Xuất khẩu ngao đầy tiềm năng
Sản xuất, khai thác và chế biến ngao đang dần trở thành nguồn sinh kế quan trọng của người dân vùng ven biển, góp phần cải thiện thu nhập và sinh kế. Các mặt hàng nhuyễn thể, trong đó có ngao không chỉ được ưa chuộng trong nước, mà còn thuộc nhóm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2023 đạt 98 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng xuất khẩu ngao đạt 62 triệu USD.
Top 9 thị trường xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của nước ta 9 tháng đầu năm nay là Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông.
Ngoài ra, sản phẩm ngao Việt Nam hiện đã có mặt và chinh phục gần 60 thị trường trên thế giới. Cùng với những lợi thế về sản xuất trong nước cộng với dư địa lớn về thị trường tiêu thụ, ngành hàng ngao kỳ vọng sẽ vươn tầm cao mới trong tương lai.
Nhiều doanh nghiệp đang chú trọng đầu tư công nghệ, không ngừng nâng cao chất lượng để đưa thương hiệu ngao Việt Nam vươn tầm, trong đó có Công ty TNHH Thủy sản Lenger Seafood Việt Nam.
Tập đoàn Lenger SeaFood Hà Lan đã có một quá trình khảo sát tại 6 tỉnh nuôi ngao tại Việt Nam. Nhận thấy tiềm năng nuôi ngao lâu dài của tỉnh Nam Định, Lenger SeaFood Hà Lan đã quyết định xây dựng nhà máy chế biến ngao và thành lập Công ty TNHH Thủy sản Lenger Seafood Việt Nam tại đây. Từ đó đến nay, Lenger Seafood Việt Nam đã không ngừng cố gắng, đồng hành cùng bà con và chính quyền địa phương để thúc đẩy nghề nuôi ngao phát triển.
Chế biến sâu đưa ngao Việt Nam vươn tầm thế giới
Theo bà Tống Thị Lương, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản, Chi cục Thủy sản Nam Định, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Seafood Việt Nam là đơn vị đầu tiên đầu tư công nghệ, thu mua và chế biến ngao thương phẩm của tỉnh Nam Định để xuất khẩu.
Bắt đầu từ năm 2019, Chi cục Thủy sản Nam Định đã cùng với các đơn vị trong ngành phối hợp và hỗ trợ Lenger Seafood Việt Nam liên kết với các hộ nuôi tại huyện Nghĩa Hưng tổ chức lại sản xuất theo hướng nuôi ngao bền vững.
Đến năm 2020, vùng nuôi “Lenger Fam” của Lenger Seafood Việt Nam đã đạt chứng nhận vùng nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn ASC đầu tiên trên thế giới. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để mở ra hướng tiêu thụ mới cho ngao.
Bà Lương cho biết thêm: “Chi cục Thủy sản Nam Định đã đồng hành và hỗ trợ Lenger Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, hai bên đã cùng nhau xây dựng dự án sản xuất giống ngao công nghệ cao và mô hình nuôi ngao trong ao. Chúng tôi đánh giá, dự án này sẽ giúp nâng cao chất lượng giống ngao từ khâu sản xuất ban đầu, giảm thiểu được khó khăn, rủi ro khi nuôi ngao ngoài bãi triều”.
Cũng theo bà Lương, Chi cục Thủy sản Nam Định và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam Định đã triển khai quan trắc môi trường định kỳ hàng tháng tại các vùng nuôi ngao tập trung. Đồng thời, thực hiện chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong thu thập nhuyễn thể hai mảnh vỏ; từ đó giúp Lenger có lựa chọn và đánh giá được chất lượng sản phẩm chính xác nhất, giúp việc tiêu thụ các sản phẩm ngao ngày càng tốt hơn.
Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam chia sẻ: “Công ty là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc đạt chứng nhận ASC cho ngao Việt Nam. Hiện nay, Lenger Việt Nam đã xây dựng bãi ngao 500 ha và là bãi đầu tiên được chứng nhận quốc tế ASC. Chúng tôi cũng đang phát triển nhiều bãi nuôi khác đạt được chứng nhận quan trọng này”.
“Chúng tôi nhận thấy thị trường ngao xuất khẩu rất tiềm năng, nhất là Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên các nước này đều yêu cầu ngao cỡ lớn, khoảng 20-30 con/kg, điều này chúng ta chưa đáp ứng được. Thịt ngao cũng là một sản phẩm đầy tiềm năng, trước đây chúng tôi có thể xuất 4 - 5 container sang Hàn Quốc nhưng những năm gần đây giá ngao tăng, nên hiện chỉ còn xuất được 1 - 2 container sang thị trường này. Điều này rất đáng tiếc và cũng là bài toán mà chúng tôi cần phải giải quyết trong thời gian tới”, ông Nguyên bộc bạch.
Quang Dũng