Người Gia Rai ở vùng biên Gia Lai mê mẩn với giống lúa TBR39

Bình luận · 168 Lượt xem

Giống lúa mới TBR39 được trồng thử nghiệm ở huyện biên giới Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đang thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội, khiến đồng bào dân tộc thiểu số Gia Rai mê mẩn.

Có Trong vụ mùa 2023, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên (trực thuộc Tập đoàn ThaiBinh Seed) triển khai mô hình thử nghiệm giống lúa mới TBR39 tại thôn Blang 1 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) với tổng diện tích 4 ha và có 20 hộ dân người dân tộc Gia Rai tham gia.

 

Tổng kinh phí thực hiện là 50 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển đất trồng lúa của huyện Ia Grai và kinh phí đối ứng do người dân đóng góp bao gồm vật tư phân bón, công lao động…

 

Giống lúa TBR39 của Tập đoàn ThaiBinh Seed được vinh danh là giống lúa cho sản phẩm gạo ngon, đạt giải Nhất trong cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ 3 năm 2023.

 

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Grai, trong vụ mùa 2023, thời tiết diễn biến tương đối thuận lợi cho giống lúa TBR39 sinh trưởng và phát triển. Với thời gian sinh trưởng từ 125- 135 ngày, TBR39 có chiều cao thân cây lý tưởng với khoảng 86- 90 cm, lá màu xanh đậm, có từ 7- 8 nhánh hữu hiệu. Ngoài ra, bông lúa nhiều và dài, hạt màu vàng sáng và chắc…

 

Bên cạnh đó, giống lúa TBR39 kháng bệnh khá tốt, chống chịu tốt hơn với điều kiện thời tiết bất lợi, cứng cây, chống đổ ngã tốt. Lúa sinh trưởng phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh cao, bộ lá giữ được màu xanh đến cuối vụ.

 

Theo khảo sát, ruộng lúa từ mô hình thử nghiệm bộ giống TBR39 ở xã Ia Dêr so với giống đối chứng có nhiều điểm vượt trội như năng suất đạt 6 tấn/ha, giá lúa bán ra 10.000 đồng/kg, tổng chi phí cho mỗi ha là 37 triệu đồng, theo đó mỗi ha, nông dân có lãi ròng 23 triệu đồng (cao hơn gần 10 triệu đồng so với giống lúa đối chứng).

 

Có 1 ha đất tham gia mô hình trồng lúa TBR39, ông Rơ Com Alich (trú tại thôn Blang 1, xã Ia Dêr) chia sẻ, qua quá trình trồng, ông nhận thấy giống lúa này rất phù hợp với đồng đất cũng như thời tiết khí hậu của địa phương.

 

"Giống lúa TBR39 đẻ nhánh nhiều nên tiết kiệm được lượng lúa giống so với các loại giống lúa khác. Tôi chỉ cần gieo 20 kg giống mỗi sào là đủ. Đây là một giống lúa chất lượng, cho năng suất cao, có nhiều điểm tốt hơn các loại giống địa phương và đặc biệt là không sợ cây lúa gãy đổ nhờ thân cây lúa chắc khỏe", ông Alich cho biết.

 

 

Còn ông Puih Lek (trú tại thôn Blang 3, xã Ia Dêr) có 3 sào ruộng lúa tham gia mô hình trong vụ mùa này. Ông chia sẻ, trước giờ bản thân chỉ quen trồng giống lúa địa phương và chưa hề với các loại giống lúa khác. Sau khi chính quyền địa phương vận động, ông quyết định trồng lúa TBR39 trên diện tích 3 sào.

 

"Thời diểm lúa làm đòng, tuy có một số hạt hơi bị lép vì gặp liên tiếp mấy trận mưa lớn, nhưng qua theo dõi, tôi thấy cây lúa chắc nên không bị đổ gãy, hạt lúa chắc và đồng đều hơn. Tôi chắc chắn là năng suất sẽ cao hơn giống địa phương. Từ nay, tôi sẽ tiếp tục trồng giống lúa này trong những vụ mùa tiếp theo", ông Lek cho hay.

 

Ông Đỗ Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai nhìn nhận, TBR39 là bộ giống mới, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phươg, dễ canh tác nên phù hợp với bà con người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Bên cạnh nhiều ưu điểm vượt trội thì năng suất của TBR39 đạt khá cao, giá bán cũng cao hơn các loại giống lúa khác.

 

"Như vậy, với chi phí đầu tư sản xuất giữa các giống lúa như nhau thì với bộ giống TBR39, hiệu quả về kinh tế cao hơn giống địa phương. Ngoài ra, việc xây dựng mô hình thành công sẽ tạo điều kiện đa dạng hóa chủng loại cho sản phẩm gạo A SANH cung ứng trên thị trường. Thời gian tới, trung tâm sẽ đề nghị các xã trên địa bàn huyện vận động bà con nông dân triển khai đại trà giống lúa này ở địa phương mình", ông Hiền khẳng định.

 

Bình luận