Sự kiện Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 (diễn ra từ ngày 11 - 15/12/2023), Hậu Giang chủ trương sẽ tái hiện con đường lúa gạo Việt Nam - mô hình thể hiện quá trình phát triển ngành trồng lúa Việt Nam từ khi làm nông nghiệp sơ khai, nông nghiệp kinh tế tiểu nông, nông nghiệp thời công nghiệp hóa, nông nghiệp hiện đại 4.0. Mỗi mô hình thể hiện những gian nhà trưng bày các công cụ, dụng cụ sản xuất lúa, mỗi mô hình còn được thể hiện “trên bến, dưới thuyền” những nét đặc trưng sông nước của người miền Tây Nam bộ trong các thời kỳ.
Ngoài ra, nhiều nội dung khác trong Festival được đơn vị chủ nhà trình diễn, như các hoạt động lễ hội, xác lập kỷ lục thiết lập một bản đồ lúa gạo được tạo ra từ lúa gạo đặc sản của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã đóng góp để xây dựng bản đồ với diện tích ngang 3m, cao 9m; Khu trưng bày chuỗi ngành hàng lúa gạo, trưng bày thành tựu kinh tế xã hội, sản phẩm OCOP của 63 tỉnh, thành phố; Khu trưng bày, triển lãm “Lúa gạo Việt - Thương hiệu Việt - Tự hào của người Việt”; khu Triển lãm “Lúa gạo Quốc tế”, “Nông nghiệp số - Nền tảng phát triển bền vững”; Khu Triển lãm Nông nghiệp xanh - Công nghệ sạch; Khu triển lãm của “Ngân hàng phục vụ sự phát triển bền vững nông nghiệp - nông thôn và xây dựng nông thôn mới”…
Điểm nhấn của sự kiện là “con đường lúa gạo Việt Nam” được tái hiện tại bờ kè kênh Xáng Xà No - công trình thủy lợi có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành, phát triển ngành sản xuất lúa của tỉnh Hậu Giang. Đây là nơi khách tham quan đến với những khám phá mới mẻ, thú vị, ấn tượng khi từng bước trải nghiệm trên con đường chứa đựng cả quá khứ, hiện tại và tương lai của ngành nông nghiệp và lúa gạo Việt.
Để chuẩn bị cho nội dung này, Hậu Giang cho trồng 10.000 chậu lúa với các giống lúa chủ đạo như IR50404, OM 5451, ST 25, Đài thơm 8, RVT trang trí tại sự kiện, đồng thời giao Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp (Sở NN-PTNT) phụ trách.
Người nông dân giỏi chăm 10.000 chậu lúa
Ông Trần Văn Triệu (ấp 6, xã Vị Tân, TP Vị Thanh) - một nông dân giỏi của Hậu Giang là người cùng với các cán bộ khuyến nông thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Từ cuối tháng 9, công việc xuống giống được tiến hành. Việc chuẩn bị đất trồng, chậu nhựa…, ông Triệu cùng với nhiều nông dân khác trong ấp hăng hái làm trước đó cả tháng.
“Đây là phần việc rất quan trọng của sự kiện lễ hội. Chúng tôi cấy lúa miết, kinh nghiệm có thừa nhưng đó chỉ là cấy lúa ngoài đồng, chưa trồng lúa vô chậu bao giờ. Lần này được giao trồng lúa vô chậu, vừa quen mà vừa lạ, tôi phải chú tâm, không dám chểnh mảng, lơ là”, ông Triệu cho biết.
Đất trồng lúa được ông Triệu lấy từ đất đồng, về xử lý theo đúng quy trình, phơi nắng cho ải đất, sau đó ủ phân hữu cơ. Ngày 30/9 ông xuống giống ngâm, khi lúa giống ngâm đã đủ ngày, ông chia đất vào chậu rồi gieo thóc giống xuống các chậu đã chuẩn bị sẵn. “Mỗi chậu mình gieo 2 - 3 hạt, không cần nhiều. Lúa đến tuổi sẽ tự đẻ nhánh, mình chăm sóc thêm, đảm bảo đến khi Festival diễn ra sẽ có được các chậu lúa theo mong muốn”.
Theo yêu cầu, 10.000 chậu lúa gồm 5 giống lúa chủ lực, nổi tiếng của Hậu Giang tới khi trình diễn “Con đường lúa gạo” sẽ có đủ các giai đoạn phát triển theo vòng đời của cây lúa: Lúa đang vào kỳ sinh trưởng, đẻ nhánh; lúa trổ đòng, vào bông; lúa chuẩn bị chín, và có cả khu vực lúa chín trĩu bông sắp cho thu hoạch. Mục đích của Hậu Giang nhằm tái hiện sinh động, mang lại cảm xúc thực cho người xem.
Anh Triệu Quốc Dương (Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp Hậu Giang) cho biết, thời điểm này là nghịch mùa, chưa tới vụ nên việc trồng 10.000 chậu lúa theo các yêu cầu cụ thể như trên là lần đầu tiên thực hiện. Chúng tôi phải lựa chọn người có nhiều kinh nghiệm, uy tín phối hợp phần việc này, đồng thời hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật. Chú Triệu là nông dân giỏi ở Vị Thanh, có kinh nghiệm và có đủ các điều kiện cần thiết, đảm bảo thành công cho số chậu lúa theo yêu cầu.
Để đảm bảo có lúa để trưng bày, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang vẫn có “phương án 2”, đó là chuẩn bị một khu vực gieo sạ riêng nhằm có lúa bổ sung cho những chậu hư hại, trồng dự phòng 1.000 chậu lúa khác và liên hệ với các khu vực trồng lúa muộn trên địa bàn để có lúa dự phòng trang trí cho sự kiện.
Mới gần 1 tháng từ khi xuống giống vào các chậu, 10.000 chậu lúa do ông Triệu chăm sóc đã phát triển tốt. Lúa đẻ nhánh nhanh, đều, các khu vực lúa theo giống, theo thời kỳ sinh trưởng được chia ở các khu riêng biệt, và đặt thành hàng lối trong khu vườn rộng tới gần 1 công đất của gia đình ông Triệu.
“Hàng ngày tôi kiểm tra hai lượt sáng, chiều, điều chỉnh lượng nước, theo dõi, bắt sâu, côn trùng gây hại, rải thêm phân bón… Tất cả đều được ghi chép vào cuốn Nhật ký chăm sóc. Cách vài ngày, cán bộ khuyến nông lại qua kiểm tra, đánh giá, góp ý… để 10.000 chậu lúa đảm bảo phát triển tốt”, ông Triệu vui chuyện trong lúc cắp chậu phân bón thúc cho những chậu lúa gần một tháng tuổi.
Ở Vị Tân, ông Trần Văn Triệu (SN 1966) là một nông dân giỏi. Ngoài cấy mấy công đất lúa, gia đình ông còn mở trại sản xuất nấm rơm, trồng bông kiểng bán Tết. Khi được giao chăm sóc 10.000 chậu lúa, ông đã “hy sinh” vụ trồng bông cho Tết năm nay để dành toàn bộ không gian vườn trồng lúa trong chậu.
Những chậu lúa dành cho Festival được ông Triệu sắp thành hàng lối, xếp sát nhau, giữa các ô chừa ra một lối đi nhỏ để tiện việc chăm sóc, giám sát. Kế bên là con kênh ăm ắp nước để cấp nước tưới cho lúa chậu. “Từ khi xuống giống vô chậu, ông nhà tôi không dám rời nhà đi đâu quá vài giờ, suốt ngày quanh quẩn bên khu chậu lúa”, vợ ông Triệu cho hay.
Ngày 25/10, cùng với anh Triệu Quốc Dương (Phó Trưởng phòng Kỹ thuật) và chị Thúy Kiều (cán bộ Trung tâm Khuyến nông) xuống nhà ông Triệu, chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng 10.000 chậu lúa đang lên bời bời. Tỉ mỉ nhìn ngắm từng khu lúa được phân theo giống lúa, ngày trồng…, hai cán bộ khuyến nông cùng người nông dân giỏi nhất xã Vị Tân điều chỉnh lượng nước từng chậu, kiểm tra tốc độ đẻ nhánh của cây lúa, sự phát triển lá, thân, rễ…
“Lúa xung quanh đang cắt, áp lực đang dồn về lúa của mình, đặc biệt là mấy anh “tý”, sắp tới chúng ta còn nhiều việc cần làm chú Triệu ơi. Chú ráng dành nhiều thời gian, tâm huyết nhiều hơn, bởi đây là lúa chuẩn bị cho sự kiện rất lớn của tỉnh đó nha chú”, chị Thúy Kiều nhắn nhủ ông Triệu.
Hơn 1 tháng tới, khi Festival lúa gạo diễn ra, 10.000 chậu lúa này sẽ tái hiện một con đường lịch sử của cây lúa tỉnh Hậu Giang nói riêng và cây lúa Việt Nam nói chung.
“Được góp sức vào sự kiện lớn này, rôi rất vui và tự hào”, ông Triệu chân chất nói khi vẫn miệt mài bổ sung đạm cho những khóm lúa cần bổ sung thêm dinh dưỡng.