Muốn làm nông nghiệp thành công, phải hiểu cây trồng cần gì

Bình luận · 208 Lượt xem

BẮC GIANG Anh Trần Xuân Đăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên cho rằng, trồng cây mà không hiểu cây đang cần gì thì chẳng khác nào chạy xe mà bị bịt mắt.

Anh Trần Xuân Đăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên (thôn Đức Thành, xã Trí Yên, Yên Dũng, Bắc Giang) sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành công nghệ thông tin đã không chọn gắn bó với những con số, câu lệnh mà quyết định bỏ phố về quê sản xuất nông nghiệp, khiến gia đình, bạn bè được phen “dậy sóng”.

Theo anh Đăng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có nhiều thuận lợi nhưng cũng luôn tiềm ẩn những rủi ro. Ảnh: Trung Quân.

Theo anh Đăng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có nhiều thuận lợi nhưng cũng luôn tiềm ẩn những rủi ro. Ảnh: Trung Quân.

Anh Đăng chia sẻ, mặc dù học kỹ thuật nhưng tình yêu với nông nghiệp luôn âm ỉ cháy trong anh. Mỗi lần về quê là một lần anh cảm thấy tiếc nuối vì dư địa để phát triển nông nghiệp của quê hương còn rất nhiều, trong khi người dân vẫn mãi loay hoay...

Năm 2017, anh đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới với diện tích 2.500m2 trồng rau ăn lá, dưa lưới. Thiếu kinh nghiệm sản xuất, anh tìm đến các mô hình thành công để học hỏi kinh nghiệm, thuê thêm chuyên gia về chuyển giao kỹ thuật.

Năm 2018, anh đưa phần mềm quản lý nông nghiệp thông minh (vận hành bằng điện thoại thông minh) về ứng dụng vào trang trại của mình. Kết quả thật bất ngờ khi hệ thống này giúp anh thuận lợi điều chỉnh lượng nước tưới, phân bón hàng ngày một cách đồng đều cho cây trồng. Từ đó, giảm được nhiều công lao động, tiết kiệm vật tư đầu vào và đảm bảo dinh dưỡng cân đối để cây trồng phát triển.

Hệ thống quản lý nông nghiệp thông minh giúp anh Đăng giảm được công lao động, tiết kiệm vật tư đầu vào, đảm bảo dinh dưỡng cân đối để cây trồng phát triển. Ảnh: Trung Quân.

Hệ thống quản lý nông nghiệp thông minh giúp anh Đăng giảm được công lao động, tiết kiệm vật tư đầu vào, đảm bảo dinh dưỡng cân đối để cây trồng phát triển. Ảnh: Trung Quân.

Hiện tại, anh vẫn cấp quyền cho các lập trình viên can thiệp vào hệ thống của trang trại để tiếp tục hoàn thiện các tính năng theo hướng tưới theo nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng thay vì tưới theo định mức do con người cài đặt.

Anh Đăng bộc bạch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có nhiều thuận lợi nhưng cũng luôn tiềm ẩn những rủi ro do chi phí đầu tư lớn; kỹ thuật canh tác, quản lý dinh dưỡng, dịch hại cao, trong khi thị trường tiêu thụ, giá bán sản phẩm chưa ổn định…

Do đó, người sản xuất vừa phải phát huy tối đa những lợi ích của hệ thống nhà màng, nhà lưới (ngăn chặn tác động tiêu cực từ thời tiết, sâu bệnh gây hại từ bên ngoài), vừa phải bám sát với những thay đổi trong vườn trồng. Bởi lẽ, nếu không nắm rõ cây trồng đang ở tình trạng thế nào, cần bổ sung chất dinh dưỡng gì, phòng trị bệnh ra sao... để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời thì chắc chắn sẽ thất bại.

“Đừng nghĩ nắm trong tay cả kho công nghệ là sẽ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thành công. Máy móc, thiết bị hiện đại chỉ là công cụ giúp gia tăng hiệu quả sản xuất, con người mới là chủ thể quyết định đến việc thành bại. Trồng cây mà không hiểu cây đang cần gì thì chẳng khác nào chạy xe mà bị bịt mắt”, anh Đăng nhấn mạnh.

Anh Đăng cho rằng, khi canh tác trong nhà màng, nhà lưới, yếu tố cần được đặc biệt quan tâm là đất trồng. Ảnh: Trung Quân.

Anh Đăng cho rằng, khi canh tác trong nhà màng, nhà lưới, yếu tố cần được đặc biệt quan tâm là đất trồng. Ảnh: Trung Quân.

Cũng theo anh Đăng, khi canh tác trong nhà màng, nhà lưới, một yếu tố cần được đặc biệt quan tâm là đất trồng. Nếu đất trồng không được xử lý tốt sẽ mang theo mầm bệnh, thiếu dinh dưỡng, tốn kém chi phí, công lao động để thay đất.

Người trồng phải luôn tuân thủ một nguyên tắc “lấy của đất bao nhiêu dinh dưỡng thì phải bổ sung lại bằng từng ấy”. Khi đất được hoàn trả dinh dưỡng thì cây trồng tự khắc phát triển khỏe mạnh, chi phí bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón, công chăm sóc cũng theo đó giảm dần. Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc gối vụ liên tục để gia tăng nguồn thu.

Về phòng trị bệnh cho cây trồng, trước mắt, ngoài việc sử dụng thuốc BVTV theo danh mục cho phép, đúng lúc, đúng thời điểm, đúng liều lượng thì người trồng phải thường xuyên thăm ruộng để nắm bắt được tập tính sinh trưởng, phát triển của từng loại sâu, bệnh. Bên cạnh đó, áp dụng nguyên tắc “kiểm soát sâu bệnh chứ không tiêu diệt hẳn”. Bởi lẽ, nếu càng ra sức sử dụng thuốc BVTV để tiêu diệt thì rất dễ làm sâu, bệnh hại kháng thuốc. Nên chấp nhận trong vườn có khoảng 10% cây trồng mắc bệnh.

Việc quản lý tốt các yếu tố đầu vào giúp anh Đăng thâm canh thành công dưa lê vàng, liên tục có sản phẩm cung cấp cho thị trường. Ảnh: Trung Quân.

Việc quản lý tốt các yếu tố đầu vào giúp anh Đăng thâm canh thành công dưa lê vàng, liên tục có sản phẩm cung cấp cho thị trường. Ảnh: Trung Quân.

Về lâu dài, phương pháp sử dụng thiên địch sẽ là cách thức hữu hiệu nhất để phòng trị sinh vật gây hại. Tuy nhiên, hiện tại giá bán thiên địch đang ở mức cao nên nhiều nhà vườn có mong muốn sử dụng vẫn chưa thể áp dụng.

Anh Đăng cho biết, diện tích sản xuất của HTX hiện đã được mở rộng lên hơn 3ha (trong đó có 1,5ha nhà màng, nhà lưới). Đặc biệt, việc quản lý tốt các yếu tố đầu vào giúp HTX thuận lợi gối vụ, thậm chí thâm canh được dưa lê vàng liên tục trên một diện tích mà vẫn cho năng suất và chất lượng cao. Trung bình hàng năm HTX sản xuất được 3 vụ dưa với sản lượng 7 - 8 tấn/vụ. Nhờ đó, liên tục có sản phẩm cung cấp cho thị trường, gia tăng thu nhập.

Bình luận