Khai thác giun đất trái phép: Nguy cơ suy giảm chất lượng đất nông nghiệp

Bình luận · 209 Lượt xem

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La… đang nổi lên tình trạng khai thác giun đất trái phép bằng kích điện, làm hủy loại đất, gây thiệt hại cho các chủ vườn trồng cây ăn quả,

Một cơ sở sấy giun đất bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Một cơ sở sấy giun đất bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Sở Tài nguyên và môi trưởng tỉnh Hòa Bình vừa có công văn số 3314/STNMT-BVMT về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác giun đất trái phép trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Công văn gửi các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và công nghệ; Công thương; Công an tỉnh; Cục Quản lý thị trường; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố.

TẬN DIỆT GIUN, HỦY HOẠI ĐẤT

Theo phản ánh tại các địa phương, cách thức bắt giun rất đơn giản. Chỉ với 2 thanh sắt nối với máy kích bằng đường dây điện và cắm trực tiếp xuống đất, sau vài tiếng kêu “tít tít” phát ra từ máy xung điện, trong vòng bán kính khoảng 2m2 các loại giun to nhỏ ngoi lên, quằn quại, giãy giụa trên mặt đất. Trung bình mỗi ngày, 1 máy kích có thể bắt được từ 5 đến 10 kg giun tươi, thậm chí nhiều hơn.

Giun đất tươi được các “đầu nậu” thu mua với giá 45.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày người đi bắt giun có thể kiếm gần 1 triệu đồng. Được biết, giun sau khi thu mua sẽ được các chủ lò sấy thuê nhân công xẻ bụng, xếp thành lớp rồi đưa đi sấy khô; mỗi mẻ giun được sấy bằng củi trong thời gian khoảng 4 tiếng đồng hồ.

Trung bình khoảng 13kg giun tươi sau khi sấy sẽ được 1kg giun khô. Giun khô được thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua với giá 700.000 đồng/kg.

Khai thác giun đất trái phép: Nguy cơ suy giảm chất lượng đất nông nghiệp - Ảnh 1

Theo Công văn của Sở Tài nguyên và môi trưởng tỉnh Hòa Bình, giun đất đóng vai trò quan trọng trong vòng tuần hoàn vật chất trong tự nhiên cũng như dòng chảy năng lượng của thế giới sống. Đối với loại đất màu mỡ, số lượng giun dao động tầm 300 - 500 con/m2. Càng có nhiều giun nghĩa là chất lượng đất tại khu vực đó càng tốt, cây trồng mới phát triển tốt.

“Do đó, hành động “tận diệt” giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất bằng hình thức kích điện như con dao chặt đứt chu trình cải tạo đất trong tự nhiên, làm suy giảm chất lượng đất canh tác nông nghiệp, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng”.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình.

Ngoài ra, mật độ giun trong đất lớn còn ngầm hiển thị các hoạt động sống tự nhiên của các sinh vật như vi khuẩn, vi nấm… Hệ sinh vật đất giúp phân hủy chất hữu cơ làm đất giàu dinh dưỡng. Giun còn làm đất tơi xốp, thoáng khí nên tác động trực tiếp đến sự phát triển của cây trồng, cấu trúc đất và chu trình cacbon. Giun đất ăn những mảnh vụn hữu cơ mục nát như xác bã thực vật, cỏ khô, lá khô…nên phân của chúng có hàm lượng dinh dưỡng rất lớn.

Phân giun cung cấp lượng mùn, các muối canxi và kali dễ tiêu cho cây trồng. Phân và xác giun khi kết hợp với hạt đất có thể làm tái tạo keo đất, giữ độ ẩm đất. Giun còn có khả năng hỗ trợ tiêu diệt những vi khuẩn, nấm bệnh có hại cho đất, gây bệnh trên cây trồng, vì khi chúng ăn lá cây sẽ đồng thời tiêu hóa luôn những nấm mốc, vi khuẩn có hại, phân của chúng là môi trường tốt nhất để các loại vi sinh vật hữu ích phát triển.

Công văn khẳng định: Khai thác giun đất là hành vi hủy hoại đất. Theo quy định tại khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai 2013, hành vi làm biến dạng địa hình; suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm môi trường là hành vi huỷ hoại đất.

Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cũng ghi rõ: “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định”.

CĂN CỨ PHÁP LUẬT VÀ BIỆN PHÁP XỬ PHẠT

Theo Sở Tài nguyên và môi trưởng tỉnh Hòa Bình, hiện nay chưa có quy định cụ thể cũng như chế tài xử lý đối với hành vi dùng kích điện khai thác giun đất. Nhưng đối với hành vi làm suy giảm chất lượng đất, có thể căn cứ Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP để xử phạt.

Cụ thể, trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 ha; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 ha đến dưới 0,1 ha; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 ha đến dưới 01 ha; Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 ha trở lên.

Ngoài ra, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

"Được biết hiện nay, chưa có cơ sở nào được các cơ quan nhà nước cấp phép cho sơ chế, chế biến giun đất. Các cơ sở thu gom, mua bán, sơ chế giun đất không có đầy đủ hồ sơ môi trường theo quy định thì mức xử phạt quy định cụ thể tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường".

Theo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hòa Bình.

Đề cập về căn cứ xử lý đối với các cơ sở sơ chế, chế biến giun đất, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hòa Bình dẫn điểm a, khoản 1, Điều 58, Luật bảo vệ môi trường năm 2020, quy định: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, chế biến phải phù hợp với quy hoạch, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng môi trường xung quanh”.

Các cơ sở sơ chế giun đất muốn hoạt động phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý về chủ trương đầu tư, đất đai, môi trường... theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, cơ sở có được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề sơ chế giun hay không? Có được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động sơ chế giun đất hay không?

Về đất đai, cần xem xét việc hoạt động của các cơ sở thu gom, sơ chế, mua bán giun đất với sự phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương hay không?

Để ngăn chặn tình trạng khai thác giun đất trái phép, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những người trực tiếp có hoạt động kích giun đất, các cơ sở, hộ gia đình sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất.

Khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện hoạt động kích điện, sơ chế giun trái phép để có biện pháp xử lý vi phạm.

Tổ chức kiểm tra (thường xuyên và đột xuất) đối với các cơ sở thu gom, sơ chế, mua bán giun đất, kịp thời phát hiện những cơ sở hoạt động chui, không có đầy đủ hồ sơ pháp lý, xử lý nghiêm theo quy định (đình chỉ hoạt động, tháo dỡ nhà xưởng sơ chế, xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu tang vật…).

Tiến hành kiểm tra, rà soát, phát hiện, ngăn chặn đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng có hành vi bắt giun bằng kích điện gây suy giảm chất lượng đất.

Bình luận