Sản lượng đạt 4.032 tấn
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, ở nước ta, tôm hùm phân bố tự nhiên từ vùng biển Quảng Bình đến Bình Thuận. Tuy nhiên giai đoạn hiện nay nuôi chính tập trung tại 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận, chiếm trên 95% diện tích và sản lượng.
Cụ thể, nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên hiện có khoảng hơn 110.000 lồng bè trên diện tích khoảng hơn 1.650 ha mặt nước, chủ yếu tại đầm, vịnh và một số vùng biển ven bờ, kín gió, tập trung nhiều tại: Vũng Rô, thị xã Đông Hòa gần 17.000 lồng bè; vịnh Xuân Đài gần 60.000 lồng; đầm Cù Mông hơn 21.000 lồng và huyện Tuy An 14.555 lồng. Sản lượng năm 2022 đạt 1.750 tấn, 8 tháng đầu năm 2023 đạt 1.517 tấn.
Tại Khánh Hòa, tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm, toàn tỉnh có 4 vùng nuôi là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh. Năm 2022, toàn tỉnh có 68.666 ô lồng, sản lượng 1.375 tấn và 8 tháng đầu năm 2023 là 2.997 tấn. Loài nuôi chủ yếu gồm tôm hùm bông/sao (Panulirus ornatus) và tôm hùm xanh/đá (Panulirus homarus).
Còn tại Ninh Thuận, toàn tỉnh có khoảng 222 bè nổi/3.562 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, được nuôi tập trung tại các khu vực Mỹ Tân (Thanh Hải), Cà Ná và khu vực C1, C2. Sản lượng thu hoạch tôm hùm thương phẩm đến hết tháng 8/2023 là 51 tấn.
“Năm 2022, tổng số lượng lồng nuôi tôm hùm xấp xỉ của cả nước là 185.000 lồng, với tổng thể tích nuôi 4,5 triệu m3 và sản lượng đạt khoảng 3.300 tấn. Trong 8 tháng đầu năm 2023, có 185.879 ô lồng với hơn 4,4 triệu m3, sản lượng đạt 4.032 tấn”, ông Luân cho biết thêm.
Ông Luân cho hay, phương thức nuôi tôm hùm phổ biến ở nước ta hiện nay chủ yếu là nuôi lồng sắt, bao lưới, một số nơi là lồng chìm, cách đáy biển 1-1,5m; một số ở Khánh Hòa có nuôi lồng nổi trên mặt nước.
Nguồn giống phụ thuộc nhập khẩu
Theo ông Luân, hiện nay, nhu cầu giống tôm hùm mỗi năm cần khoảng 80-90 triệu con; trong đó nguồn giống khai thác từ tự nhiên chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nuôi tôm hùm bông; còn 90% giống tôm hùm bông và 100% giống tôm hùm xanh phải nhập khẩu từ các nước như: Indonesia, Philippines, Myanmar, Srilanka, Singapore.
Báo cáo của Cục Thủy sản cho biết, đối với nguồn giống tôm hùm nhập khẩu, qua khảo sát thực tế cho thấy, chất lượng đàn tôm không ổn định, có lô đạt tỷ lệ sống cao, có lô nhập về cho tỷ lệ sống thấp, tăng trưởng chậm (tỷ lệ hao hụt 30-70%). Nguyên nhân do những đàn tôm nhập về chưa thích nghi kịp với môi trường Việt Nam hoặc trải qua quá trình vận chuyển dài sẽ cho tỷ lệ sống thấp và tăng trưởng chậm.
Hiện có hơn 10 doanh nghiệp chuyên nhập khẩu giống cung cấp cho các địa phương. Lượng giống này sau khi hoàn thành cách ly sẽ được Chi cục Thú y vùng IV cấp chứng nhận kiểm dịch và phân phối ra thị thị trường (thông qua các nậu/vựa/ đại lý để phân phối lại cho người nuôi).
“Hiện nay một số nước đang có chính sách cấm xuất khẩu tôm hùm giống, nên giống nhập về qua các đường khác nhau, cả tiểu ngạch, nhập lậu dẫn đến khó khăn trong kiểm dịch chất lượng giống nhập. Để khắc phục bất cập trên, cần thiết tổ chức đàm phán, tháo gỡ rào cản, vướng mắc trong nhập khẩu tôm hùm giống từ các nước Indonesia, Philippines, Myanmar, Srilanka, Singapore...”, ông Luân đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho hay, năm 2022, Cục Thú y đã kiểm dịch gần 85 triệu con tôm hùm giống, 6 tháng đầu năm 2023 đã kiểm dịch 43 triệu con. Tuy nhiên, vào tháng 5/2023, liên tiếp phát hiện nhiều lô tôm hùm giống từ Malaysia và Singapore dương tính với bệnh đốm trắng. Ngoài ra cũng phát hiện vài lô hàng làm giả giấy chứng nhận kiểm dịch.
“Công tác kiểm dịch thời gian qua đã triển khai rất chặt chẽ theo đúng tinh thần của lãnh đạo Bộ NN-PTNT và đúng quy định”, ông Long khẳng định.
Còn theo ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, các cơ sở sản xuất hàng tôm hùm sống xuất khẩu đi Trung Quốc trước tiên phải đăng ký để đánh giá điều kiện sản xuất theo quy định của Việt Nam, sau khi đáp ứng được thì phải đăng ký với bên Vụ Kiểm dịch của Hải quan Trung Quốc và chờ phía Trung Quốc phê duyệt vào danh sách.
Ông Bá Anh cho biết thêm, hiện nay riêng tôm hùm có khoảng 50 cơ sở hàng sống được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó chia làm 2 nhóm là tôm hùm xanh và tôm hùm bông. Tại thời điểm này, tôm hùm xanh đang được xuất khẩu bình thường nhưng số lượng giảm so với năm ngoái do cung cầu của thị trường.
“Còn riêng tôm hùm bông gần đây không có lô hàng nào xuất sang Trung Quốc. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã gửi công văn sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị tìm hiểu thông tin nhằm hiểu rõ hơn về nguyên nhân và hiện đang chờ phản hồi”, ông Bá Anh nói thêm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian tới cần triển khai một hội nghị về tôm hùm, đây là vấn đề nóng đang được quan tâm. Hội nghị sẽ tập trung báo cáo về tình hình phát triển tôm hùm tại Việt Nam, từ công tác giống, thức ăn dinh dưỡng, các đề tài nghiên cứu khoa học, kiểm dịch, chế biến và hợp tác quốc tế… từ đó đề xuất giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, cần tổ chức quản lý tốt việc khai thác tôm hùm giống tự nhiên. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu giống tôm hùm hiện nay khoảng 84-85 triệu con nên công tác kiểm dịch chính ngạch là chính, theo đó cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch tôm hùm giống nhập khẩu…
Hồng Thắm