Kiên trì trồng cà phê hữu cơ dù bị chê... lười!

Bình luận · 197 Lượt xem

Gia đình chị Nguyễn Thị Thảo quyết tâm chăm sóc vườn cà phê theo hướng hữu cơ dù không ít lần tính chuyện bỏ cuộc vì bị người dân trong vùng chê... lười!

Vườn cà phê canh tác theo hướng hữu cơ của gia đình chị Thảo quanh năm tươi tốt. Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn cà phê canh tác theo hướng hữu cơ của gia đình chị Thảo quanh năm tươi tốt. Ảnh: Tuấn Anh.

Vợ chồng tranh cãi canh tác hữu cơ

Cũng như bao hộ dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trước đây gia đình chị Nguyễn Thị Thảo (thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, Gia Lai) đơn thuần sản xuất cà phê theo phương thức truyền thống, sử dụng phần lớn phân bón hóa học. Hàng chục năm trời sử dụng phân bón hóa học, chị nhận thấy vườn cà phê ngày càng đi xuống, năng suất giảm dần. 

“Tại sao nông dân như mình cứ mãi phụ thuộc vào phân bón hóa học? Cần phải sống thuận theo tự nhiên”, chị Thảo bộc bạch.

Từ suy nghĩ đó, nhiều năm vợ chồng chị Thảo đã mày mò tìm hướng để trồng cà phê theo hướng hữu cơ, từ tìm hiểu qua sách vở, rồi tìm mua các nguyên liệu như đậu nành, bã thực vật về ủ lên men làm phân bón hữu cơ nhưng không đạt như ý muốn. Thành phẩm ủ lên men gây mùi thối rất khó chịu, hàng xóm nhiều lần ý kiến phản đối. Gia đình chị thấy vậy cũng nản, tính đường quay lại với phân bón hóa học.

Đến năm 2017, qua các trang mạng, chị Thảo đã tiếp cận được với phương pháp sản xuất phân bón hữu cơ từ chế phẩm vi sinh vật bản địa (tên tiếng anh gọi tắt là IMO). Từ đó, chị ngày đêm nghiên cứu để quyết tâm theo đuổi mô hình nông nghiệp hữu cơ từ chế phẩm IMO.

“Muốn sử dụng nguồn phân bón chăm sóc cho vườn cây hiệu quả, chỉ có con đường làm chế phẩm IMO. Nghĩa là, mình sẽ tận dụng tất cả những phụ phẩm ở địa phương sẵn có như chuối, đu đủ, bơ, mít…, đồng thời thêm rỉ mật, sữa chua và men tiêu hóa trộn vào nhau để ủ thành chế phẩm IMO”, chị Thảo chia sẻ.

Tất cả những phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ được chị Thảo sử dụng làm chế phẩm IMO. Ảnh: Tuấn Anh.

Tất cả những phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ được chị Thảo sử dụng làm chế phẩm IMO. Ảnh: Tuấn Anh.

Mấy năm đầu chuyển đổi từ phân hóa học sang hướng hữu cơ, sản lượng cà phê của gia đình sụt giảm nghiêm trọng. Thậm chí vợ chồng đôi lúc tranh cãi cũng vì câu chuyện chuyển đổi theo hướng hữu cơ. Chồng chị Thảo đã từng khuyên nên quay lại sử dụng phân hóa học vì lo ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Nhưng với sự kiên định, nhất là khi vợ chồng đã cố gắng được vài năm theo con đường hữu cơ nên cuối vùng gia đình chị Thảo vẫn quyết tâm bám trụ.

Hướng mắt về vườn cà phê, chị Thảo nở nụ cười hạnh phúc: “Quyết tâm làm theo hướng hữu cơ nên vườn cà phê mới được như ngày hôm nay, cây luôn xanh tốt quanh năm”.

Kiên trì với canh tác hữu cơ dù bị chê... lười!

Lúc sử dụng phân hóa học, vườn cà ph 1,6ha của gia đình chị Thảo cho năng suất 5  - 6 tấn nhân, khi chuyển sang hướng hữu cơ, năng suất giảm chỉ còn hơn 3 tấn nhân. Mặc dù năng suất giảm, nhưng kinh tế của gia đình cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi chi phí đầu tư phân hữu cơ thấp hơn rất nhiều so với phân hóa học.

“Trước đây gia đình phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng mỗi năm để mua phân hóa học về sử dụng. Còn hiện tại, với phân bón từ chế phẩm IMO, gia đình chỉ phải đầu tư khoảng 5 triệu đồng mua 1 tấn cá và các phụ phẩm. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn nuôi thêm 10 con bò để tận dụng nguồn phân chuồng sẵn có để ủ phân hữu cơ chăm sóc cho vườn cây”, chị Thảo chia sẻ.

Vườn cà phê trĩu quả của gia đình chị Thảo chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn cà phê trĩu quả của gia đình chị Thảo chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Tuấn Anh.

Dù gia đình chị Thảo rất thành công với việc chăm sóc vườn cà phê theo hướng hữu cơ, nhưng nhiều người dân trong vùng lại không nghĩ vậy, họ chỉ nghĩ năng suất cà phê sụt giảm là do gia đình không chịu chăm sóc, lười biếng. Nhìn vườn cà phê để cỏ mọc um tùm không chịu cắt bỏ, nhiều người chê cười khi nghĩ gia đình chị lười lao động.

Mặc cho mọi người cười chê, gia đình chị vẫn kiên định theo đuổi cách làm nông nghiệp “lười”, thuận tự nhiên. Nghĩa là để cỏ mọc tự nhiên, khi nào cỏ mọc quá cao thì cắt phần ngọn rồi đổ chế phẩm IMO vào nhằm tạo lớp mùn bổ sung dinh dưỡng cho đất rất hiệu quả.

Từ cách làm này, chị Thảo đã hướng dẫn cho một số người dân trong vùng làm theo, nhưng họ không tin vì cho rằng, để cỏ mọc tự nhiên sẽ hút hết chất dinh dưỡng của cây cà phê. Chưa kể, để cỏ mọc um tùm gây cản trở đến việc chăm sóc vườn cây nên chẳng ai dám theo đuổi cách làm thuận theo tự nhiên mà gia đình chị Thảo đang áp dụng.

Với hiệu quả của phân bón từ chế phẩm IMO, chị Thảo quyết tâm sẽ chia sẻ cho cả cộng đồng cùng áp dụng, vừa giảm chi phí lại bảo vệ được môi trường.

Phân bón hữu cơ vi sinh từ chế phẩm IMO do gia đình chị Thảo tự sản xuất. Ảnh: Tuấn Anh.

Phân bón hữu cơ vi sinh từ chế phẩm IMO do gia đình chị Thảo tự sản xuất. Ảnh: Tuấn Anh.

“Thấy được hiệu quả nên hiện cũng đã có khoảng 2 - 3 hộ dân trong vùng bắt đầu học theo mô hình làm nông nghiệp hữu cơ giống gia đình tôi, không dọn sạch cỏ và dùng chế phẩm IMO. Lo sợ các hộ dân bỏ giữa chừng, mình lại đến khuyên mọi người hãy kiên định bởi trồng theo hướng hữu cơ rất hiệu quả, trong khi chi phí đầu tư rất thấp. Quan trọng hơn, sức khỏe gia đình, môi trường về sau không bị ảnh hưởng”, chị Thảo chia sẻ và cho biết, đến nay các hộ dân đã quen dần với việc chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ, đồng thời lan tỏa mô hình này đến nhiều người dân trong vùng.

Không chỉ trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, chị Thảo còn hướng đến việc chế biến sâu sản phẩm từ cà phê. Hiện vườn cà phê của gia đình chị Thảo cung cấp ra thị trường với nhiều sản phẩm từ cà phê thô, cà phê rang xay và cà phê bột. Năm vừa qua, gia đình chị Thảo cung cấp ra thị trường khoảng 4 tấn cà phê bột. Với giá 300.000 đồng/kg, gia đình thu về khoảng hơn 100 triệu đồng.

Bình luận