Làng 'rốn lũ’ vang danh thế giới

Bình luận · 223 Lượt xem

QUẢNG BÌNH Tân Hóa là ngôi làng duy nhất của Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) vinh danh trong danh sách 260 làng từ 60 quốc gia tham gia dự giải thưởng lớn năm 2023.

Xã vùng cao Tân Hóa (huyện Minh Hóa), nơi được xem là “rốn lũ” của tỉnh Quảng Bình. Vào mùa lũ hàng năm, nước lũ ngập sâu từ 3 - 5m, ngập tới nóc nhà, thậm chí ngập đến tận buồng cau. Những lúc đó, Tân Hóa như một biển nước mênh mông.

Người dân địa phương phải “sống chung với lũ” trên những nhà phao bè mà ngắm mưa, nhìn nước lũ đổi màu… “Từ trong lũ cho người dân Tân Hóa tiềm năng để làm du lịch. Và cái vinh dự được bình chọn 'nhất thế giới' đã làm cho bà con sung sướng, tự hào để rồi cùng chung tay, chung sức gìn giữ, phát huy giá trị này cho thế hệ mai sau”, ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa nói.

Một góc làng Tân Hóa hôm nay. Ảnh: Tâm Đức.

Một góc làng Tân Hóa hôm nay. Ảnh: Tâm Đức.

Làng tránh lũ thành làng du lịch

Buổi chiều, chú Thái Xuân Bạ (là thủ trưởng của tôi), bảo: “Ngày mai, theo chú đi điều tra dưới Bôộc nha”. Dưới Bôộc là từ địa phương ý nói về vùng quê Tân Hóa. Từ “Bôộc”, tôi không hiểu lắm, nhưng có nghĩa là vùng sâu, vùng xa và là nơi cuộc sống còn nhiều kham khổ.

Tôi theo chú Bạ đi theo con đường lộ lổn nhổn đá lớn, đá bé từ thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa), về đến ngã ba Tân Lý (xã Minh Hóa), thì rẽ theo một con đường nhỏ, chạy ngoằn ngoèo qua những vùng lau lách, cây rừng rậm rạp. Gần trưa, hai chú cháu băng qua hai con suối rộng, đá dưới suối to như những con bê ngụp mình xuống làn nước trong mát đang cuộn chảy.

Tân Hóa nằm thanh bình giữa một thung lũng được bao bọc xung quanh bởi những dãy núi đá vôi trùng điệp. Có những vách đá dựng đứng màu gan gà mà từ xa nhìn tựa như bức tường thành cổ. Con đường liên thôn chạy dọc giữa làng, nhấp nhô những mái nhà lợp lá bàng bạc theo thời gian. Phần lớn, nhà bà con ở đây đều được thưng bằng gỗ ván, nhà nào sang hơn thì có mái ngói. Trước nhà nào cũng có hàng cau hay chí ít cũng hai cây cau trồng làm cổng để từ đó băng qua khoảng sân vào nhà.

Tôi chăm chú nhìn mấy chiếc thuyền gỗ nhỏ mà dài và không biết bà con sắm thuyền để làm gì. Quê tôi vùng sông nước đồng bằng thuộc hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy nên từ nhỏ đã quen chèo thuyền, bơi sông. Nhưng ở đây có sông đâu mà bà con sắm nhiều thuyền đến vậy? Gần như đầu hồi nhà nào cũng gác một con thuyền gỗ. Chú Bạ thấy tôi tần ngần nên giải thích: “À vì ở đây lụt to lắm. Năm nào nước lụt cũng lên tận mái nhà. Vì rứa nên nhà có điều kiện là phải sắm ngay con thuyền. Khi lụt to, thuyền chở vật nuôi, lương thực ghé vào chân núi để tránh. Rồi thì chở người, cứu người đưa lên núi tránh trú. Có năm lũ lớn, cả làng phải chạy lên núi ở đến hơn chục ngày mới về. Thiếu ăn, trẻ con, người già đói lả. Ở đây bà con nhờ thuyền mà vượt qua thác lũ đó”.

Gần cuối giờ chiều xong việc thì trời đổ mưa lớn. Mưa rừng cứ rầm rập đổ nước. Tôi giục chú Bạ đi nhanh kẻo trời tối, chú bảo: “Không khéo nước chỗ ngầm ta lội qua giờ không thể qua được nữa rồi”. Quả nhiên, như lời chú nói, tại bến ngầm qua suối, nước đã cuồn cuộn dâng lên, chảy xuôi đè rạp cả dãy cây đùng đình ven bờ. “Quay về nhà dân ngủ nhờ và xin ăn thôi. Mai về sớm nếu nước rút”, chú Bạ bảo tôi.

Chủ nhà vồn vã đón khách. Ảnh: Tâm Đức.

Chủ nhà vồn vã đón khách. Ảnh: Tâm Đức.

Hai chú cháu quay về nhà ông Bang (người quen của chú ở thôn Yên Thọ) gần trụ sở ủy ban xã để xin ở lại. Sau bữa cơm tối có món bồi (bột ngô nấu với sắn tươi nạo ra thành sợi nhỏ), với canh rau dại, nhưng thật ngon. Nhà ông Bang có hai cô con gái cũng trạc tuổi tôi, xinh lắm, hai má lúc nào cũng trắng hồng. Cô chị cứ hay nhìn liếc qua anh cán bộ huyện trẻ (là tôi) mà cười. Tôi cũng tỏ vẻ lấy làm chín chắn lắm dù trong lòng cũng rộn ràng theo cái nhìn của em mà cố nghiêm nét mặt. Chú Bạ với ông Bang là bạn bè lâu ngày gặp nên hay chuyện, rộn ràng cả góc bếp. Hai ông cứ chất thêm củi vào cho ngọn lửa bập bùng mà uống rượu ngô. Tôi ngại lên nhà trên vì lo chạm ánh mắt của cô gái lớn nên mượn tấm chiếu trải sau lưng chú Bạ nằm hóng chuyện. Bên ngoài, mưa vẫn rơi đều như gõ nhạc vào mái tranh. Mùi rượu nồng nàn lẫn trong tiếng mưa làm tôi ngủ lúc nào không hay.

Đó là câu chuyện của hơn 30 năm về trước.

Cho đến những năm đầu thập niên 2020, tôi về vùng lũ Tân Hóa. Những chiếc thuyền gỗ cũng dần không còn mà thay vào đó là những chiếc nhà phao dập dềnh trong lũ. Trước, khi công nghệ chưa phát triển thì bà con dùng thuyền, dùng gỗ kết bè để làm nhà phao chứa tài sản trong mùa lũ. Ban đầu là kiếm tấm bạt phủ lên tài sản như lúa, ngô, xe máy…Rồi chiếc phao buộc vào cây cau cho nổi theo lũ. Sau này, khi có những thùng nhựa đựng nước lớn, bà con mua về làm phao ghép lại rồi dựng nhà chòi trên đó cho gió mưa không làm tốc mái.

Dần dần, từ chống chọi với lũ lớn, đã cho bà con tư duy làm nhà phao chắc chắn hơn, xung quanh có thưng vách bằng tôn chắc chắn. Ông Trương Thanh Đa (hơn 80 tuổi ở xã Tân Hóa), cười bảo: “Cái nhà phao rộng và chắc chắn lắm. Từ hồi bà con biết làm nhà phao đến nay đã lâu rồi mà không hề xảy ra bị chìm hay bị lật mô. Thành ra, lũ lớn hay lũ bé thì bà con cũng chẳng mấy e ngại. Nhà nào cũng có nhà phao vững chắc, trong đó đủ gạo cơm, mắm muối...nên không ngại chi nữa”.

Những năm gần đây, Công ty Du lịch Chua Me Đất (Oxalis) cùng với chính quyền xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa và Sở Du lịch Quảng Bình xây dựng chiến lược phát triển từng bước vững chắc cho Tân Hóa. Từ việc đưa người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch đến việc từng bước đưa người dân làm chủ các dịch vụ mà họ cung cấp cho khách du lịch, trở thành trung tâm du lịch trọng điểm phía tây bắc Quảng Bình.

Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis cho hay, doanh nghiệp đã từng bước xây dựng sản phẩm du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn, sản phẩm tour lái xe mô-tô địa hình khám phá rừng lim và các sản phẩm khác nhằm từng bước đa dạng hóa các dịch vụ dành cho khách du lịch. “Nơi đây cũng được đầu tư bài bản trong công tác quảng bá thông qua báo chí trong và ngoài nước giới thiệu về Tú Làn, Tân Hóa; các bộ phim “bom tấn” quay tại Tân Hóa như “Kong: Skull Island”, “Người bất tử”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”, ông Nguyễn Châu Á nói thêm.

Được sự hỗ trợ của Oxalis, Tân Hóa định hướng phát triển theo mô hình làng du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại đây, cung cấp các trải nghiệm đa dạng cho du lịch từ homestay, trải nghiệm công việc làm nông, ăn uống tại nhà dân, quầy hàng lưu niệm và trong các dịch vụ đa dạng khác dành cho khách du lịch.

Những hàng cau bên những ngọn núi ở Tân Hóa. Ảnh: Tâm Đức.

Những hàng cau bên những ngọn núi ở Tân Hóa. Ảnh: Tâm Đức.

Cuối năm 2022, qua tham khảo thực tế tại Tân Hóa, đại diện Tổng cục Du lịch đề nghị Tân Hóa tham gia giải thưởng “Best Tourism Villages” của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO). Ngày 18/10, trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 25 của Hội đồng cấp cao UNWTO, tại Samarkand (Uzbekistan) đã tổ chức đêm Gala công bố các ngôi làng du lịch đoạt giải Làng du lịch tốt nhất năm 2023, trong đó có làng du lịch Tân Hóa của Việt Nam. Tân Hóa là làng duy nhất của Việt Nam được UNWTO bầu chọn trong danh sách 260 làng đến từ 60 quốc gia tham gia dự giải thưởng năm nay.

Homestay từ… nhà phao chống lũ

Con đường bê tông sạch sẽ chạy dọc xã Tân Hóa. Qua mỗi cụm dân cư lại có con đường bê tông cắt qua tạo nên ngã tư rộng. Hai bên đường, từng luống hoa mười giờ cứ nở bừng, đỏ rực lên trong những trưa nắng.

Chúng tôi rẽ phải tại một ngã tư như thế để đi ra hướng ngọn sông Rào Nan một quãng ngắn đã bắt gặp những chiếc cổng chào treo biển chỉ dẫn nom thật ngồ ngộ. Thấy có khách, ông Trương Xuân Dương (thôn 1 Yên Thọ), sải bước ra tận ngõ bắt tay vồn vã. Từ ngôi nhà ba gian rộng, thoáng mát, đi qua khoảng sân là nhà phao bè chống lũ được “cải hoán” thành một phòng có đầy đủ tiện nghi cho khách nghỉ ngơi. “Đến mùa lụt thì chúng tôi cũng đón khách trong nhà phao. Khi đó, chủ và khách cùng nhau sinh hoạt chung. Khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống người dân Tân Hóa khi lũ đến”, ông Dương nói.

Ông Dương cũng cho hay, vốn đầu tư “cải hoán” nhà phao thành “căn hộ” đầy đủ tiện nghi cũng do Oxalis hỗ trợ một nửa. “Riêng phần thiết kế nội thất, bố trí khu vệ sinh là do phía Oxalis đảm nhận. Khi bên Oxalis có khách du lịch thì được giới thiệu đưa sang cho các gia đình có homestay cung ứng dịch vụ ăn nghỉ theo nhu cầu của du khách. “Phía Oxalis không hề thu một khoản lệ phí gì. Nhờ làm du lịch nên mỗi tháng gia đình cũng có thêm thu nhập từ 7-10 triệu đồng”, ông Dương vui vẻ tiếp lời.

Khi mọi người đã ngồi xuống bàn, ông Dương mời khách ngồi uống nước chè xanh. Chè tươi non cắt từ vườn nhà và được “om” trong ấm sành khi rót ra ly lên màu biêng biếc xanh. Ông Dương chế thêm mỗi ly nước chè xanh một chút mật ong rừng rồi quấy đều. Vị chát chè tươi, vị ngọt mật ong rừng quyện lấy nhau tỏa mùi thơm dịu ngọt. Uống vào nghe đọng vị chát chè tươi đầu lưỡi và vị ngọt mật ong thấm dần trong cổ họng. Ông Dương cười bảo đặc sản Minh Hóa đó nha. Rồi cất giọng cao như hát: “Rằng là ai lên Quy Đạt quê mình. Chè xanh, mật ngọt thấm tình nước non”. Ông Dương cũng giải thích thêm, Quy Đạt là trung tâm huyện lỵ Minh Hóa. Lên Quy Đạt là ý nói lên Minh Hóa, lên với Tân Hóa đó.

Đãi đằng khách với đặc sản 'chè xanh, mật ngọt'. Ảnh: Tâm Đức

Đãi đằng khách với đặc sản “chè xanh, mật ngọt”. Ảnh: Tâm Đức

Nắng trưa hắt vào sân, sát ngay bàn uống nước chúng tôi đang ngồi. Cụ Phạm Thị Lai (75 tuổi, mẹ ông Dương), mang nia đựng quả chuối rừng thái lát đã khô teo ra phơi. Cụ bảo: “Mấy đứa cháu đi rừng thấy buồng chuối rừng chín hườm mang về cho đó. Tui thái phơi khô rồi sao vàng hạ thổ để ngâm rượu. Rượu này bổ thận, bổ xương cốt lắm đấy. Ngâm rồi khách đến chơi thì mời uống chén, ai xin thì cho. Lộc rừng cho ta đó thôi mà”.

Cùng chung con ngõ, nhà của vợ chồng trẻ Trương Ngọc Danh. Anh Danh đang chăm sóc dãy hoa trồng trước nhà phao cũng là nơi nghỉ ngơi của khách du lịch. Để có chỗ cho khách thảnh thơi, anh Danh cũng đầu tư làm quán cà phê đẹp mắt phía sau nhà, nơi có vườn cây xanh mướt. Ngồi từ quán cà phê thưởng thức vị ngọt đắng và ngắm nhìn nhánh sông Rào Nan trong vắt uốn lượn theo những triền núi. Bên kia, dãy Trường Sơn lô nhô cao thấp với những vờn mấy trắng giống tấm khăn choàng vắt hờ hững qua vai. Anh Dương bảo, hồi trước hai vợ chồng vào Nam kiếm sống nhưng cũng cực lắm. Nghe tin làng làm du lịch hai vợ chồng bàn nhau quay về làm homestay, làm cà phê. “Thu nhập của gia đình ngày càng khá lên, cuộc sống dần ổn định và có thu nhập cao hơn”, anh nói trong nụ cười tươi.

Xế chiều, mấy anh em chúng tôi rời Tân Hóa. Nắng chiều băng qua đỉnh mấy ngọn núi lô nhô chiếu những tia vàng như tơ  xuống hàng cau thẳng tắp. Trong nắng chiều, tán lá xanh hàng cau như cứ bươn lên, vươn lên như muốn kễnh chân cho cao hơn mái núi.

Bình luận