Cây na mang hy vọng đổi đời cho người Mông

Bình luận · 165 Lượt xem

Sau 3 năm được hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng giống na nhập nội từ Thái Lan, Đài Loan, bà con người Mông ở xã Suối Bu đã thu những quả ngọt đầu tiên.

Đến thăm vườn na của gia đình chị Vàng Thị Xinh ở thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn (Yên Bái), từ xa đã thấy dáng nhỏ nhắn của chị Xinh đang tất bật thu hái những quả na to mọng, có quả lớn cỡ gần 1kg. Đây là thành quả sau hơn 3 năm chăm sóc.

 

Gia đình chị Xinh trồng giống na Thái Lan và Đài Loan do dự án của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật - Thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái (Sở Khoa học - Công nghệ Yên Bái) hỗ trợ. Đây là dự án nhằm hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu sản phẩm cho địa phương. Tham gia dự án này, gia đình chị Xinh được hỗ trợ 200 cây giống, phân bón và được các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Chị Xinh phấn khởi cho biết năm nay na đã cho thu hoạch quả bói được hơn 60kg, bán cho thương lái địa phương với giá từ 70.000 – 90.000 đồng/kg, tổng thu nhập gần 5 triệu đồng, cao hơn so với trồng ngô, sắn nhiều lần.

 

Ở nương na bên cạnh, bố con anh Vàng A Sếnh mang theo cả cuốc để tranh thủ xới cỏ, vun gốc cho na ngay sau khi thu hoạch quả. Gia đình anh Sếnh trồng gần 150 gốc na theo dự án, đến nay cây na sinh trưởng, phát triển tốt. Năm nay na mới cho quả bói nên mỗi cây anh chỉ để khoảng chục quả. Sau 3 năm trồng, hiện cây na đã cao khoảng 2m, tán rộng.

 

Anh Sếnh chia sẻ, việc chăm sóc cây na Thái Lan và Đài Loan đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhiều so với các cây trồng khác. Tuy nhiên nhờ được cán bộ khuyến nông hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên nên anh Sếnh cũng dần quen. Bên cạnh phân bón được hỗ trợ, anh còn bón thêm phân chuồng ủ hoai mục cho na.

 

 

Ở xã Suối Bu, thời tiết thường khô hạn vào tháng 3 - 4. Để đảm bảo nước tưới cho cây na, anh Sếnh tận dụng những hốc đá, khe nước rồi đắp thành ụ giữ nước trên nương để tiện cho việc tưới cây. Những kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, bón phân, chăm hoa, quả... cũng đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ. 

 

Sau hơn 3 năm tham gia dự án trồng 2 giống na nhập nội của Thái Lan và Đài Loan, hơn chục hộ dân người Mông ở thôn Bu Cao (xã Suối Bu) đã bước đầu nắm được kỹ thuật chăm sóc và gặt hái những thành quả đầu tiên. Năng suất vụ đầu tiên chưa cao, nhưng chất lượng quả được đánh giá thơm, ngọt; cây na sinh trưởng, phát triển tốt.

 

Ông Vàng A Dơ - Bí thư Chi bộ thôn Bu Cao phấn khởi cho biết, cả thôn có 18 hộ tham gia trồng na với diện tích hơn 5ha trên đất dốc. Vụ thu hoạch quả bói năm nay, dự kiến năng suất đạt gần 1 tấn/ha.

 

Bu Cao là thôn có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống với 140 hộ dân, gần 700 nhân khẩu. Hiện nay, 77% số hộ dân ở đây thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Đời sống người dân dựa vào chăn nuôi nhỏ lẻ, thường trồng lúa, ngô, sắn ở những thửa ruộng nhỏ ven suối, ven đồi. Chính vì vậy, việc đưa cây na vào sản xuất có tính hàng hóa đang mang lại hi vọng đổi đời cho bà con, đồng thời giúp người dân nơi đây tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất.

 

Bà Sùng Thị Xía - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bu cho biết, hiện toàn xã có hơn 12ha na đã được trồng theo dự án hỗ trợ của tỉnh. Hiện cây na cơ bản sinh trưởng, phát triển tốt và đã cho thu hoạch, bước đầu mang lại thu nhập khá cho bà con.

 

Hiện nay, xã đang tính toán, xây dựng kế hoạch vận động bà con mở rộng diện tích trồng giống na Thái Lan, Đài Loan. Bên cạnh đó, tiếp tục đề nghị các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc và kết nối tiêu thụ sản phẩm để người dân yên tâm gắn bó với cây ăn quả còn khá mới mẻ này.

 

 

Thanh Tiến

Bình luận