Công nghệ số là chìa khóa mở cánh cửa nông nghiệp hiện đại

Bình luận · 355 Lượt xem

Để thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ và vượt qua những rào cản về nhận thức, hạ tầng số, cơ chế chính sách…

Khu sản xuất rau ứng dụng công nghệ số của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn. Ảnh: Thúy Vi.

Khu sản xuất rau ứng dụng công nghệ số của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn. Ảnh: Thúy Vi.

Vừa là cơ hội, vừa là thách thức

Mới đây tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ số - Chìa khoá mở cánh cửa nông nghiệp hiện đại”. Buổi tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và nông nghiệp ở trung ương và thành phố Hà Nội.

Các chuyên gia, nhà quản lý thống nhất quan điểm rằng, trong thời đại 4.0, chuyển đổi số ngành nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Với thành phố Hà Nội, chuyển đổi số trong nông nghiệp vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức, vì vậy cần có nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian tới.

Trong buổi tọa đàm, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội chia sẻ: “Trong thời gian qua, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đã được Hà Nội quan tâm triển khai theo hướng gắn với chuỗi giá trị. Thành phố đã phối hợp và triển khai theo các cấp độ với các doanh nghiệp để minh bạch các sản phẩm với mã QR. Ngoài ra, Hà Nội đẩy mạnh kết hợp với các tỉnh khác trên cơ sở hệ thống này để quản lý về mặt chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Hiện tại, Hà Nội có hơn 30 doanh nghiệp, HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất một các tích cực, nổi bật là thay đổi từ sản xuất truyền thống sang tự động hóa ở HTX Rau quả sạch Chúc Sơn”.

Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, ông Hoàng Văn Thám cho biết: “Hiện tại, HTX có 52 thành viên với diện tích 18,5ha, doanh thu năm 2022 đạt 19 tỷ đồng. Ngay từ khi thành lập, HTX luôn trăn trở về việc làm sao để sản xuất nông nghiệp bền vững. Từ năm 2017, HTX quyết tâm lựa chọn phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất rau. Công nghệ đầu tiên được áp dụng là trạm cảnh báo thời tiết để điều chỉnh lịch gieo trồng và chăm sóc, giúp tăng năng suất, giảm ngày công lao động và tiêu hao nguyên liệu đầu vào của người dân. Tiếp theo là ứng dụng công nghệ để xây dựng hệ thống tưới rau thông minh. Các hệ thống này đều được kết nối qua điện thoại thông minh để người dân dễ dàng điều khiển”.

Lợi ích của ứng dụng công nghệ số giúp HTX minh bạch sản phẩm hướng tới phục vụ phân khúc người tiêu dùng cao cấp. Tháng 9/2022, HTX đã phối hợp với Công ty Sorimachi để sử dụng hệ thống quản trị từ Nhật Bản nhằm truy xuất nguồn gốc và minh bạch vị trí sản phẩm. Sau khi hoàn thiện hệ thống này, người tiêu dùng có thể kiểm tra, theo dõi khu vực sản xuất thực tế từ xa bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Theo ông Tống Văn Thái - Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, huyện có diện tích nông nghiệp chiếm hơn 60% nhưng lực lượng lao động lại đang chuyển dịch mạnh sang công nghiệp, thương mại. Trong nhiều năm nay, huyện đã tập trung chỉ đạo việc tích cực áp dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp hướng đến chuyển đổi số, kinh tế số. Có thể nói, ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã tạo ra giá trị gia tăng lớn, giảm chi phí và sức lao động của người dân. Trong giai đoạn tới, Chương Mỹ sẽ thực hiện nhiều hơn các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số, khuyến khích và hỗ trợ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

HTX Rau quả sạch Chúc Sơn là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng nhiều công nghệ số vào sản xuất. Ảnh: Thúy Vi.

HTX Rau quả sạch Chúc Sơn là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng nhiều công nghệ số vào sản xuất. Ảnh: Thúy Vi.

Về góc độ nhà quản lý, ông Lê Thanh Châu - Trưởng phòng Tin học, Bộ NN-PTNT cho rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp là việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình quản lý, điều hành, sản xuất và phân phối trên trường để nâng cao chất lượng, gia tăng hiệu quả và rút ngắn tiến trình thực hiện các hoạt động sản xuất.

Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp, HTX mới chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ để số hóa dữ liệu, đó mới là một phần của quá trình. Chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ được thực hiện theo các bước: chuẩn hóa dữ liệu về nông nghiệp đồng bộ trên toàn quốc – chuẩn hóa quy trình sản xuất – xây dựng trung tâm dữ liệu – xây dựng các nền tảng để phục vụ chuyển đổi số – đào tạo nguồn nhân lực.

Vì vậy, trước hết để tiếp tục tiến trình thực hiện chuyển đổi số thì cần xây dựng trung tâm dữ liệu để kết nối và chia sẻ, tập trung hóa dữ liệu để mọi người khai thác và phát huy.

Đội ngũ khuyến nông phải được nâng cao trình độ

Cũng theo ông Lê Thanh Châu, ngành nông nghiệp khó khăn hơn các ngành khác trong chuyển đổi số do gặp nhiều rào cản. Đó là mức độ nhận thức của người quản lý, người đứng đầu đơn vị sản xuất chưa thực sự hiểu sâu rộng về chuyển đổi số. Tiến trình chuyển đổi số cũng gặp khó khăn về hạ tầng công nghệ, hệ thống mạng internet, kết nối chưa thực sự phục vụ tốt, các quy định về chuyển đổi số đang có nhiều vướng mắc.

Rào cản lớn hơn nữa là chính những người nông dân trực tiếp sản xuất cũng khó bắt nhịp được với công nghệ. Vì vậy, để bài toán chuyển đổi số nhanh tới đích thì người nông dân cần phải học cách tiếp cận công nghệ, áp dụng công nghệ, điều khiển thiết bị vào quá trình sản xuất, đồng thời học chia sẻ thông tin dữ liệu cho những người quan tâm. Khi đó, người lãnh đạo doanh nghiệp, HTX sẽ dễ dàng hơn trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, tạo ra sự đồng bộ rộng lớn.

Nói về lợi ích của chuyển đổi số, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh việc minh bạch thông tin vì lợi ích lớn nhất mà chuyển đổi số mang lại là phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Khi truy xuất nguồn gốc rõ ràng, thông tin minh bạch thì sản phẩm được người tiêu dùng sẽ tin tưởng sử dụng, đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người. Ngoài ra, đích đến của chuyển đổi số nông nghiệp cũng nhằm nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, gắn kết Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, người nông dân lại để tạo ra giá trị.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thúy Vi.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thúy Vi.

Chia sẻ về ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp hiện đại, bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho rằng, chính đội ngũ cán bộ khuyến nông cũng cần được tập huấn, đây không phải vấn đề của riêng nông dân, HTX, doanh nghiệp. Trung tâm mong muốn thông qua những hội nghị, tọa đàm tập huấn, nông dân sẽ nhận thức được sự cần thiết phải tham gia công nghệ số, ứng dụng công nghệ số trong từng phần việc cụ thể như thế nào.

Ứng dụng công nghệ số là một trong những nội dung quan trọng mà Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội để đẩy mạnh tuyên truyền trong năm 2023. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức hàng chục lớp tập huấn về nội dung này đối với nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã. Mục đích nhằm cung cấp thông tin, thay đổi tư duy của người dân về ứng dụng công nghệ số không thể đơn lẻ từng hộ làm được mà bắt buộc phải liên kết với nhau thành tổ hợp tác, HTX để cùng nhau xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bền vững.

Thực hiện chỉ đạo của Sở NN-PTNT Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông sẽ đồng hành cùng với Phòng kinh tế các quận, huyện, thị xã; thông qua các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi - Thú y và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp tổ chức những hội nghị, toạ đàm, tập huấn về ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp lần lượt tại các địa phương trên địa bàn thành phố

Bình luận