Đây là chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh Yên Bái và Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng nhằm kết nối doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động. Tham gia Ngày hội việc làm năm 2023, có gần 100 công ty, doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có hơn 50 doanh nghiệp từ Hải Phòng đến tư vấn đào tạo nghề và tuyển dụng lao động.
Ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: Sau 30 năm phát triển, Khu kinh tế đã tạo lực đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, là động lực phát triển vùng Bắc bộ. Từ đó, cơ bản hoàn thành trách nhiệm đặt nền móng đầu tiên cho cho việc thu hút FDI, giải quyết việc làm, thúc đẩy xuất khẩu, đô thị hóa.
Đến nay, trong Khu kinh tế Hải Phòng đã thành lập được 14 khu công nghiệp với diện tích hơn 6.000ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 61%. Khu kinh tế được đầu tư xây đồng bộ, phát triển các khu công nghiệp, khu đô thi, trung tâm thương mại và cảng biển, logictisc tầm cỡ quốc tế. Thu hút gần 800 dự án đầu tư, trong đó, hơn 500 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Hải Phòng đã là địa điểm đầu tư của các tập đoàn lớn, đa quốc gia. Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã tạo việc làm ổn định cho gần 200.000 lao động trực tiếp, thu nhập trung bình khoảng 10,2 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt các doanh nghiệp tại đây đã quan tâm đầu tư các thiết chế công đoàn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho công nhân. Hiện nay, trong khu kinh tế đã xây dựng 2 khu nhà ở cho công nhân, tạo chỗ ở cho khoảng gần 5.000 chuyên gia, công nhân và dự kiến đến năm 2025 hoàn thành thêm 2 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với gần 8.000 căn, đáp ứng khoảng 26.000 chỗ ở.
Ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết thêm: “Thành phố Hải Phòng có chủ trương thu hút nguồn lao động đã qua đào tạo ở mọi nơi về làm việc tại địa phương, chính vì vậy chúng tôi đã phối hợp với tỉnh Yên Bái, tổ chức Ngày hội việc làm và Hội thảo kết nối nhằm thúc đẩy chương trình, kế hoạch hợp tác đào tạo, cung ứng lao động giữa các đơn vị đào tạo tỉnh Yên Bái và người lao động với các doanh nghiệp. Giúp các doanh nghiệp định hướng được các lĩnh vực mà các đơn vị đào tạo cần phải hướng tới nhằm cung cấp nguồn lao động ổn định”.
Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở Hải Phòng từ đầu năm 2023 đến nay là hơn 28.600 lao động. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp năm 2024 là trên 20.000 người. Ưu tiên người lao động trẻ, có trình độ, tay nghề cao. Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cam kết sẽ đồng hành cùng người lao động Yên Bái, hỗ trợ, hướng dẫn giới thiệu việc làm phù hợp với trình độ đào tạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết: Phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến chiến lược quan trọng, trong đó “tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từng bước phát triển nền kinh tế số, xã hội số” là 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025.
Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, nhu cầu tuyển dụng bình quân hàng năm trên 6.000 lao động, tập trung chủ yếu ngành nghề may mặc, khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản... Tỉnh Yên Bái đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Chú trọng đào tạo nhân lực cho lao động nông thôn, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ lao động, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp.
Thanh Tiến