Chế biến sâu tăng giá trị cho cá nước lạnh Sa Pa

Comments · 91 Views

Cá nước lạnh Sa Pa được chế biến sâu với nhiều sản phẩm phong phú để gia tăng giá trị, ổn định thu nhập cho người nuôi cá.

Liên kết, chế biến tiêu thụ sản phẩm để ổn định đầu ra

Cá nước lạnh Sa Pa hiện nay được bán cho nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh Lào Cai nhưng đầu ra lại không ổn định, tăng giảm thất thường. Trước khó khăn trên, một số hợp tác xã trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư chế biến sâu sản phẩm cá nước lạnh, đặc biệt là cá hồi Sa Pa.

 

Hợp tác xã chế biến thủy sản, cá hồi, cá tầm Thức Mai ở thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai) là đơn vị đầu tiên đi theo hướng này.

 

Bà Phạm Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã chế biến thủy sản, cá hồi, cá tầm Thức Mai quyết định phát triển nuôi cá hồi theo mô hình khép kín, đầu tư máy móc phục vụ chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng với đó, hợp tác xã đứng ra thu mua cá hồi, cá tầm, đồng thời cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi chất lượng cao cho các cơ sở nuôi và người dân để bao tiêu sản phẩm. 

 

Sau khi đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị phục vụ chế biến, hợp tác xã mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi cá dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và đơn vị chức năng của thị xã Sa Pa. Đến nay, hợp tác xã đã có 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

 

Các sản phẩm hợp tác chế biến sâu từ các nước lạnh gồm: Ruốc cá hồi, xúc xích cá hồi, chả cá hồi, giò cá hồi, cá hồi phi lê, cá hồi cắt khúc, cá hồi hun khói... được người tiêu dùng tin tưởng và đón nhận, giúp tiêu thụ hàng chục tấn cá nước lạnh mỗi năm.

 

Phát triển cá nước lạnh theo hướng an toàn, bền vững

Theo bà Trần Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, năm 2023, Phòng Kinh tế thị xã tiếp tục tham mưu cho UBND thị xã tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong nuôi trồng và phát triển thủy sản, đặc biệt là thủy sản nước lạnh.

 

Trong đó, phối hợp với các xã, phường tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thủy sản nước lạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; khuyến khích thành lập các hợp tác xã, nhóm nuôi để tăng cường công tác quản lý, giám sát chéo giữa các cơ sở nuôi trồng thủy sản. 

 

Kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các quy định của Nhà nước đối với các cơ sở nuôi cá nước lạnh; phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản theo quy định.

 

Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 307 cơ sơ nuôi cá nước lạnh và trong thời gian tới có nhiều cơ sở nhỏ lẻ phát sinh. Có trên 60% các cơ sở nuôi là các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số và phần lớn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định.

 

Trên địa bàn thị xã có 5 doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến cá nước lạnh liên kết, thu mua sản phẩm của bà con để chế biến sâu gồm: Công ty TNHH một thành viên Thương mại và dịch vụ Song Nhi; Hợp tác xã chế biến thủy sản, cá hồi, cá tầm Thức Mai; Hợp tác xã Minh Đức; Hộ kinh doanh Nguyễn Trọng Quỳnh; Hợp tác xã Dịch vụ thương mại tổng hợp Thành đạt. 

 

Công suất chế biến của các đơn vị này có thể đạt bình quân trên 300 tấn mỗi năm. Hiện trên địa bàn có khoảng 20 sản phẩm được sơ chế, chế biến từ cá hồi, cá tầm. Các sản phẩm nổi bật gồm: Ruốc cá Hồi Sa Pa, Xúc xích cá Hồi Sa Pa, Chả cá Hồi Sa Pa, Giò cá Hồi Sa Pa, Cá Hồi Sa Pa cuộn phô mai, Xúc xích cá tầm Sa Pa…

 

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, mục tiêu phát triển thủy sản tỉnh Lào Cai từ nay đến 2030 theo hướng gia tăng sản xuất hàng hóa, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 20% tổng sản lượng thủy sản.

 

Giải pháp thực hiện đó là hình thành và phát triển các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết nuôi trồng thủy sản gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm thủy sản đặc sản và sản phẩm lợi thế của tỉnh. Phát triển các sản phẩm thủy sản đã qua sơ chế, chế biến gắn với phát triển du lịch…

 

 

Hải Đăng

 

 

Comments