TBR39 mang niềm vui cho người J’rai

Bình luận · 222 Lượt xem

Giống lúa thuần TBR39 chiếm được niềm tin của người Kinh, người J’rai và đồng bào một số dân tộc thiểu số làm lúa nước ở Gia Lai.

Vụ mùa 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed - miền Trung - Tây Nguyên (thuộc Tập đoàn ThaiBinh Seed) triển khai mô hình sản xuất thử nghiệm giống lúa mới TBR39. Mô hình được triển khai tại làng Blang 1 thuộc xã Ia Dêr, huyện Ia Grai với diện tích 4ha, gồm 20 hộ dân người dân tộc J’rai tham gia. 

 

Kết quả thử nghiệm cho thấy, vụ mùa 2023 thời tiết diễn biến tương đối thuận lợi cho giống lúa TBR39 sinh trưởng và phát triển. Với thời gian sinh trưởng từ 120- 125 ngày, TBR39 có chiều cao thân cây lý tưởng (86 - 90cm), lá màu xanh đậm, bông lúa dài, hạt màu vàng sáng, tỉ lệ hạt chắc cao…

 

Giống lúa TBR39 có nhiều ưu điểm vượt trội so với đối chứng, năng suất đạt 6 tấn/ha, lúa bán được giá 10 ngàn đồng/kg, tổng chi phí cho mỗi ha là 37 triệu đồng, trừ chi phí nông dân lãi ròng 23 triệu đồng/ha (cao hơn gần 10 triệu đồng/ha so với giống lúa đối chứng).

 

Ông Đỗ Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai đánh giá, lúa TBR39 có chiều cao cây phù hợp, cây cứng, màu sắc và bộ lá phát triển tốt, số nhánh hữu hiệu cao hơn so với giống đối chứng.

 

“Với chi phí đầu tư sản xuất giữa các giống lúa như nhau, giống TBR39 cho hiệu quả về kinh tế cao hơn giống địa phương. Việc xây dựng mô hình thành công sẽ tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm gạo cung ứng trên thị trường”, ông Hiền chia sẻ.

 

Cũng theo ông Hiền, thông qua tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và hội thảo đầu bờ…, sẽ giúp nông dân trong và ngoài mô hình nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. 

 

Lão nông Puih Lek (dân tộc J’rai ở làng Blang 3, xã Ia Dêr) có 3 sào lúa (sào 1.000m2) tham gia mô hình trong vụ mùa này. Ông cho biết, trước giờ chỉ quen trồng giống lúa địa phương, chưa hề tiếp cận với các giống lúa khác. Đến thời điểm này, ruộng lúa mô hình đã chuẩn bị thu hoạch. Nhận xét về giống lúa TBR39, ông Lek nói: “Qua theo dõi, tôi thấy cây lúa khỏe nên không bị đổ ngã, hạt lúa chắc, bông đồng đều, chắc chắn năng suất sẽ cao hơn giống địa phương. Từ nay, mình sẽ trồng giống lúa này”.

 

Ông Rơ Com Alich (dân tộc J’rai, ở làng Blang 1) mạnh dạn đưa hẳn 1ha ruộng vào tham gia mô hình. Theo ông Alich, qua thử nghiệm cho thấy giống lúa TBR39 rất phù hợp với đồng đất cũng như thời tiết, khí hậu địa phương. Đặc biệt, giống TBR39 đẻ nhánh nhiều nên tiết kiệm được lượng lúa giống so với các loại giống lúa khác.

 

“Chỉ cần gieo 13 - 14kg giống mỗi sào là đủ, thậm chí gặp ruộng tốt phải nhổ bớt. Mình thấy giống này tốt, cho năng suất cao, có nhiều điểm tốt hơn giống địa phương. Đặc biệt là không sợ cây lúa ngã đổ do cây lúa chắc khỏe. Mình thích giống này rồi!”, ông Rơ Cơm Alich phấn khích nói.

 

Trước đó, giống lúa TBR39 cũng đã được đưa vào sản xuất ở vựa lúa huyện Phú Thiện của tỉnh Gia Lai. Người Kinh, người J’rai và đồng bào một số dân tộc thiểu số làm lúa nước ở Phú Thiện rất thích giống mới này. Năng suất lúa TBR39 ở đồng đất Phú Thiện đạt cao hơn cánh đồng ở vùng Tây Gia Lai rất nhiều (đạt 8 tấn/ha).

 

Ông Đỗ Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai cho biết, TBR39 là giống lúa mới phù hợp với điều kiện canh tác ở địa phương, dễ canh tác nên phù hợp với bà con người J’rai nơi đây. Bên cạnh nhiều ưu điểm vượt trội, năng suất của TBR39 đạt khá cao, giá bán cũng cao hơn các giống lúa khác.

 

 

Trần Đăng Lâm

 

 

Bình luận