Biện pháp phòng trị Bệnh thối nhũn trái mít Thái

Bình luận · 202 Lượt xem

Bệnh thối nhũn trái mít Thái tại tỉnh Hậu Giang được xác định do vi khuẩn Dickeya dadantii gây ra, theo một kết quả nghiên cứu khoa học cấp tỉnh do Viện Di truyền nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện

Ngày 29/11/2022, Sở Khoa học và Công nghệ Hậu Giang tổ chức hội thảo Kết quả nghiên cứu và hiệu quả mô hình phòng trị bệnh thối nhũn trái mít tại tỉnh Hậu Giang, thuộc đề tài Xác định tác nhân và nghiên cứu giải pháp phòng trị thối nhũn trái mít Thái trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Tại buổi Hội thảo, TS. Nguyễn Thành Đức và TS. Mai Đức Chung thuộc Viện Di truyền nông nghiệp đã thông tin về tác nhân gây bệnh thối nhũn trái mít thái trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là do vi khuẩn Dickeya dadantii gây ra. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều kết quả nghiên cứu về tác nhân gây bệnh thối nhũn trái mít. Theo một kết quả nghiên cứu ở Malaysia, bệnh thối nhũn trái mít do vi khuẩn Dickeya fangzhongdai, còn theo một kết quả nghiên cứu khác ở Tiền Giang, bệnh thối nhũn trái mít do vi khuẩn Klebsiella variicola gây ra. Hiện nay, việc xác định đúng tác nhân gây bệnh thối nhũn trái mít thái ở Hậu Giang là do vi khuẩn Dickeya dadantii là rất cần thiết, từ đó giúp sử dụng đúng loại thuốc phòng trừ và hạn chế việc kháng thuốc.

Đại diện Viện Di truyền nông nghiệp đã đưa ra một số khuyến cáo về biện pháp phòng trị bệnh thối nhũn trái mít thái như sau: 

Cây mít thái ở Hậu Giang có tên khoa học là Artocarpus heterophyllus thuộc bộ Hoa hồng (Rosales), họ Dâu tằm (Moraceae), chi Mít (Artocarpus).

Về tác nhân gây bệnh:

Kết quả phân lập tác nhân gây bệnh thối nhũn trái mít từ mẫu bệnh cho thấy có 12 chủng vi khuẩn khác nhau và 5 chủng nấm từ mẫu mít nhiễm bệnh. Trong đó chủng vi khuẩn MVK-HG5 (vi khuẩn Dickeya dadantii) được xem là tác nhân chính.

Kết quả nghiên cứu cũng đã xác định được một loại thuốc bảo vệ thực vật có hiệu lực trong ức chế tác nhân gây bệnh phát triển là Poner 40TB, Kasumin 2SL, Oxycin 100WP.

Về một số yếu tố làm cho bệnh phát triển mạnh:

Do mật độ trồng hiện nay khá dày, sâu bệnh hại dễ xâm nhập.

Do cây mít là cây ăn quả không chịu úng, trong khi một số nơi có vùng đất thấp.

Do chưa sử dụng nhiều phân hữu cơ trong vườn để cải tạo đất, trong khi sử dụng nhiều và dư thừa lượng phân hóa học.

Do trong mùa mưa độ ẩm trong vườn cao cũng là một nguyên nhân lây lan bệnh nhanh.

Về triệu chứng bệnh:

Trên gai trái phát hiện chấm đen hoặc bị ruồi chích, sau đó trái chuyển sang màu vàng nhạt, màu trái không đều, gai trái không đều, bóp bên trong mềm và nhũn. Vỏ chuyển dần sang màu thâm và đen, xẻ trái ra có múi bị thối. Cuống quả lỏng lẻo, mỏng, quả dễ rụng.

Bệnh khó phát hiện sớm, khi đã thấy có xuất hiện vết đen nhỏ bên ngoài vỏ trái là bên trong đã bị thối nhũn mức độ rất nặng. Vết đen dần loang rộng, dần chuyển thành màu xám nơi vết bệnh. Giai đoạn cuối, hỏng toàn bộ trái, sinh nhiều khí bên trong ruột trái, áp lực khí cao gây hiện tượng bể trái.

Bệnh có thể xuất hiện ở tất cả các giai đoạn phát triển trái, từ trái nhỏ đường kính 12-15cm đến các trái trưởng thành ở giai đoạn gần thu hoạch gây tổn thất năng suất.

Bệnh phát triển quanh năm, tập trung vào giai đoạn giao mùa giữa mùa khô với mùa mưa và trong cả mùa mưa.

Biện pháp quản lý bệnh hại:

Cần sử dụng cân đối phân hóa học, không bón thừa phân hóa học.

Bổ sung phân hữu cơ có chế phẩm sinh học để cải tạo đất và phòng trừ nấm bệnh trong đất.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trừ vi khuẩn có gốc hoạt chất Streptomycin, Tetracycline, Kasugamycin (Oxycin 100WP, Poner 40TB, Kasumin 2SL,...). Sử dụng thuốc trừ sâu, ruồi vàng, nấm thông dụng tại địa phương.

Sử dụng chất bám dính sinh học NEEM hoặc các chất bám dính tương tự.

Bón phân hóa học: Đối với cây mít Thái giai đoạn kinh doanh, bón phân hóa học NPK theo tỷ lệ 2:3:3. Trên 1 cây bón làm 4 lần. Sử dụng Kali K2SO4.

+ Lần 1: trước khi ra hoa, bón 500 gram/cây.

+ Lần 2: đậu trái được 30 ngày, bón 259 gram/cây.

+ Lần 3: đậu trái được 75 ngày, bón 250 gram/cây.

+ Lần 4: sau khi thu hoạch bón 500 gram/cây.

Tổng 4 lần bón 1,5 kg/cây. Trên 100 cây cần bón 150 kg. Để đạt tỷ lệ NPK 2:3:3. lương phân cần phối trộn: 22kg đạm, 78kg DAP, 70kg Kali K2SO4 .

Bón phân hữu cơ:

Bón phân hữu cơ 1 đợt/năm. Lượng phân 4kg/gốc đối với phân hữu cơ vi sinh, bón vào đầu tháng 3 dương lịch. Và bón 20kg phân chuồng ủ hoai.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:

Đảm bảo nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Lưu ý pha bổ sung chất bám dính nhằm nâng cao hiệu quả của thuốc.

Sử dụng luân phiên các gốc hoạt chất để tránh tình trạng kháng thuốc.

Các mốc thời gian xử lý thuốc phòng, trừ bệnh:

+ Phun thuốc phòng bệnh (bằng chế phẩm sinh học), kết hợp khi bón phân hữu cơ cải tạo đất và xử lý chế phẩm cải tạo đất. 

+ Tiếp tục phun thuốc phòng bệnh (bằng chế phẩm sinh học), kết hợp khi xử lý chế phẩm cải tạo đất lần 2 (khoảng 1,5 tháng sau).

+ Phun ngừa trái non (bằng hóa học), kết hợp khi bón phân lần đầu. Cách 15 ngày sau phun ngừa lần tiếp theo (bằng chế phẩm sinh học). Phun đều các lá và trái trên cây.

+ Phun ngừa trái non khoảng 1,5 tháng (bằng hóa học), kết hợp khi bón phân lần 2. Cách 15 ngày sau phun ngừa lần tiếp theo (khi trái khoản 2 tháng, bằng chế phẩm sinh học). Phun đều các lá và trái trên cây.

+ Phun ngừa trái non khoảng 2,5 tháng (bằng hóa học), kết hợp khi bón phân lần 3. Cách 15 ngày sau phun ngừa lần tiếp theo (khi trái khoản 3 tháng, bằng chế phẩm sinh học). Phun đều các lá và trái trên cây.

+ Phun ngừa trái giai đoạn khoảng 3 tháng (bằng chế phẩm sinh học).

Chú ý: Luân phiên thuốc hóa học và chế phẩm sinh học để phòng trừ bệnh. Thời gian mỗi lần xử lý phun ngừa khoảng 15 ngày. Thay đổi luân phiên các gốc hoạt chất thuốc. Khi cần thiết, sử dụng thuốc trừ sâu, trừ nấm để phòng trừ sâu bệnh khác, kết hợp trong cùng một lần phun. Loại chế phẩm sinh học cải tạo đất: Chế phẩm sinh học Biosoil. Loại chế phẩm sinh học trừ bệnh: Chế phẩm sinh học KETOMIUM.

Hiệu quả phòng trừ bệnh: Giúp giảm tỷ lệ trái bệnh còn từ 0-5%, giảm nhiều so với đối chứng (tỷ lệ trái bệnh từ 0-14%), so với mùa trước (tỷ lệ trái bệnh từ 0-20%).

 
 
Bành Đức Tín
TTKN và DVNN Hậu Giang
 
 
 

 

Bình luận