Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững

Bình luận · 196 Lượt xem

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và CropLife Châu Á tổ chức Diễn đàn “Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp b?


Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: “Việt Nam đã định hướng phát triển trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững trong thời gian tới. Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi hệ thống lương, thực thực phẩm theo hướng “xanh”, ít phát thải và bền vững thông qua việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp và nhân rộng mô hình hợp tác công tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp”.

Trong giai đoạn 2020-2023, các nhà khoa học của Việt Nam đã nghiên cứu tạo ra 148 giống cây trồng các loại được công nhận; 36 Tiến bộ kỹ thuật (TBKT) được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận phục vụ sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. KHCN  tiếp tục là then chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CM 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Theo ước tính, KHCN đã đóng góp khoảng trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua.  Chính nhờ KHCN mà tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của cả nước.

Việt Nam cũng cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế tại Hội nghị COP26 về việc đạt mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, trong đó trong đó có nội dung liên quan chặt chẽ về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của hệ thống thực phẩm toàn cầu. Tại Việt Nam, việc các cải tiến về giống cây trồng, nguyên liệu đầu vào, các công nghệ mới như công nghệ sinh học và những công cụ canh tác tiên tiến ứng dụng nhận dạng tự động (AIS) và số hoá là chìa khóa cho phép nông dân thích ứng hiệu quả hơn với điều kiện thời tiết thay đổi, tạo ra năng suất nông nghiệp cao với chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cải thiện. Người nông dân từ đó có thể tạo ra nguồn thực phẩm đa dạng, bổ dưỡng với giá cả hợp lý nhờ ứng dụng các cải tiến khoa học và nông dân được hỗ trợ canh tác hiệu quả và thân thiện hơn với môi trường như sử dụng nguyên liệu đầu vào tiết kiệm hơn, giảm phát thải, giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên như: đất đai, nước, nguyên liệu đầu vào…  

Để nông dân có thể tiếp cận kịp thời và công bằng với công nghệ, các giải pháp đổi mới trong nông nghiệp cũng như sử dụng có trách nhiệm những công cụ này, cần có cách tiếp cận toàn diện và có hệ thống. Đó là củng cố các chính sách khuyến khích đổi mới nông nghiệp dựa trên khung pháp lý minh bạch, có cơ sở khoa học, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Tại diễn đàn, các diễn giả đã đánh giá tổng quan về việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới; thảo luận những vấn đề đang phải đối mặt, những thách thức trong nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và xác định được những ưu tiên, định hướng trong nghiên cứu, ứng dụng tại Việt Nam. Từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy quá trình nghiên cứu, chuyển giao, và hợp tác công tư để chia sẻ lợi ích từ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Trong khuôn khổ của diễn đàn, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hiệp hội CropLife châu Á đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về hợp tác thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng giải pháp, công nghệ tiên tiến như sinh học trong nông nghiệp giai đoạn 2023-2030. Theo đó, hai bên sẽ thúc đẩy các hoạt động truyền thông, chia sẻ thông tin, tư vấn chính sách, đào tạo tập huấn, hội thảo khoa học chuyên sâu để cập nhật, khuyến khích ứng dụng các giải pháp, thành tựu của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiên tiến trong nông nghiệp, cũng như hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học mới trong nông nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam.

Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hiệp hội CropLife châu Á ký Biên bản ghi nhớ hợp tác

Tại phiên thảo luận về các giải pháp kỹ thuật số thúc đẩy hiệu quả và bền vững trong đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp cho biết: Chuyển đổi số trong nông nghiệp cần hướng tới người nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định chuyển đổi số không phải là hình thức mà phải hướng tới phục vụ người nông dân.

Ông Nguyễn Quốc Toản cho biết ngày 21/10, tại TP Cần Thơ sẽ diễn ra Lễ ra mắt nền tảng “Mạng nhà nông – Hành trình nông dân số”. Sự kiện góp phần vào chương trình Chuyển đổi số quốc gia cũng như thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Đồng thời, tạo ra giải pháp hỗ trợ bà con nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp có các công cụ để quản lý mùa vụ, cải thiện năng suất, chất lượng nông sản và nâng cao hiệu quả quản lý. Hệ sinh thái này sẽ giúp kết nối các chủ thể trong ngành, từ đó, cải thiện giá thành sản xuất, giá nông sản khi đến tay người tiêu dùng thông qua nền tảng thương mại điện tử. Đây cũng là công cụ phát triển ngành nông nghiệp trong thời đại 4.0.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp phát biểu tại Diễn đàn

HNN (mard.gov.vn)

Bình luận