5 đề xuất thu hút đầu tư, tạo đột phá cho ngành nông nghiệp

Bình luận · 233 Lượt xem

Trao đổi về vấn đề thu hút đầu tư, tạo đột phá cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới, đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) nêu ra 5 đề xuất trước Quốc hội.

Trong phiên thảo luận về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 1/11, đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) đưa ra các ý kiến liên quan đến ngành nông nghiệp. Theo ông, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hơn 2 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã mang lại kết quả tích cực.

Ngoài ra, khung pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp được quan tâm, ban hành mới; ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo, tạo sự ổn định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, tiến độ thực hiện một số chương trình, nhiệm vụ, đề án trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn chậm, kết quả đổi mới cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều.

"Các nút thắt cơ bản của ngành nông nghiệp còn chưa được giải quyết, vấn đề rủi ro thương mại chưa được giải quyết triệt để, việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong phát triển nông nghiệp còn khó khăn, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp", đại biểu tỉnh Tiền Giang nêu ý kiến.

Trên cơ sở đó, đại biểu Tạ Minh Tâm đưa ra 5 đề xuất với Quốc hội, Chính phủ nhằm thu hút đầu tư, tạo đột phá cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Đầu tiên là rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất kinh doanh nông nghiệp để thu hút đầu tư, tăng sức hấp dẫn cho ngành và đầu tư cơ sở hạ tầng để khắc phục các tồn tại, vướng mắc.

Thứ hai, đẩy nhanh các đầu công việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị quyết số 31 và các chương trình, dự án, đề án theo Quyết định 255 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, lồng ghép hiệu quả các nội dung cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cả trong xây dựng cơ chế và cả trong điều hành. Tổ chức triển khai thực hiện 2 nội dung lớn này tập trung vào các nội dung phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển liên kết gắn với chuỗi giá trị, đầu tư hạ tầng thương mại logistics và quan tâm lồng ghép hiệu quả để phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực đầu tư cho 2 nội dung quan trọng này.

Thứ tư, sớm ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng cho các tổ chức kinh tế tập thể làm chủ thể, kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể, người dân. Có cơ chế hiệu quả thúc đẩy và tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể và các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước.

Thứ năm, tăng cường công tác giám sát, đánh giá, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện các yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Từ đó làm căn cứ điều chỉnh và hoàn thiện chính sách, hoàn thiện và phát huy hiệu quả bộ tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

 
Powered by GliaStudio
Bình luận