Giá tôm Việt Nam vẫn cao hơn Ấn Độ, Ecuador

Bình luận · 191 Lượt xem

'Nuôi tôm ở Việt Nam vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ, do đó chi phí sản xuất vẫn ở mức cao", bà Lily Tao, Trưởng Dự án tại Beanstalk cho hay.

Để xuất khẩu tôm đạt 12 tỉ USD năm 2030

Chương trình thí điểm tài trợ Tăng cường gắn kết kinh tế Australia-Việt Nam (AVEG) và Beanstalk - một đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo tại Australia đang thực hiện chương trình kết nối doanh nghiệp nông nghiệp ĐBSCL trong 2 ngành lúa gạo, tôm với các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu tại Australia vừa tổ chức "Tọa đàm về thách thức ngành tôm" qua nền tảng zoom.

 

Bà Lily Tao, Trưởng Dự án tại Beanstalk cho biết, Việt Nam nằm trong 30 quốc gia chịu rủi ro cao nhất về biến đổi khí hậu. Trong số 84 quốc gia đang phát triển vùng ven biển và chịu ảnh hưởng của nước biển dâng, Việt Nam là nước đứng đầu về những hậu quả nặng nề liên quan tới dân số và tăng trưởng GDP; đứng thứ hai về những tác động tới diện tích đất và sản xuất nông nghiệp.

 

Theo bà Lily Tao, biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện rõ ràng hơn ở Việt Nam. Kể từ năm 1971, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam tăng khoảng 0,26°C mỗi thập kỷ, gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu; mực nước biển đã dâng khoảng 20cm trong 50 năm qua và dự kiến đến năm 2100 sẽ tăng 32-76cm; những thay đổi đáng báo động về thời tiết cực đoan (như mưa, bão, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán...); tăng độ mặn khiến năng suất nuôi trồng thủy sản giảm…

 

“Biến đổi khí hậu dự kiến làm giảm khoảng 12% diện tích sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng và 24% ở ĐBSCL”, bà Lily Tao nhấn mạnh.

 

Bà Lily Tao cho rằng, Chính phủ Việt Nam cùng các nhiều các quốc gia khác đã cam kết thực hiện các mục tiêu bền vững đầy tham vọng như: Giảm khí thải metan 30% vào năm 2030, giảm 44% khí nhà kính trong hoạt động nông nghiệp…

 

Riêng với ngành tôm Việt Nam, bà Lily Tao cho hay, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam hàng năm đạt khoảng 4,3 tỉ USD. Việt Nam đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu tôm gấp 3 lần, đạt 12 tỉ USD năm 2030, vừa tăng năng suất để đảm bảo kim ngạch xuất khẩu nhưng vẫn phải đảm bảo môi trường. Để đạt được mục tiêu cần hướng đến nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA). CSA có 3 trụ cột chính gồm thích ứng, giảm nhẹ và năng suất.

 

Cải thiện chất lượng nước và giảm nguy cơ dịch bệnh trên tôm

Bà LiLy Tao cũng phân tích những đặc điểm và thách thức của ngành tôm Việt Nam. Theo Bà Lily Tao, Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu tôm hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên nuôi tôm ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ, do đó chi phí sản xuất vẫn ở mức cao. So sánh với Ấn Độ, Ecuador, giá tôm Việt Nam vẫn còn cao hơn.

 

Đồng quan điểm, nhiều đại biểu tham dự tọa đàm nhận định, những thách thức cần phải giải quyết ngay đối với ngành tôm Việt Nam hiện nay là: Dịch bệnh, môi trường, chi phí thức ăn, chất lượng con giống, quản lý nguồn nước, an toàn vệ sinh thực phẩm…

 

Bà Lily Tao cho rằng, ngành tôm Việt Nam muốn tăng năng suất và lợi nhuận cần phải giảm nguy cơ nhiễm bệnh trên tôm; cải thiện chất lượng nước; giảm thiểu chất thải và nước thải bằng cách chuyển chúng thành sản phẩm có giá trị…  

 

Bên cạnh đó để ngành tôm thích ứng và chống chịu hơn trước biến đổi khí hậu, cần chuẩn bị tốt hơn cho các hiện tượng thời tiết bất thường; tăng cường sử dụng bảo hiểm thời tiết cho các trang trại nuôi tôm.

 

Đồng thời để giảm lượng khí thải carbon trong nuôi tôm, cần giảm lượng khí thải carbon từ đầu vào thức ăn chăn nuôi; tối ưu hóa việc sử dụng điện tại trang trại; giảm xả nước ô nhiễm vào đường thủy; giảm khí thải từ thiết bị, máy móc…

 

Tại tọa đàm, hai vấn đề của ngành tôm Việt Nam được ưu tiên bàn luận là cải thiện chất lượng nước và giảm nguy cơ dịch bệnh trên tôm.

 

Với vấn đề cải thiện chất lượng nước trong nuôi tôm, bà Lily Tao chia sẻ, các giải pháp tiềm năng là sử dụng vi khuẩn hòa tan chất thải, dùng nước thải làm phân bón và nuôi tôm kết hợp rong biển hoặc công nghệ để tăng chất lượng nước.

 

Ông Nick Paul, nhà khoa học biển tại Trường Đại học Sunshine Coast, Australia cho hay: “Chúng tôi đã có dự án 1 triệu AUD thử nghiệm dùng rong biển để lọc sinh học. Kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy, rong biển đã tăng gấp đôi hiệu quả của quá trình loại bỏ chất dinh dưỡng trong ao lắng”.

 

“Sử dụng rong biển là giải pháp hữu ích. Người nuôi tôm trước đây chỉ có tôm, tuy nhiên khi nuôi tôm kết hợp trồng rong biển có thể kiểm soát chất lượng nước, tăng cường sự phát triển của tôm, ngoài ra còn tạo ra được sản phẩm tăng thêm từ sự kết hợp này”, ông Nick Paul khẳng định.

 

Đối với vấn đề dịch bệnh trong ngành tôm, bà Lily Tao cho rằng, dịch bệnh có thể khiến tôm chết hàng loạt, khiến người nuôi thiệt hại lớn về kinh tế, đồng thời gây ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị. Các giải pháp tiềm năng để giảm sự bùng phát của dịch bệnh trên tôm là chọn giống kháng bệnh, bổ sung thức ăn để nâng cao sức đề kháng...

 

Hồng Thắm

 

 

Bình luận