Vacxin, lá chắn bảo vệ đàn vật nuôi khi thời tiết giao mùa

Bình luận · 184 Lượt xem

Trong thời điểm giao mùa, mối quan tâm lớn nhất của bà con nông dân là vật nuôi không kịp thích ứng với sự thay đổi của thời tiết và dễ mắc bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang khuyến cáo, trong thời gian chuyển tiếp giữa mùa nắng và mùa mưa (còn gọi là thời điểm giao mùa) nhiệt độ và ẩm độ không khí sẽ có nhiều thay đổi.

 

Cụ thể, chênh lệch nhiệt độ không khí giữa ngày và đêm, ẩm độ không khí tăng cao. Những thay đổi về thời tiết trong lúc giao mùa sẽ có nhiều diễn biến phức tạp hơn ở những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Sự thay đổi này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng sinh trưởng, phát triển và sản xuất của đàn vật nuôi.

 

Những vật nuôi có sức đề kháng kém, thích nghi không kịp thời dễ nhiễm bệnh và gây tổn thất cho người nuôi về công chăm sóc, chi phí điều trị, từ đó dẫn đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi giảm sút.

 

Đối phó với tình trạng này, nhiều nông dân đã áp dụng biện pháp tiêm phòng vacxin cho vật nuôi. Tiêm phòng vacxin cho vật nuôi là một biện pháp chủ động để tạo "lá chắn" ngăn ngừa sự xâm nhập của mầm bệnh, giúp cho vật nuôi không nhiễm bệnh, khỏe mạnh, duy trì sự tăng trưởng, phát triển và sản xuất.

 

Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều nông dân chăn nuôi thành công trong việc áp dụng biện pháp tiêm phòng cho vật nuôi.

 

Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp rủi ro, phát sinh do chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ về tiêm phòng nên không thực hiện tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ, không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

 

Tiêm phòng là hoạt động đưa vacxin vào cơ thể vật nuôi nhằm tạo ra kháng thể. Kháng thể được hình thành sau khi tiêm phòng có tác dụng bảo vệ cơ thể vật nuôi chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh.

 

Có thể nói tiêm phòng là giải pháp chủ động cần thiết phải thực hiện bảo vệ vật nuôi. Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao trong hoạt động tiêm phòng đồng thời hạn chế tối đa những rủi ro trong chăn nuôi.

 

Theo kỹ sư Huỳnh Thắm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, trước nhất người chăn nuôi phải xác định loài vật nuôi và các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc cho vật nuôi.

 

Cụ thể, ở chó, mèo phải tiêm phòng bệnh dại. Heo, tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, bệnh dịch tả heo Châu Phi, bệnh tụ huyết trùng heo, tai xanh.

 

Trâu bò tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, bệnh tụ huyết trùng trâu, bò và bệnh viêm da nổi cục. Đối với gia cầm tiêm phòng bệnh cúm gia cầm, bệnh dịch tả vịt (hay còn gọi là bệnh phù đầu ở vịt), bệnh Newcastle (hay còn gọi là bệnh dịch tả ở gà).

 

Liều lượng, lịch trình sử dụng vacxin phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Phải có dụng cụ để vận chuyển, bảo quản vacxin trước khi dùng. Thực hiện đúng theo yêu cầu kỹ thuật tiêm phòng vacxin, chỉ tiêm phòng cho vật nuôi khỏe mạnh, không có biểu hiện sốt hoặc có biểu hiện bệnh.

 

Ngoài ra, nông dân cần lưu ý không nên tiêm phòng cho vật nuôi khi mới mua về, mới vận chuyển về hay mới hết bệnh, mới đẻ hoặc mới cai sữa. Đặc biệt, không tiêm phòng cho vật nuôi tại thời điểm nắng nóng gay gắt hoặc mưa bão kéo dài.

 

Thực hiện công tác phòng bệnh chủ động qua việc tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm trong 9 tháng đầu năm ở địa bàn An Giang, trên heo đã tiêm vacxin dịch tả, tụ huyết trùng tên 116.000 con, lở mồm long móng gần 95.000 con và heo tai xanh 85.000 con.

 

Trên trâu, bò đã tiêm vacxin tụ huyết trùng 24.000 con và lở mồm long móng 54.000 con lũy kế đã tiêm phòng còn bảo hộ đến nay là 51.000 con đạt tỷ lệ 87% so với tổng đàn gần 59.000 con. Vacxin viêm da nổi cục trâu, bò là 20.000 con với lũy kế còn bảo hộ đến nay là 50.000 con đạt tỷ lệ 85% so với tổng đàn.

 

Còn đối với gia cầm đã tiêm vacxin cúm H5N1 là 6,2 triệu con, trong đó số lượng hiện tại còn bảo hộ là 3,4 triệu con vịt đạt tỷ lệ 127% so với tổng đàn vịt 2,7 triệu con và 434.000 con gà đạt tỷ lệ 86% so với tổng đàn là gà 503.000 con.

 

Lê Hoàng Vũ

 

 

Bình luận