Đồng Nai triển khai cơ giới hóa đồng bộ: Sớm xác định vùng nguyên liệu nông sản trọng điểm

Bình luận · 450 Lượt xem

Các vùng sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai hiện chỉ ở mức cơ giới hóa bộ phận. Để cơ giới hóa đồng bộ, Đồng Nai cần xác định các vùng nguyên liệu trọng điểm đối với các cây chủ lực.

 

Các vùng sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai hiện chỉ ở mức cơ giới hóa bộ phận. Để cơ giới hóa đồng bộ, Đồng Nai cần xác định các vùng nguyên liệu trọng điểm đối với các cây chủ lực.

Chỉ mới cơ giới hóa bộ phận

Ông Trần Văn Mười (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) đang sở hữu hơn 10ha bưởi. Năm 2021, ông mạnh dạn đầu tư hơn 600 triệu đồng để sắm máy bay không người lái phục vụ phun thuốc, bón phân. Theo tính toán của ông Mười, máy bay không người lái giúp ông tiết kiệm được 20% chi phí công lao động. Tới kỳ phun thuốc, bón phân, ông chỉ tốn khoảng 5 giờ điều khiển máy bay không người lái là có thể tưới hết vườn bưởi của mình.

 

Ngoài những lợi ích về nhân công, thời gian, máy bay không người lái có thể phun thuốc từ trên cao xuống, bao trùm được cây nên lượng thuốc rải đều. Cánh quạt của máy bay còn có thể đánh đuổi được một số loại côn trùng phá hoại, đặc biệt là loài nhện đỏ - khắc tinh của cây bưởi. 

 

"Nhờ ứng dụng cơ giới hóa, vườn cây phát triển ổn định, năng suất không giảm mà nông dân vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe bản thân" - ông Mười nói.

 

"Cơ giới hóa làm thay đổi cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp từ việc tập trung vào sản phẩm thô và không chế biến di chuyển đến giai đoạn gia công và chế biến. Điều này tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp".

 

Ông Nguyễn Huỳnh Trường Gia -

 

giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM

 

Huyện Vĩnh Cửu có diện tích cây ăn quả chủ lực hơn 4.700ha. Hiện nay, cơ giới hóa trong khâu làm đất, bơm tưới bằng động cơ, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm đạt mức cao. 

 

Tuy nhiên, UBND huyện cho biết, nhiều khâu vẫn phải sử dụng lao động thủ công 100% như thu hoạch, bao trái. Huyện chưa có nhiều giải pháp công nghệ trong sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản; quy hoạch, thiết kế vườn chưa phù hợp để ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu.

 

Theo UBND huyện Xuân Lộc, trên địa bàn huyện đã có những tổ chức, cá nhân tự chế tạo ra các loại máy móc, trang thiết bị để phục vụ cho sản xuất, trong đó nhiều người đã được giải thưởng cấp tỉnh. Thế nhưng, việc áp dụng cơ giới hóa của huyện đang ở mức độ cơ giới hóa bộ phận, nghĩa là cơ giới hóa ở từng khâu riêng lẻ. Để có thể áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đòi hỏi phải đáp ứng một số yêu cầu, như phải có cánh đồng mẫu lớn, bằng phẳng và việc tích tụ ruộng đất cao.

 

Giải pháp cơ giới hóa đồng bộ

Theo ông Nguyễn Huỳnh Trường Gia - giảng viên Khoa Cơ khí - Công nghệ, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, các loại máy làm đất, máy gieo sạ lúa, máy gặt đập liên hợp... đang hoạt động rất hiệu quả ở nhiều tỉnh nơi. 

 

Tuy nhiên, lựa chọn cơ giới hóa đồng bộ đối với các thiết bị này cho vùng trồng lúa ở Đồng Nai vẫn còn bỏ ngỏ. Khâu thu hoạch các loại cây công nghiệp như như cà phê, hồ tiêu và cây điều hoàn toàn phụ thuộc vào lao động thủ công, dẫn đến công dẫn chi phí thu hoạch tăng cao. 

 

Với cây ăn quả, việc cơ giới đồng bộ ở Đồng Nai gặp rất nhiều khó khăn do diện tích trồng không tập trung và các loại cây rất đa dạng. Các loại cây ăn quả này có đặc tính và yêu cầu nông học rất khác nhau. Việc lựa chọn mô hình cơ giới hóa ở các khâu canh tác các loại cây ăn quả này rất nan giải.

 

Theo ông Gia, các loại thiết bị thu hoạch cây ăn quả ở Đồng Nai vẫn chưa phổ biến. Nguyên nhân chính do chưa thể xác định đâu là cây ăn quả thế mạnh. Từ đó, các nhà đầu tư chưa mạnh dạn đầu tư vào trang thiết bị cũng như máy móc cơ giới hóa cho canh tác cây ăn quả của tỉnh.

 

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, việc phát triển cơ giới hóa đồng bộ, tiến tới tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao là khâu then chốt nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh nông sản của tỉnh. Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến, bảo quản, đảm bảo đủ năng lực chế biến, bảo quản đối với những ngành hàng chủ lực, gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.

 

Một giải pháp quan trọng là tỉnh sẽ phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo định hướng phát triển 3 nhóm sản phẩm: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm là đặc sản của địa phương. 

 

"Tất cả được cơ giới hóa đồng bộ, phù hợp với lợi thế của từng vùng, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và kết nối với khu chế biến nông sản và dịch vụ thương mại nông nghiệp" - ông Thắng cho biết.        Nguyễn Vy

Bình luận