Dấu ấn từ định hướng 'nông nghiệp xanh' của Đồng Hỷ

Bình luận · 215 Lượt xem

Với định hướng phát triển 'nông nghiệp xanh' theo hướng hữu cơ, an toàn, Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã tạo dấu ấn đặc biệt trong ngành nông nghiệp xứ trà.

Dễ đạt sao OCOP nhờ sản xuất VietGAP, hướng hữu cơ

Huyện Đồng Hỷ hiện có hơn 3.900ha chè, trong đó có 2.120ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Những năm gần đây, huyện Đồng Hủy đã tập trung xây dựng các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện theo hướng hữu cơ, bền vững, gắn với xây dựng nhãn hiệu tập thể, đặc biệt là vùng chè Sông Cầu, vùng chè Văn Hán...

Song song đó, huyện cũng ưu tiên hỗ trợ vốn vay ưu đãi và kết nối thị trường cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chè, nhất là các đơn vị, HTX, doanh nghiệp sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Từ khi tập trung cho hướng đi này, vùng chè Đồng Hỷ đã trở thành một trong 4 vùng chè nổi tiếng ở Thái Nguyên.

Chè là một trong những cây trồng chủ lực của nền 'nông nghiệp xanh' của Đồng Hỷ. Ảnh: Đào Thanh.

Chè là một trong những cây trồng chủ lực của nền "nông nghiệp xanh" của Đồng Hỷ. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay, HTX chè Nguyên Việt (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ) có hơn 30 thành viên, với vùng nguyện liệu chè 50ha, trong đó có 10ha đang triển khai thủ tục cấp mã số vùng trồng, 10ha đang triển khai theo hướng hữu cơ. Mỗi thành viên HTX có thu nhập từ chè khoảng 90 triệu đồng/năm. HTX cũng có 4 sản phẩm trà đạt 4 sao OCOP, 1 sản phẩm đạt 3 sao OCOP.

Bà Uông Thị Lan, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chè Nguyên Việt cho biết, sự hỗ trợ đồng hành của nhà nước là nguồn lực to lớn để HTX mở rộng phát triển sản xuất chè theo hướng sạch, hữu cơ. Đặc biệt năm 2021, HTX tiếp tục được đầu tư thực hiện dự án “Liên kết phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh chè tiêu chuẩn VietGAP – định hướng hữu cơ”, thời gian thực hiện dự án 5 năm, với tổng kinh phí hơn 7,9 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn nông thôn mới hơn 4,4 tỷ đồng, còn lại là kinh phí đối ứng.

Xây dựng mô hình liên kết gắn với sản phẩm nông nghiệp chủ lực và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tốt, xã Văn Hán (huyện Đồng Hỷ) đã được đầu tư hơn 2,4 tỷ đồng để hỗ trợ phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất theo hướng hữu cơ; hỗ trợ máy móc phục vụ chế biến chè, bao bì nhãn mác… Từ các nguồn vốn hỗ trợ, đã giúp xã hình thành được 8 HTX và 21 tổ hợp tác liên kết hỗ trợ lẫn nhau phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm.

HTX Thái Minh (xã Văn Hán) hiện nay có 30ha chè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 5ha chè của các thành viên trong HTX (diện tích còn lại HTX  liên kết với các hộ dân trong vùng). Không dừng lại ở tiêu chuẩn VietGAP, HTX đang triển khai xây dựng vùng nguyên liệu chè 5ha theo hướng hữu cơ, tiến tới đạt chuẩn hữu cơ và đã đăng ký mã vùng trồng cho 5ha chè này. Tương lai, HTX sẽ vận động và hỗ trợ những hộ gia đình liên kết sản xuất với HTX chuyển hoàn toàn 30ha chè sang sản xuất theo hướng hữu cơ.

Nông nghiệp Đồng Hỷ đang hình thành những vùng chuyên canh hàng hóa lớn, gắn với 'phát triển xanh'. Ảnh: Đào Thanh.

Nông nghiệp Đồng Hỷ đang hình thành những vùng chuyên canh hàng hóa lớn, gắn với "phát triển xanh". Ảnh: Đào Thanh.

Chị Nguyễn Thị Vân, Giám đốc HTX Thái Minh cho biết, điều thuận lợi nhất thúc đẩy sản xuất chè theo hướng VietGAP, hữu cơ đó là khi các sản phẩm tham gia chương trình OCOP đều dễ dàng đạt sao nhờ có vùng nguyên liệu an toàn. Đến nay, HTX đã có 4 sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao và 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. HTX cũng là cầu nối quan trọng trong việc liên kết với các HTX khác trong xã như HTX Thùy Lộc, Thụy Hòa, Văn Hán… để hình thành vùng nông nghiệp tốt rộng lớn và nâng cao thương hiệu, giá trị của cây chè trên thị trường.

Hiện nay, toàn huyện Đồng Hỷ có 74 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, trong đó nhiều HTX đã có vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP và đang chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu biểu như HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thái, HTX chè Thịnh An, HTX chè an toàn Nguyên Việt, HTX chè Sáo Thịnh…

Để tạo điều kiện giúp các HTX hoạt động hiệu quả, huyện đã kết nối cho các HTX tham gia các hội chợ thương mại quy mô khu vực và toàn quốc để kích cầu tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, huyện cũng tạo điều kiện giúp 6 HTX tiếp cận nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX với tổng số vốn hơn 6,1 tỷ đồng…

Dẫn đầu tỉnh về sản phẩm đạt sao OCOP 

Với 36 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có 18 sản phẩm đạt 3 sao, 17 sản phẩm đạt 4 sao và sản phẩm miến dong Việt Cường đạt 5 sao OCOP, huyện Đồng Hỷ trở thành địa phương dẫn đầu của tỉnh Thái Nguyên về sản phẩm nông nghiệp đạt sao OCOP.

Nhiều sản phẩm nông sản của Đồng Hỷ đã tìm được chỗ đứng trên thị trường nhờ được phát triển theo tiêu chuẩn GAP, hướng hữu cơ. Ảnh: Đào Thanh.

Nhiều sản phẩm nông sản của Đồng Hỷ đã tìm được chỗ đứng trên thị trường nhờ được phát triển theo tiêu chuẩn GAP, hướng hữu cơ. Ảnh: Đào Thanh.

Nhận thức rõ "nông nghiệp xanh, kinh tế xanh" là xu hướng tất yếu của tương lai, những năm qua, huyện Đồng Hỷ đã hình thành được những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn GAP, chuyển dần sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Nổi bật như mô hình trồng lúa chất lượng cao tại các xã Nam Hòa, Văn Hán, Minh Lập, Tân Long, Hoá Trung với quy mô 200ha, trong đó có 54ha đạt chuẩn VietGAP; mô hình trồng rau chuyên canh tại các xã Hóa Thượng, Hóa Trung, Minh Lập… với diện tích 655ha, tổng sản lượng hơn 12.000 tấn/năm; vùng trồng na tại xã Quang Sơn, Tân Long, vùng trồng nhãn tại xã Hóa Thượng, Hóa Trung cho giá trị kinh tế lên tới 150 triệu đồng/ha…

Những mô hình nông nghiệp tốt, chuyên canh đã giúp thay đổi tư duy và nhận thức của người dân ở Đồng Hỷ. Nông dân mạnh dạn hơn khi áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp như: Sử dụng cùng một giống chất lượng, cùng áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ... Từ đó, không chỉ góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, hình thành tư duy sản xuất hàng hóa mà còn dần thay đổi tư duy sản xuất sang hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tham gia mô hình cánh đồng lớn, gia đình bà bà Trần Thị Năm (xóm Chí Son, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ) cấy 4 sào lúa giống J02. Bà Năm cho biết, trước đây khi chưa tham gia mô hình cánh đồng lớn, gia đình trồng lúa manh mún, thường gieo cấy 2 giống lúa khác nhau nên việc chăm sóc khá vất vả, mất nhiều thời gian, năng suất không đồng đều. Từ khi tham gia sản xuất trên cánh đồng lớn, cấy cùng một giống nên dễ chăm sóc, hạn chế sâu bệnh; việc quản lý, điều tiết nước, làm đất... cũng thuận lợi hơn.

Nhờ định hướng sản xuất dựa trên 'nền tảng xanh', nông nghiệp Đồng Hỷ đã khẳng định vị thế vững chắc ở Thái Nguyên. Ảnh: Đào Thanh.

Nhờ định hướng sản xuất dựa trên "nền tảng xanh", nông nghiệp Đồng Hỷ đã khẳng định vị thế vững chắc ở Thái Nguyên. Ảnh: Đào Thanh.

Để nông dân có điểm tựa, Huyện ủy, UBND huyện Đồng Hỷ đã triển khai nhiều chương trình, nghị quyết, chính sách kết nối giúp nông dân mở rộng thị trường, nâng tầm thương hiệu nông sản của địa phương. Trong đó riêng năm 2022, huyện đã hỗ trợ xây dựng website nhằm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm trên không gian mạng cho 3 HTX; cấp 44.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 3 sản phẩm.

Việc phát triển nông nghiệp tốt, chuyển dần sang hướng hữu cơ, bền vững, gắn với liên kết, mở rộng thị trường đã giúp nông nghiệp huyện Đồng Hỷ có nhiều đột phá. Nếu như năm 2020, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của huyện chỉ đạt 110,2 triệu đồng thì đến nay đã đạt khoảng 124 triệu đồng. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã đạt tiêu chuẩn VietGAP như chè, miến dong, gạo..., có vị thế trên thị trường trong nước và bước đầu vươn ra thế giới. 

Huyện Đồng Hỷ phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành huyện về đích nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên. Do đó, tiêu chí thu nhập và nâng cao đời sống của người dân luôn là một trong những mục tiêu quan trọng mà huyện đang nỗ lực thực hiện.

Việc phát triển nông nghiệp tốt, theo hướng hữu cơ, bền vững, gắn với hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa lớn đang cho thấy bước đi đúng hướng của huyện Đồng Hỷ.

Bình luận