Thừa Thiên - Huế: Triển khai mô hình nuôi thủy sản vượt lũ

Bình luận · 191 Lượt xem

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang hướng tới áp dụng việc rút ngắn tối đa thời gian nuôi trồng thủy sản để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nuôi cá lồng trên sông Bồ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Công Điền.

Nuôi cá lồng trên sông Bồ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Công Điền.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có hệ thống đầm phá, sông hồ thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi cá lồng. Nhưng thực tế, hiện nay hầu hết người dân nuôi cá lồng đều tự phát, không có thời vụ cụ thể, không tuân theo quy định.

Do đó, khi xảy ra bão lũ, người nuôi trồng thủy sản thường bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Không tuân thủ khung lịch thời vụ

Xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có số hộ nuôi cá lồng khá lớn, với khoảng 830 lồng cá trắm cỏ nuôi trên sông Bồ. Do phần lớn áp dụng phương thức nuôi gối nên người dân thu hoạch quanh năm.

Ông Hoàng Công Mùi ở xã Quảng Thọ thừa nhận, lâu nay người dân nuôi cá lồng trên sông Bồ đều tự phát, chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm, tập quán của mình. Phần lớn hộ nuôi đều không tuân thủ quy định, không theo khuyến cáo của cơ quan chức năng về khung lịch thời vụ. Đến thời điểm này, các lồng cá của ông Mùi và nhiều hộ dân vẫn chưa thu hoạch xong, trong khi mưa lũ đang đến gần.

Hiện nay, người dân nuôi cá lồng chủ yếu theo kinh nghiệm, tập quán truyền thống. Ảnh: Công Điền.

Hiện nay, người dân nuôi cá lồng chủ yếu theo kinh nghiệm, tập quán truyền thống. Ảnh: Công Điền.

Ông Trần Kìm, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết, xã đang tích cực vận động, hướng dẫn người dân cố gắng thu tỉa đối với cá có thể bán được. Thậm chí có thể phải thu đại trà để bán, chấp nhận giá thấp nhằm tránh thiệt hại do lũ lụt.

Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Điền thông tin, trên địa bàn huyện có khoảng 1.200 lồng cá nuôi trên sông và 120 lồng nuôi trên đầm phá Tam Giang. Theo lịch thời vụ của huyện thì cá lồng phải thu hoạch xong trước 31/8. Tuy nhiên, thực tế rất khó để bà con thực hiện được vì cá trắm là đối tượng nuôi dài ngày, có thể đến 2-3 năm kể từ khi ươm giống.

Trước mắt, ngành nông nghiệp huyện cùng với các địa phương tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp giằng neo lồng bè an toàn trong mùa mưa lũ. Đồng thời, khuyến cáo người dân không lưu lại trên lồng bè khi nước lũ dâng cao, chảy xiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.

Nghề nuôi cá lồng tại Thừa Thiên Huế còn tự phát, chưa khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vốn có. Ảnh: Công Điền.

Nghề nuôi cá lồng tại Thừa Thiên Huế còn tự phát, chưa khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vốn có. Ảnh: Công Điền.

Triển khai mô hình nuôi thủy sản vượt lũ

Với hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và các sông Bồ, Ô Lâu, Đại Giang, sông Hương... tỉnh Thừa Thiên - Huế có tiềm năng rất lớn để nuôi trồng thủy sản. Để phát huy thế mạnh này, ngành nông nghiệp tỉnh đang nghiên cứu, tìm hướng đi bền vững, nâng cao giá trị cho ngành thủy sản.

Ông Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, việc triển khai nuôi thủy sản theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu là mục tiêu tỉnh đang hướng tới. Cụ thể là nuôi thủy sản vượt lũ và rút ngắn tối đa thời gian nuôi để tránh thiệt hại do mưa lũ.

Gia cố lồng bè trong mùa mưa bão. Ảnh: Công Điền.

Gia cố lồng bè trong mùa mưa bão. Ảnh: Công Điền.

Để rút ngắn thời gian nuôi, có thể thực hiện phương thức nuôi chuyển tiếp. Tức là ươm giống trong ao đến khi đạt kích cỡ 1-1,5kg mới thả vào lồng nuôi. Nếu phải nuôi qua lũ, cần gia cố lồng chắc chắn, hoặc di chuyển lồng đến những vùng có dòng nước chảy yếu hơn trong mùa mưa lũ.

Tiến sĩ Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản thuộc Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cho rằng, để thích ứng biến đổi khí hậu, không chỉ áp dụng mô hình nuôi thủy sản vượt lũ mà còn cần ứng phó nắng nóng.

Nuôi thủy sản phải gắn với chuỗi giá trị mới an toàn, bền vững. Các địa phương, người dân phải liên kết với các công ty, đại lý thu mua thủy sản thương phẩm nhằm có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm khi thu hoạch đại trà tránh lũ. Các công ty, đại lý phải đầu tư hệ thống cấp đông, bảo quản thủy sản trong mùa bão, lũ.

Theo Tiến sĩ Mạc Như Bình, để tránh thiệt hại do điều kiện thời tiết gây ra, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, người nuôi trồng thủy sản cần tuân thủ quy định về khung lịch thời vụ của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương. Thời điểm thả cá giống nuôi hợp lý nhất là ngay sau khi kết thúc mùa mưa lũ. Để rút ngắn thời gian nuôi, cá giống khi thả phải đạt kích cỡ lớn từ 1,5-2kg. Với kích cỡ cá giống lớn này còn có thể hạn chế tối đa hao hụt và chóng lớn, chống chịu tốt các loại bệnh và thời tiết xấu đầu vụ thả nuôi.

Bình luận