Cà phê 'trở mình' tươi tốt, năng suất tăng vọt nhờ sản xuất hữu cơ

Bình luận · 85 Lượt xem

'Canh tác theo quy trình hữu cơ, vườn cà phê bỗng như 'trở mình', tươi tốt hẳn. Vụ vừa rồi, năng suất vườn cà phê của tôi đạt gần 8 tấn nhân/ha', anh Tâm khoe.

 

"Nói không" với hóa chất

Năm 2020, anh Nguyễn Hữu Thuận (thôn Thống Nhất, xã Ia Din, huyện Đức Cơ, Gia Lai) xây dựng mô hình sản xuất cà phê khép kín từ khâu trồng, thu hoạch đến chế biến. Không những vậy, anh còn liên kết với nhiều hộ dân trong xã để mở rộng mô hình, giúp bà con nâng cao thu nhập.

 

Theo anh Thuận, vườn cà phê của anh được canh tác hoàn toàn theo quy trình hữu cơ, kiểm soát chặt chẽ từ khâu trồng, thu hái, sơ chế, rang xay đến bảo quản, đóng gói…

 

Vườn cà phê 2ha của gia đình anh Thuận cây nào cũng xanh tốt, khỏe mạnh, đã sắp đến mùa thu hoạch nên cành nào cũng nặng trĩu quả, một số cây quả đã chín đỏ, đều tăm tắp. Khác với những vườn cà phê người dân "cạo trọc" cỏ, vườn cà phê của anh Thuận um tùm cỏ dại. Anh Thuận cho biết vườn cà phê của anh lúc nào cũng để cỏ mọc tự nhiên, chỉ khi cỏ cao đến khoảng gần nửa mét mới phát ngang gốc.

 

Theo anh Thuận, để cỏ mọc trong vườn cà phê có rất nhiều cái lợi như chống xói mòn, rửa trôi đất, để cỏ còn tạo được độ ẩm cho vi sinh vật đất phát triển, làm tơi xốp đất, tạo môi trường cho các loài thiên địch phát triển để tiêu diệt sâu bệnh hại... Khi cỏ phát triển tốt, anh Thuận phát xuống, tạo nguồn phân bón hữu cơ từ thiên nhiên…

 

Với cách canh tác hữu cơ và “nói không với hóa chất”, vườn cà phê của anh Thuận được xem là vườn mẫu trong khu vực. “Với 2ha cà phê của gia đình, tôi bắt đầu tạo dựng thương hiệu cà phê Nguyên Sang. Khi chuyển sang canh tác hữu cơ, những năm đầu năng suất cà phê sẽ bị tụt giảm, tuy nhiên những năm sau đó năng suất cà phê sẽ cải thiện dần một cách ổn định và thậm chí sẽ vượt cao hơn cả phương pháp canh tác vô cơ.

 

"Nếu như trước đây trồng theo phương pháp truyền thống, vườn cà phê của tôi chỉ đạt năng suất khoảng 4 tấn nhân/ha thì sau khi áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, gia đình tôi thu về trên 8 tấn nhân/ha”, anh Thuận chia sẻ.

 

Anh Trần Tiến Tâm (sinh năm 1977 ở thôn Đồng Tâm, xã Ia Din) - một trong những hộ có vườn cà phê liên kết sản xuất theo mô hình cà phê bền vững với anh Thuận cho biết: Vườn cây gần 9ha của gia đình anh được trồng từ năm 2007. Hai năm trước, anh đưa vào liên kết và canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ của anh Thuận, vườn cây bỗng như “trở mình”, tươi tốt hẳn lên. “Vụ vừa rồi, năng suất bình quân vườn cây của tôi đạt gần 8 tấn nhân/ha”, anh Tâm chia sẻ.

 

Đánh thức hương vị cà phê

Với mục đích “đánh thức” hương vị từ những hạt cà phê được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, năm 2020, anh Thuận quyết định đầu tư máy móc phục vụ chế biến cà phê cũng như xây dựng vùng nguyên liệu. Cà phê nguyên liệu phục vụ chế biến được anh Thuận kiểm soát chặt chẽ chất lượng, cà phê phải được trồng theo phương pháp hữu cơ, thuận với tự nhiên, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, khi thu hoạch quả phải chín đều...

 

Nhằm đảm bảo chất lượng cà phê rang xay, anh Thuận tiến hành tuyển chọn, phân loại quả ngay khi thu hoạch. Cà phê được thu hái chọn lọc công phu, đúng độ chín, đảm bảo có chất lượng cao nhất và đồng đều. Quá trình sơ chế cũng được thực hiện tỉ mỉ trong từng công đoạn như phân loại, rửa sạch, phơi giàn… Để “đánh thức” hương vị cà phê, anh Thuận đầu tư hệ thống máy rang khí nóng thông minh gần 500 triệu đồng phục vụ chế biến.

 

“Mỗi tháng, tôi đưa ra thị trường khoảng 3 tạ cà phê rang xay, trừ chi phí lãi gần 15 triệu đồng. Hiện tôi đang lập hồ sơ để cà phê Nguyên Sang được công nhận là sản phẩm OCOP. Cùng với đó, liên kết với nông dân trong xã nhân rộng mô hình sản xuất cà phê hữu cơ phục vụ nguyên liệu cho chế biến”, anh Thuận cho hay.

 

Hiện nhiều nông dân xã Ia Din cũng đã liên kết với anh Thuận để sản xuất cà phê hữu cơ nhằm nâng tầm thương hiệu và gia tăng giá trị cho cà phê của gia đình. Ông Lê Văn Toán (thôn Đoàn Kết, xã Ia Din) cho biết, gia đình ông đã liên kết sản xuất cà phê hữu cơ với anh Thuận với diện tích hơn 1ha. Với việc áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác hữu cơ, thu hái theo tiêu chuẩn chặt chẽ, kết quả ban đầu cho thấy hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn nhiều so với phương pháp canh tác truyền thống.

 

“Trước đây, tôi chưa biết nhiều về mô hình sản xuất cà phê hữu cơ nên làm theo kiểu truyền thống, thu hoạch chỉ 5 - 7 tấn quả tươi/ha là cao. Sau khi liên kết sản xuất với anh Thuận, vườn cà phê của gia đình không dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ nhưng hiệu quả, lợi nhuận lại cao hơn”, ông Toán chia sẻ.

 

Xã Ia Din hiện có 9 hộ nông dân liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích khoảng 15ha. Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Din, bà Nguyễn Thị Thu Huề nhận xét: “Việc hội viên nông dân liên kết sản xuất cà phê theo quy trình hữu cơ, khép kín từ sản xuất tới chế biến đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Mô hình không chỉ tập hợp các hộ dân liên kết thực hiện sản xuất cà phê mà còn chế biến sâu và tìm kiếm thị trường. Chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, kết nối về kỹ thuật và kiến thức để giúp hội viên nông dân của xã nhân rộng mô hình này”.

 

Theo ông Trần Ngọc Phận, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ (Gia Lai), hiện trên địa bàn huyện đang có một số mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông sản sản xuất theo hướng hữu cơ như cà phê, điều, hồ tiêu.

 

"Chúng tôi luôn quan tâm và khuyến khích các mô hình này bởi đây là xu hướng tất yếu. Trong các đợt xúc tiến, kêu gọi đầu tư, quảng bá sản phẩm, chúng tôi cũng đã giới thiệu các sản phẩm hữu cơ của địa phương để giúp quảng bá, mở rộng thị trường”, ông Phận cho biết.

 

Trần Đăng Lâm

 

Bình luận