Công nghệ chăn nuôi hiện đại
Theo chân lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, chúng tôi đến trang trại chăn nuôi heo quy mô 48.000 con của Công ty TNHH Khang Thọ, trang trại vừa hoàn thành và đi vào hoạt động hơn 1 năm, hiện đang nuôi lứa heo thứ 3.
Trang trại heo hậu bị của Công ty Khang Thọ nằm riêng biệt trên vùng đất đồi thấp, cách xa khu dân cư. Tổng diện tích 112ha, trong đó, khu chăn nuôi, chuồng trại heo hơn 25ha. Toàn bộ trang trại được bao quanh bởi bức tường cao 2m.
Xung quanh tường là con đường nội bộ dài 5km do Công ty đầu tư để vận chuyển. Xe chạy trên con đường này khoảng 10 phút mới đến cổng chính dẫn vào khu trại, dù ngay phía trong bức tường là hàng ngàn con heo, nhưng môi trường vẫn khá trong lành, không bị ô nhiễm mùi hôi như thường thấy. Trang trại chăn nuôi Khang Thọ khánh thành tháng 2/2022, sau khi được cấp giấy phép môi trường, Công ty đã hoàn thành lứa nuôi đầu tiên với 48.100 con, hiện đang nuôi lứa thứ 3.
Đón chúng tôi ngay tại cổng trang trại, ông Vũ Văn Khang, Giám đốc Công ty cho biết, chúng tôi chỉ có thể đứng bên ngoài nói chuyện chứ không được vào bên trong trang trại.
“Hệ thống chuồng trại xây dựng theo công nghệ hiện đại và mới nhất của Tập đoàn Japfa. Tổng chi phí đầu tư theo thiết kế ban đầu là 350 tỷ đồng, nhưng quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều thứ, đến khi hoàn thành lên tới 430 tỷ đồng. Chỉ riêng phần mái lợp chuồng đã ngốn cả đống tiền, vì tôi lợp loại tôn lạnh dày, cách nhiệt tốt để ổn định nhiệt độ bên trong, ngoài ra, còn có hệ thống máy lạnh, quạt gió, đèn sưởi…”. Ông Khang nói.
Đây là mô hình trại lạnh, nhưng là heo khô, tức heo không tắm. Còn về công nghệ có một số cải tiến mới về chuồng trại, đường đi của chất thải, quy trình, công nghệ khác một chút so với các mô hình lâu nay các tập đoàn chăn nuôi áp dụng.
"Như ở đây, chuồng được thiết kế 2 tầng, bên trên là nơi heo ở, tầng dưới chứa nước, độ sâu khoảng 40cm, khoảng cách giữa sàn heo ở đến mặt nước khoảng 40cm, sàn chuồng heo làm từ tấm đan thép dày, có lỗ cho chất thải lọt xuống nước phía dưới. Hầm chứa thải được pha một số loại dung dịch, chế phẩm vi sinh để xử lý mùi và ủ hoai cho phân.
Giai đoạn tiếp theo trong quy trình xử lý chất thải là tách phân, nước thải riêng. Nước chảy vào hầm biogas xử lý tiếp để đưa ra môi trường, còn chất thải rắn sẽ ủ thành phân hữu cơ bằng công nghệ Hàn Quốc với độ ẩm từ 25-30%”, ông Khang nói tiếp.
Chỉ một đống phân heo đã qua xử lý ngay mảnh đất nhỏ trồng các loại cây cảnh trước sân nhà, ông Khang nói: “Đó là phân hữu cơ đã qua xử lý, rất khô ráo, không còn chút mùi hôi nào. Nguồn phân hữu cơ ở đây rất lớn, sau khi xử lý, sản lượng có thể lên tới 15 tấn/ngày. Tôi có thể cung cấp cho nông dân, các trang trại trồng trọt với giá rẻ hơn nhiều so với mua từ các công ty chuyên sản xuất phân bón”.
Ông Khang cho biết, do phần lớn công việc ở trang trại được vận hành tự động nên dù trang trại rộng tới 25ha, nuôi gần 50.000 heo, nhưng chỉ có 30 nhân công làm mọi công việc, có thời điểm chỉ có 25 người làm.
Tôi hỏi: “Vậy những lúc nhập heo giống hay heo xuất chuồng thì cần bao nhiêu người?”. Ông Khang đáp: “Cũng không cần nhiều người. Vì có phải bắt từng con đâu. Heo giống người ta đưa thẳng thùng xe vào, lùa đàn heo xuống chuồng như lùa gà, đàn vịt thôi, còn khi xuất chuồng ngược lại, đàn heo được lùa đi qua qua hệ thống cân tự động, sau đó đi thẳng lên thùng xe”.
Trách nhiệm với môi trường cộng đồng
Theo ông Khang, đối với các trang trại chăn nuôi heo, xử lý mùi và nước thải là 2 vấn đề quan trọng bậc nhất. “Nếu không xử lý được chất thải, vấn đề môi trường, tôi chưa làm. Vì đó là một trong những yêu cầu bắt buộc. Không thể vì mục đích cá nhân mà làm ảnh hưởng đến cộng đồng, làm ô nhiễm môi trường được. Vì thế, Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho hệ thống xử lý nước thải bằng những công nghệ hiện đại nhất của châu Âu, xử lý kết hợp 3 phương pháp sinh học, vật lý và hóa lý.
Nhu cầu sử dụng nước mỗi ngày của trang trại hơn 1.000m3, trong đó, nước phục vụ trực tiếp cho hoạt động chăn nuôi hơn 700m3. Để xử lý khối lượng nước lớn này ra môi trường đạt chuẩn, trang trại đã đầu tư 3 hầm biogas, sử dụng hệ thống xáo trộn với các vi sinh vật kỵ khí nhằm phân hủy hiệu quả các chất hữu cơ ô nhiễm cao. Công suất xử lý của toàn bộ hệ thống biogas đạt 800m3 ngày/đêm. Bên cạnh mỗi hầm có hồ chứa nước thải rộng 2.000m2”, ông Khang nói.
Dẫn chúng tôi ra tham quan khu xử lý nước thải, ông Khang cho biết, khó khăn lớn nhất của trang trại chính là không có nước ngầm, không thể khoan giếng. Cho nên, ông phải đầu tư thêm một hồ chứa nước mưa và hệ thống máy bơm công suất lớn, cùng hàng ngàn mét đường ống để bơm nước từ một con suối cách khá xa phục vụ chăn nuôi.
“Xử lý mùi các anh có thể kiểm chứng bằng mũi. Còn nước thải tôi sẽ dẫn các anh xem hệ thống hầm biogas, sờ tận tay loại nước thải từ heo sau khi xử lý để cho ra môi trường như thế nào. Đây là một trong những công đoạn tôi quan tâm nhất.
Vì thế, trước khi làm, tôi tham khảo qua mấy doanh nghiệp chuyên xử lý môi trường, sau cùng tôi chọn một doanh nghiệp ở tận Sài Gòn. Đây là một doanh nghiệp không lớn, nhưng đã làm hệ thống xử lý chất thải quy mô lớn cho tập đoàn Vinamilk, TH True milk. Và tôi hài lòng về kết quả. Ngay lần đầu kiểm nghiệm, nước đã đạt chuẩn cột A Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi rồi”. Ông Khang nhấn mạnh.
Để chứng minh, ông Khang dẫn chúng tôi đi từng hồ nước thải, ở hồ xử lý đầu tiên, nước có màu đen, nặng mùi, đến hồ thứ 2, nước trong hơn, mùi hôi giảm hẳn. Còn ở hồ nước cuối cùng, nước thải đã hoàn toàn sạch. Tôi hứng 1 bụm tay từ vòi chiếc máy bơm đưa lên mũi ngửi, không cảm nhận thấy bất cứ mùi gì. Chỉ tay xuống mặt nước hồ thải ra môi trường, ông Khang nói: “nước này giống như ngoài sông, suối rồi, tôi đang nuôi một số loại cá tạp dưới đó”.
Sau khi trang trại heo Khang Thọ hoàn thành, nhiều hộ dân quanh vùng được hưởng lợi. Ông Khang cho biết, công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng để san ủi, làm con đường bê tông chạy quang bức tường công ty, nhờ vậy, nhiều hộ dân đã có con đường sạch sẽ để đi.
Ngoài ra, khu vực này còn rất nhiều hộ gia đình gần trang trại chưa có điện lưới, Công ty Khang Thọ đã đầu tư đường điện hạ thế từ hệ thống điện cao thế ngoài đường, cách 5-6 cây số vào để phục vụ chăn nuôi, và hỗ trợ mắc điện cho các hộ dân gần trang trại.
“Tôi bỏ tiền trồng cột điện, đầu tư đường dây, câu dây vào từng nhà miễn phí cho họ, mấy tháng đầu còn trả luôn tiền điện hàng tháng cho họ nữa”, ông Khang nói.
"Trang trại chăn nuôi heo của Công ty Khang Thọ rất bài bản, có thể nói là hiện đại nhất Đắk Nông hiện nay. Quy mô đầu tư cho thấy, chủ trang trại là người không tiếc tiền để có một trang trại chăn nuôi đạt chuẩn và cũng là người rất có trách nhiệm với cộng đồng, môi trường. Địa phương mong ngày càng có nhiều những mô hình kinh tế bài bản như vậy", ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông.
Hồng Thuỷ