Một số lưu ý trong kỹ thuật canh tác lúa Hè Thu

Bình luận · 189 Lượt xem

Vụ hè thu đang được nông dân đang và chuẩn bị xuống giống sau khi thu hoạch vụ đông xuân. Thời tiết vụ Hè Thu có nhiều bất lợi như sáng sớm và đêm lạnh nhiều, trưa nắng gắt làm cho nhiệt độ chênh lệch cao và những bất l

Theo GS TS Nguyễn Bảo Vệ - Bộ môn Khoa học cây trồng, Khoa NN & SHUD, Trường Đại Học Cần Thơ thì canh lúa trong vụ Hè thu cần làm những việc sau:

  1. Giảm ngộ độc phèn cho lúa

Vùng đất trồng lúa tỉnh Kiên Giang ở đâu cũng có phèn, nhất là ở Tứ Giác Long Xuyên và Bán Đảo Cà Mau. Mặc dù phèn có khác nhau về mức độ nặng hay nhẹ và tầng phèn hiện diện ở những độ sâu khác nhau trong đất, nhưng nói chung là đất khá chua. Nông dân có thể đo độ chua của đất bằng cách lấy đất phơi khô, đâm nhuyển cho vào chai khoảng 100 g, sau đó thêm vào ¼ lít nước mưa, lắc đều trong khoảng 30 phút rồi để yên, dùng giấy đo pH ở phần nước trong trên mặt. Những vùng đất phèn, sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân lớp đất mặt bị khô sẽ kéo độc chất phèn từ tầng dưới lên tầng mặt gây ngộ độc cho lúa vụ Hè Thu. Để tránh hiện tượng nầy cần có biện pháp sau: 

-          Cày ải không cho độc chất phèn kéo lên lớp đất mặt. Cày ải còn tạo lớp đất che phủ hạn chế việc tạo thêm phèn của tầng đất bên dưới.

-          Nếu pH lớp đất mặt dưới 5 cần bón từ 30-50 kg vôi nung/công lúc làm đất để cung cấp Ca, tăng cường khả năng hoá giải độc chất của cây lúa và bón lót từ 20-30 kg phân lân nung chảy/công để cố định độc chất phèn trong đất.

-          Bơm nước rửa phèn trước khi xuống giống. Dùng giấy đo pH kiểm tra nước trong ruộng trước khi sạ, khi pH trên 5,5 là được.

-          Sau khi ruộng ngập nước khoảng 2 tuần, cần xả bỏ nước, vì độc chất sắt trong dung dịch đất lúc nầy tăng cao gây độc cho lúa.

-          Chọn giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày, cứng cây, kháng rầy nâu, kháng bệnh đạo ôn, chống chịu phèn, mặn, cho năng suất cao, có dạng hình đẹp như: OM 6976, OM 5451, OM 7347, OM 8923, OM 5954 và OM 8232 

  1. Tránh gây ngộ độc hữu cơ cho lúa

Khi cày vùi rơm rạ còn tươi vào đất ngập nước, vi sinh vật sẽ phân hủy chất hữu cơ nầy tạo ra nhiều độc chất như: acid hữu cơ, Hydrogene sulphide (H2S), ethylene (C2H4), methane (CH4). Những độc chất nầy gây chết rễ hoặc làm giảm khả năng hô hấp của rễ dẫn đến rễ hấp thu dưỡng chất kém. Để tránh cho lúa bị ngộ độc hữu cơ cần có biện pháp sau:

-          Phải có thời gian để cày vùi rơm rạ tươi vào đất ít nhất 3-4 tuần, rơm rạ sẽ phân hủy rồi mới trồng lúa được. Có thể phun thêm nấm Trichoderma để sự phân hủy nầy được nhanh chóng.

-          Nếu muốn trồng lúa ngay sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, phải cắt gốc rạ mang ra khỏi ruộng làm nấm hay ủ làm phân hữu cơ. Đốt đồng là biện pháp được chọn lựa cuối cùng.

-          Rút kiệt nước ruộng 2 lần vào lúc 2 tuần và 4 tuần sau khi sạ. Khi rút nước, phơi đất cho đến khi đất nứt chân chim mới bơm nước mới vào.

-          Bón vôi (loại vôi nung) lúc làm đất với liều lượng từ 30-50 kg/công. 

  1. Tránh nắng nóng đầu vụ lúa

Trong tháng 3 và đầu tháng 4 chưa có mưa, nắng nóng làm nước thoát hơi qua lá rất nhanh, nhưng rễ hút nước lên không kịp làm cây lúa héo tạm thời giữa trưa, lúc đó cây lúa bị stress. Do đó, xuống giống vào thời gian nầy sẽ làm cây lúa hấp thu dinh dưỡng kém, dễ bị sâu bệnh, chậm phát triển. Kết quả nghiên cứu nhiều nơi cho thấy xuống giống lúa vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 cho năng suất cao nhất, và khi thu hoạch thường rơi vào gian đoạn hạn Bà Chằng, nắng ráo nhẹ công phơi lúa.  

  1. Hạn chế lúa đổ ngã

Cây lúa đổ ngã ảnh hưởng đến quang hợp của lá, quá trình tạo hột bị đình trệ do sự vận chuyển chất khô bị trở ngại, tỷ lệ hạt bị lép và lửng gia tăng. Khi lúa ngã, bông lúa ngập trong nước làm hạt nẩy mầm, hư thối do bệnh tấn công, giảm chất lượng gạo. Do đó, lúa ngã có năng suất thấp, chất lượng hạt gạo kém và gây khó khăn trong thu hoạch nhất là thu hoạch bằng máy. Nguyên nhân làm cho cây lúa đổ ngã là do lóng vươn dài, thân và bẹ lá yếu không mang nổi bông. Vào vụ Hè Thu nắng ít, mưa gió nhiều cây lúa đổ ngã nghiêm trọng, cần có biện pháp khắc phục như sau:

-          Lúa ngã bật rễ là do nền đất mềm nhảo, phải rút nước giữa vụ để đất được nén dẽ.

-          Không sạ quá dầy làm lúa cạnh tranh ánh sáng vươn cao, lóng dài, yếu ớt, vách tế bào mỏng dễ bị gảy.

-          Không bón dư thừa phân đạm, vì thế làm cho tế bào giãn dài quá độ nên lóng dài, thân yếu dễ đổ ngã.

-          Bón phân kali 3-5 kg K2O/công. Kali giúp vận chuyển tinh bột đến hạt, là chất góp phần làm gia tăng độ dày và độ chặt của thân, duy trì sức trương của tế bào, chống lại đổ ngã.

-          Chọn giống lúa cứng rạ, lóng ngắn. 

  1. Ngăn chận ốc Bưu Vàng tấn công lúa

Ốc Bưu Vàng là dịch hại khá nghiêm trọng trong canh tác lúa. Phải có biện pháp canh tác tổng hợp để hạn chế được sự thiệt hại do ốc bưu vàng gây ra. Chỉ hy vọng hạn chế chứ không thể diệt chúng một cách triệt để được. Biện pháp như sau:

-          Đào rãnh thu gom ốc trong ruộng và xung quanh ruộng thường xuyên. Cắm cọc nhử ốc đến đẻ trứng mà diệt. Thả vịt vào ruộng ăn ốc.

-          Ngăn ốc vào ruộng bằng cách dùng lưới chắn những chỗ có đường nước chảy vào ruộng.

-          Ruộng có nhiều ốc thì phải tăng lượng giống gieo sạ lên từ 5-10% so với những ruộng bình thường khác để trừ hao hụt do ốc gây hại sau nầy.

-          Ốc gây hại nhiều lúc cây lúa còn nhỏ, chỉ nên để mực nước ruộng sâu khoảng 2-3 phân.

-          Những ruộng đang bị ốc gây hại nhiều, có thể dùng thuốc diệt ốc rải vào những chỗ có nhiều ốc.

  1. Tăng khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất

            Độ phì của đất giữ vai trò quan trọng trong duy trì năng suất lúa, nhất là lúa Hè Thu. Sau vụ Đông Xuân, đất đã cạn kiệt dinh dưỡng hữu dụng, cần được phục hồi. Không thể nào chỉ dùng phân bón để thay thế độ phì tự nhiên của đất mà tạo ra năng suất mong muốn được. Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy độ phì của đất đóng góp vào năng suất lúa trên 50%, nghĩa là dinh dưỡng mà cây lúa hấp thụ có nguồn gốc từ đất chiếm trên 50%. Do đó, cần phải thực hiện những biện pháp sau đây:

-          Cày ải phơi đất tạo điều kiện cho vi sinh vật háo khí trong đất hoạt động. Ông bà ta có câu "một cục đất nỏ bằng một giỏ phân". Phơi ải đất ít nhất cũng phải được vài tuần. Ở vùng đất phèn, trong thời gian phơi ải phải giữ nước trong mương trên tầng phèn để tránh xì phèn (nhờ cán bộ kỹ thuật địa phương xác định độ sâu tầng phèn).

-          Khi đất còn ẩm dùng máy cày cày sâu 15-20 cm. Cày sâu giúp rễ lúa ăn sâu, lấy được nhiều dinh dưỡng từ đất, giảm được phân bón. Cày phải đúng lúc, không cày khi đất còn quá ướt hay để đất quá khô. Hiện nay, phần lớn đất chỉ được xới cạn nên tầng canh tác mỏng chỉ 8-10 cm. 

-          Nông dân trồng lúa có bón phân kali nhưng còn rất ít, chỉ khoảng một bao KCl/ha (25 kg K/ha), trong khi trung bình để có 1 tấn lúa, cây lúa cần từ 17 - 30 kg kali. Điều nầy dẫn đến sự suy thoái kali trong đất. Phải hoàn trả lại đủ kali cho đất./.

 
 
Lê Minh Chiến - TTKN&DVNN Hậu Giang
Sưu tầm: https://coa.ctu.edu.vn/khuyen-nong-khct/533-mot-so-luu-y-trong-ky-thuat-canh-tac-lua-vu-he-thu.html
 
 
 

 

Bình luận