghiệm trong quá trình làm khuyến nông viên nên khi vào các tổ KNCĐ thì rất thuận lợi trong quá trình tiếp cận bà con nông dân cũng như có uy tín với địa phương, giúp cho dự án hoạt động thuận lợi hơn". Tuy nhiên, anh Nhân cũng bày tỏ trăn trở khi các tổ KNCĐ hiện nay chưa có cơ chế, chính sách tiền lương để vận hành. Anh Nhân mong muốn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các địa phương xem xét, nghiên cứu hỗ trợ thêm về cơ chế, kinh phí cho các tổ KNCĐ để chia sẻ, khích lệ các thành viên có thêm động lực...

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan gửi lời chúc mừng đến các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến địa phương cùng bà con nông dân cả nước, nhân dịp kỷ niệm 30 năm khuyến nông Việt Nam.

Thông qua buổi Tọa đàm, Bộ trưởng đã gửi tặng tới hệ thống khuyến nông thông điệp: “Thay đổi tư duy khuyến nông. Thay đổi cuộc sống nông dân. Thay đổi đời sống nông thôn. Thay đổi nông nghiệp đất nước”. Sau đó ông trình chiếu một thước phim ngắn về hoạt động của một tổ KNCĐ tại Thái Lan. Đoạn phim nói về những cán bộ khuyến nông cơ sở làm việc cùng với nông dân, ăn cơm cùng nông dân và họ cười đùa cùng nông dân. Đoạn kết của phim là câu nói của người khuyến nông: "Chúng tôi làm việc cùng nhau, ăn cùng nhau và chia sẻ hạnh phúc cho nhau". Từ đây, Bộ trưởng gửi gắm đến tọa đàm ý nghĩa về cộng đồng, đây là điều mà hệ thống khuyến nông, cán bộ khuyến nông cần phải hướng đến. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong rằng, đội ngũ khuyến nông mỗi khi đến với bà con nông dân hãy đến bằng tất cả trái tim mình, đến không chỉ vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm công việc mà còn cao cả hơn là đến vì bổn phận, đến vì thấy mình nên đến, cần đến, phải đến.

Bộ trưởng nhắn nhủ: 30 năm một niềm tự hào, thực sự chúng ta có thể tự tin rằng, nông nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với một tâm thế khác, tư duy khác với nỗ lực tạo ra giá trị bền vững. Cán bộ khuyến nông luôn là những người đi đầu, chúng ta tạo ra sự trù phú cho quê hương đất nước. Nhưng chúng ta phải “trù phú” về kiến thức thì mới giúp được người nông dân “trù phú”. Không ngừng học tập, tìm kiếm thông tin, nâng cao kiến thức đó là bản năng của người khuyến nông, từ đó đưa cái trù phú đó cho người nông dân để xây dựng nền nông nghiệp vững mạnh.

Bình luận