Liên kết đầu tư trồng và phát triển ca cao bền vững tại khu vực Kinh tế Quốc phòng huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk

Bình luận · 135 Lượt xem

Từ năm 2016 đến nay, Công ty CIC đã trồng được 180 ha, theo mô hình ca cao xen chuối. Dự án đã hoàn thành việc thiết kế đồng ruộng, lắp đặt công nghệ tưới nhỏ giọt nhập trọn gói từ Israel;


Phát triển ca cao bền vững tại khu vực Kinh tế Quốc phòng huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk

- Ca cao (cây trồng chính) đã sinh trưởng rất tốt trong điều kiện tự nhiên khu KTQP huyện Ea Súp. Với công nghệ tưới nhỏ giọt (phân, nước được cung cấp cho cây ngay sau khi trồng), cây ca cao phát triển tốt và có phần vượt trội so với ca cao trồng ở các vùng đất khác, kể cả trên đất đỏ Bazan trong điều kiện canh tác truyền thống.

- Chuối F1(cây trồng xen) năng suất đạt 25 tấn/ha và F2 đạt 30 tấn/ha, Chất lượng đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Sản phẩm chuối của công ty hiện đã và đang cung ứng cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. 

Với đặc thù là địa bàn vùng sâu vùng xa (Xã Ia Lốp thuộc khu vực vành dai biên giới của tỉnh Đắk Lắk)  nên việc thu hút lao động có tay nghề và trình độ cao gặp nhiều khó khăn. CIC đã thu hút được khoảng 100 lao động địa phương là công nhân chính thức với mức lương hàng tháng từ 6.000.000 - 10.000.000 đồng/tháng. Lao động thời vụ theo ngày sử dụng khoảng 70 người, lương từ 170.000 đến 250.000 đồng/ngày tùy theo công việc. An toàn phòng chống cháy nổ được tổ chức đào tạo, diễn tập định kỳ kết hợp với cơ quan chủ quản địa phương là Đoàn Kinh tế Quốc phòng 737.

Do quy mô sản xuất lớn, CIC đã đầu tư xây dựng sâu rộng cơ sở hạ tầng nhà cửa, hạ tầng nông học đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa bàn vùng biên giới: lắp đặt 2 trạm biến áp 250 kva; xây dựng hoàn thiện các công trình nhà kho, cụm nhà điều hành, khu ký túc xá; nhà ăn, nhà sơ chế; vườn ươm; hạ tầng kỹ thuật (tường rào, nhà bảo vệ, nhà để xe, sân-đường nội bộ nội đồng và nội bộ khu điều hành….). Hệ thống tưới nhỏ giọt tự động điều khiển qua internet nhập khẩu từ Israel cùng với hệ thống hồ chứa nước, hồ lắng, trạm bơm công suất lớn phục vụ cho khoảng 300 - 500 ha.

Với mục tiêu thực hiện 3000 ha liên kết với nông hộ chuyển giao mô hình canh tác thông qua việc hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ thuật cho nông dân địa phương. Theo đó, trong năm 2018  công ty đã áp dụng đào tạo kỹ thuật và hỗ trợ 01 hộ nông dân theo hình thức hỗ trợ trả chậm tiền cây giống, nông dân đầu tư một phần phân bón, nước tưới và công lao động. Hệ thống tưới công ty chịu trách nhiệm lắp đặt và sẽ thu hồi lại khi nông dân có thu hoạch từ mô hình liên kết trồng cây ca cao, thực hiện bao tiêu sản phẩm. Từ mô hình này công ty sẽ nhân rộng với nhiều hộ dân trong khu vực dự án, dự kiến 10 – 20 hộ dân trong năm 2019.

Hiện tại, huyện Ea Súp nói chung và 02 xã Ea Lốp, Ia R’vê nói riêng chưa có cây công nghiệp chủ lực, thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào cây ngắn ngày 1 vụ/năm. Trồng ca cao sẽ giúp giảm rủi ro về việc phụ thuộc vào một vài loại nông sản thời vụ. Thời gian thu hoạch của ca cao kéo dài tới 6 tháng/năm sẽ giúp cải thiện chi tiêu thường xuyên của các hộ gia đình. Mô hình trồng thử nghiệm ca cao ở trang trại của CIC bước đầu thành công đã minh chứng cho thấy nếu áp dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất thì cây dài ngày như ca cao hoàn toàn có thể được trồng, sinh trưởng và phát triển tốt thay thế cho các cây hoa màu ngắn ngày địa phương đang trồng hiện tại. Bên cạnh đó còn tăng độ che phủ và bổ sung thêm sinh khối cho đất góp phần cải tạo môi trường tự nhiên ở khu vực. Sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng này đã góp phần mở khóa được giá trị tiềm năng của quỹ đất nông nghiệp rộng lớn ở Ea Súp, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn cho địa phương.

Thông tin liên hệ mô hình: Khu Kinh tế Quốc phòng 737 thuộc xã Ia Lốp, Ia R’vê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk

 

Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk

Bình luận